Người cảm tử quân năm ấy

(Baohatinh.vn) - Khi giặc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, chàng thanh niên Trần Thanh Giáp (sinh năm 1944 tại TP Hà Tĩnh) vừa tròn hai mươi tuổi. Anh tình nguyện nhập ngũ và đến nhận nhiệm vụ ở Tiểu đoàn 30 công binh, trực thuộc Sư đoàn 341 Quân khu 4.

Sau mấy tháng đào tạo kỹ thuật công binh, đơn vị anh được giao nhiệm vụ xây dựng các trận địa cho pháo binh bảo vệ bờ biển dọc hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Mấy năm trường lăn lộn trong gian khổ và ác liệt, anh đã cùng đơn vị mở đường khoét núi đá cho pháo 130 ly vươn nòng bắn cháy tàu chiến giặc trên biển Đông.

Đầu năm 1968, giặc Mỹ ném bom “hạn chế” miền Bắc, thực chất là chúng tập trung sinh lực đánh phá “eo ruột miền Trung” từ vĩ tuyến 20 trở vào. Trần Thanh Giáp được điều về D15 công binh, làm nhiệm vụ đảm bảo giao thông ở Ngã ba Đồng Lộc. Mấy tháng trời trong mưa bom bão đạn, anh đã cùng đồng đội rà phá hàng trăm quả bom nổ chậm, bom từ trường ở “Ngã ba bom” ấy. Rồi Tiểu đoàn của anh được điều sang Lào mở đường Tây Trường Sơn để nối dài vươn rộng các ngả đường vào chiến trường B, sang chiến trường C, chia lửa với các cung đường huyết mạch Đông Trường Sơn.

Người cảm tử quân năm ấy

Ngã ba Đồng Lộc - một trong những trọng điểm đánh phá của giặc Mỹ. Ảnh tư liệu

Cuối năm 1971, khi giặc Mỹ rục rịch đánh phá trở lại miền Bắc, Trần Thanh Giáp lại được điều động về D25 công binh Quân khu 4. Tại đây anh được cử đi học thêm kỹ thuật tháo gỡ bom mìn, chuẩn bị cho những cuộc chiến đấu mới cam go hơn, ác liệt hơn.

Ngày 9/5/1972, hàng loạt máy bay A6A, A7A, F4... của Mỹ từ Hạm đội 7 ở Biển Đông ồ ạt bay vào thả hàng ngàn quả thủy lôi, bom từ trường xuống các cảng biển từ Hải Phòng vào tới sông Gianh. Chúng thả theo cấp độ leo thang từ thấp lên cao, từ phạm vi hẹp đến rộng khắp, từ chỉ thả thủy lôi đến xen lẫn thủy lôi, bom từ trường và bom phá. Chúng tận dụng triệt để các điều kiện thời gian, thời tiết, khí tượng thủy văn phức tạp để thực hiện âm mưu phong tỏa.

Các loại thủy lôi của Mỹ được cải tiến tinh vi, nguy hiểm, rất khó phát hiện, rất khó rà phá; có nhiều tầng từ nổi trôi theo sóng nước, lưng chừng biển và có quả “phục kích” tận đáy sâu. Chúng đồng thời phong tỏa tất cả các cửa sông, hải cảng, ngoài biển và trong vịnh, cả luồng chính và luồng phụ nhằm ngăn chặn triệt để các hoạt động giao thông vận chuyển của ta. Cuộc chiến đấu chống phong tỏa của quân và dân ta vô cùng gian khổ, ác liệt.

Cảng biển Cửa Hội (Nghệ An) là nơi chúng ta tiếp nhận hàng hóa từ tàu các nước bạn vào đất liền rồi theo các tuyến đường thủy của sông Lam, sông La để lên phía tây nơi có huyết mạch đường mòn Hồ Chí Minh xuyên Nam - Bắc và sang Lào hoặc theo quốc lộ 1 và muôn ngàn con đường dẫn ra tiền tuyến, tiếp sức cho quân dân khu IV.

Người cảm tử quân năm ấy

Ngày 9/5/1972, hàng loạt máy bay A6A, A7A, F4...của Mỹ từ Hạm đội 7 ở Biển Đông ồ ạt bay vào thả hàng ngàn quả thủy lôi, bom từ trường xuống các cảng biển từ Hải Phòng vào tới sông Gianh. Ảnh tư liệu

Đợt phong tỏa này làm giao thông ra vào các cảng bị tê liệt, tàu của các nước Liên Xô, Ba Lan, Trung Quốc, Cu Ba... tiếp ứng cho ta phải nằm ngoài phao số “0”; hàng hóa, vũ khí, thuốc men tiếp viện không vào được các cảng để tiếp tế cho chiến trường. Theo thống kê, tại Cửa Hội đã có trên 1.300 quả bom mìn các loại quân Mỹ rải xuống. Trước tình hình đó, Bộ Tư lệnh Quân khu 4 quyết định cho công binh mở đường máu để tàu thuyền của ta ra tận phao số “0” nhận hàng.

Ngày 26/6/1972, Tiểu đội Cảm tử quân gồm 8 chiến sĩ công binh do Trần Thanh Giáp phụ trách làm lễ tuyên thệ và truy điệu sống trong đất liền rồi dùng xuồng cao su, chở theo nửa tạ thuốc nổ TNT, dây dẫn và thiết bị phát “từ trường” để kích nổ bom ra biển. Trên người mỗi cảm tử quân, duy nhất là chiếc quần cộc và chiếc phao bơi tròn quấn quanh người, kẹp dưới hai nách.

Xuất phát từ bến thuyền xã Nghi Thọ, men theo luồng lạch tàu thuyền vẫn thường vào ra, tiểu đội công binh vừa đi vừa cho máy xung từ hoạt động để kích nổ những quả bom xung quanh đường họ đi. Mỹ thả nhiều loại bom mìn trôi nổi trong sóng nước, có loại chìm sâu xuống đáy chờ tàu thuyền đi qua. Với tác động của máy phát sóng từ trường, nhiều quả bom nổ tung, có quả nổ rất gần chiếc xuồng, sóng nước dựng lên thành cột, mảng bom tung tóe, bùn nước ào ào rơi. Cả tiểu đội không nao núng, vừa đi vừa mở rộng tầm rà phá. Ra đến chừng hai cây số, một quả bom đã nổ ngay sát chiếc xuồng. Sau tiếng nổ xé trời ấy, cả chiếc xuồng và các chiến sĩ tung lên không trung rồi rơi xuống biển…

Người cảm tử quân năm ấy

Cảm tử quân Trần Thanh Giáp.

Bảy đồng đội hy sinh, riêng anh Trần Thanh Giáp bị nát toàn bộ chân trái, chìm xuống đáy biển. Thật kỳ lạ, anh kịp tỉnh dậy trong giây lát, dùng chân còn lại và hai tay khuấy đạp ngoi lên mặt biển, chiếc phao bơi đã bị xẹp tự khi nào. Khá lâu sau, anh được một chiếc thuyền chài của hai cha con người đánh cá ở biển Nghi Lộc phát hiện. Người cha đặt anh lên thuyền để cô con gái xé áo của bố băng bó cho anh, còn ông theo chỉ dẫn của anh Giáp - chèo thuyền đi tìm những người khác. Cô gái thấy vết thương của anh Giáp quá nặng thì giục cha cho thuyền vào bờ ngay để kịp cứu anh. Lúc này tiểu đội dự phòng cho đội cảm tử cũng vừa tới, Trần Thanh Giáp chỉ vị trí đồng đội gặp nạn để họ tiếp tục tìm kiếm cứu người trước khi chiếc thuyền câu chở anh vào bờ. Tại trạm cấp cứu của Hải quân ở Cửa Hội, sau khi sơ cứu băng bó, anh được chuyển gấp trong đêm lên Viện Quân y 4.

Tám tháng trời chết đi sống lại vì cái chân dập nát, không biết bao nhiêu lần hoại tử phần thịt, nhiễm trùng phần xương tủy; không biết bao nhiều lần hồi sức cấp cứu và phẫu thuật cắt bỏ, cấy ghép... Mắt bị mờ, tai bị điếc vì khói bom và tiếng nổ quá gần, sức khỏe sa sút, anh Trần Thanh Giáp được chuyển ra Viện Quân y 109 ở Vĩnh Yên để điều trị. Dù đã được cứu chữa với tinh thần tích cực nhất, cái chân của anh như một khối thừa bám sát cơ thể anh, anh vĩnh viễn bị tàn tật.

Người cảm tử quân năm ấy

Vợ chồng anh Giáp sống quây quần bên con cháu.

Sự hy sinh của Tiểu đội Cảm tử quân do Trần Thanh Giáp chỉ huy khiến bao đồng đội và nhân dân lúc đó nể phục. Đơn vị tổ chức học tập tinh thần quả cảm sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc của họ. Nhiều nhóm Cảm tử quân thay họ ra khơi rà phá bom mìn, giải phóng tuyến đường biển đang bị địch bủa vây bằng bom mìn để hàng tiếp viện từ các nước anh em vào đất liền và đi tới các chiến trường B, chiến trường C đang ở thời kỳ quyết liệt. Sau trận chiến đó, anh Giáp được tặng Huân chương Chiến công hạng Ba.

Khi tôi xin được viết để đưa lên báo câu chuyện về thương binh Cảm tử quân Trần Thanh Giáp, anh chỉ cười: “Việc qua lâu rồi, mình may mắn sống trở về, có con có cháu yên hàn là toại nguyện lắm rồi chú ạ. Những người hy sinh cùng nhiệm vụ hôm ấy thực ra mình chưa kịp nhớ hết tên tuổi, quê quán của họ vì tiểu đội được ghép mỗi người một nơi mới hai ngày là đi làm nhiệm vụ.”

Nhắc đến cuộc đời của Cảm tử quân Trần Thanh Giáp không thể không nhắc đến chị Nguyễn Thị Thanh - vợ anh. Chị Thanh người ở Thành Đông (Tân Giang, TP Hà Tĩnh ngày nay), là một thương binh chống Mỹ từng phục vụ chiến đấu ở chiến trường Lào. Sau khi bị thương ở mặt trân Bolikhămxay, chị được trở về nước an dưỡng rồi công tác ở Đoàn 70 (đóng ở Hương Sơn - trong thời đánh Mỹ là nơi bộ đội về điều dưỡng khi bị thương). Chị là người trực tiếp chăm sóc thương binh Trần Thanh Giáp khi anh điều trị ở đây. Sau đó, họ thành vợ thành chồng, sống hạnh phúc đầm ấm và hết mực yêu thương chăm sóc lẫn nhau. Anh chị hiện sống quây quần bên con cháu tại số nhà 260 đường Hà Huy Tập, TP Hà Tĩnh.

Chủ đề QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN

Đọc thêm

Diễn xướng “Duyên tình biển mặn”

Diễn xướng “Duyên tình biển mặn”

Tiết mục: Diễn xướng “Duyên tình biển mặn” (soạn lời và chỉnh lý: Văn Mạnh, Sỹ Chinh) do Đoàn nghệ thuật Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh Hà Tĩnh biểu diễn tại Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh tại Hà Tĩnh.
Chợ phiên - nét văn hóa truyền thống

Chợ phiên - nét văn hóa truyền thống

Tháng Chạp về, khi đào, mai bắt đầu ươm nụ trên những làng quê Hà Tĩnh, lòng tôi lại háo hức chờ đợi những buổi chợ phiên truyền thống, để được hòa mình trong không gian văn hóa quê hương.
Tỏa sáng di sản y học cổ truyền Hải Thượng Lãn Ông

Tỏa sáng di sản y học cổ truyền Hải Thượng Lãn Ông

Kế thừa, phát huy giá trị di sản y học cổ truyền của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, các bệnh viện, Hội Đông y Hà Tĩnh và cả nước ngày càng nâng cao hiệu quả hoạt động, khẳng định vai trò trong công tác chữa bệnh cứu người.
“Tấm căn cước” quý giá

“Tấm căn cước” quý giá

Nơi ấy, trên bản đồ hình chữ S của nước Việt ngàn năm là dải đất nhỏ hẹp, “đòn gánh gánh hai đầu đất nước”. Nơi ấy, bên dòng sông Lam trong xanh và núi Hồng sừng sững, những cư dân nhiều đời đã làm nên bao huyền thoại, tạo dựng một vùng văn hóa giàu bản sắc: văn hóa Hồng Lam. Đó là “tấm căn cước” quý giá, riêng có của Hà Tĩnh.
Dấu ấn cố hương trong “Thượng Kinh ký sự”

Dấu ấn cố hương trong “Thượng Kinh ký sự”

Tác phẩm “Thượng kinh ký sự” của Đại danh y Lê Hữu Trác bên cạnh trường đoạn nói về nỗi nhớ nơi ẩn cư ở quê mẹ ở Hương Sơn (Hà Tĩnh) là trường đoạn nói về nỗi nhớ cố hương da diết với rất nhiều hoài niệm.
Noel ấm áp, an lành

Noel ấm áp, an lành

Những ngày này, nhiều làng quê Hà Tĩnh lại rộn ràng không khí chờ đón lễ Noel. Dẫu không phải người xứ đạo nhưng tôi đã thấy mùa Giáng sinh ấm áp đang lan tỏa trong mình.
“Hành giả” Stêphannô Nguyễn Khắc Dương

“Hành giả” Stêphannô Nguyễn Khắc Dương

Trong cộng đồng Thiên Chúa giáo Việt Nam hiện nay, Stêphannô Nguyễn Khắc Dương, quê ở xã An Hòa Thịnh (Hương Sơn, Hà Tĩnh) là một tu sĩ được rất nhiều giám mục, linh mục, chức sắc tôn giáo, đồng bào có đạo biết đến và rất kính trọng.
Đoàn kết lương giáo - tô điểm quê hương

Đoàn kết lương giáo - tô điểm quê hương

Với tinh thần “Sống tốt đời, đẹp đạo”, đồng bào công giáo Hà Tĩnh đã tích cực gắn kết lương giáo, chung sức xây dựng, điểm tô cho bức tranh quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Thành Sen - thành phố bên bờ biển

Thành Sen - thành phố bên bờ biển

Một chiều như mọi chiều, tôi lại chạy xe chầm chậm trên những con phố cổ xưa của Thành Sen để ngắm nhìn những sắc màu mới đan xen màu ký ức. Xuôi về phía biển, một cảm giác vừa lạ lẫm, vừa hân hoan dào lên trong tôi - thành phố Hà Tĩnh đã mở rộng về bốn phía, làm dậy lên bao xúc cảm.