Gia đình bà Phạm Thị Hòa ở thôn Hương Phố (xã Đức Hương) di chuyển tài sản lên chạn để đảm bảo an toàn.
Bà Phạm Thị Hòa ở thôn Hương Phố (xã Đức Hương) cho biết: "Khi nghe tin đài báo mưa lớn kéo dài, gia đình tôi đã chủ động di chuyển, kê cao đồ đạc, tìm cách bảo quản tài sản trong nhà. Đồng thời, gia đình cũng đã sửa chữa lại thuyền bè để dùng khi nước lũ dâng cao. Những năm trước, nhờ chủ động ứng phó nên thiệt hại khi mỗi trận lũ đi qua không đáng kể, gia đình nhanh chóng ổn định cuộc sống”.
Cũng theo bà Hòa, mỗi khi thời tiết có mưa lớn kéo dài, toàn thôn Hương Phố - nơi sông Ngàn Sâu bao quanh lại bị cô lập, do đó, việc chủ động đưa những đồ đạc quan trọng lên chạn từ trước không bao giờ là thừa. Đó là cách bà con chúng tôi chủ động để sống chung với lũ.
Người dân thôn Hương Phố (xã Đức Hương) nuôi nhốt bò tại nhà để đảm bảo an toàn trong những ngày mưa lớn.
Lo nước lũ dâng trong đêm, gia đình bà Nguyễn Thị Thảo (thôn Hương Phố, xã Đức Hương) đã chuẩn bị đầy đủ các loại nhu yếu phẩm thiết yếu. Ngoài ra, gia đình bà cũng đã di chuyển đàn bò 5 con từ trại về nhà để đảm bảo an toàn.
Bà Thảo cho hay: "Mùa lũ năm nay, bên cạnh chuyển các tài sản có giá trị lên cao, việc bảo quản nguồn thức ăn cho đàn vật nuôi cũng được chúng tôi thực hiện cẩn thận. Do nằm ở vùng thấp trũng, lại sát bên dòng sông Ngàn Sâu nên chỉ cần trời mưa to liên tục ít giờ là nước lũ đã dâng lên. Nếu không chuẩn bị tốt các phương án thì hậu quả sẽ khó lường trước".
Ông Phạm Quốc Bảo - Chủ tịch UBND xã Đức Hương cho biết: “Hiện nay, các kế hoạch, phương án tổ chức sử dụng lực lượng và phương tiện, lương thực, thực phẩm... đều được xã xây dựng chi tiết đến từng thôn. Đặc biệt, địa phương có 3 thôn: Hương Đồng, Hương Đại và Hương Phố thường xuyên bị cô lập, với gần 400 hộ dân bị ảnh hưởng đã được xã lên phương án sơ tán cụ thể. Đồng thời, chủ động các nhu yếu phẩm thiết yếu để dùng trong trường hợp lũ lên trong đêm”.
Người dân xã Đức Bồng chủ động nguồn thức ăn cho đàn vật nuôi.
Tại xã Đức Bồng, trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, người dân địa phương đã chủ động bảo vệ tài sản gia đình bằng cách thu gom, di chuyển toàn bộ phương tiện, vật dụng lên vị trí cao ráo để tránh thiệt hại. Ngoài ra, việc chăm sóc đàn vật nuôi trong những ngày mưa cũng được bà con chú trọng.
Chị Nguyễn Thị Hoa (thôn 1, xã Đức Bồng) bày tỏ: “Dù đã chuẩn bị xong mọi thứ nhưng bà con chúng tôi vẫn mong trời thương, mưa lụt nhanh qua để bà con yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống”.
Ông Nguyễn Hữu Điền - Phó Chủ tịch UBND xã Đức Bồng thông tin: "Toàn xã hiện có 3 thôn: 1, 2 và thôn 3 thường xuyên bị ngập lụt, cô lập, với hơn 300 hộ bị ảnh hưởng. Vì vậy, ngay khi có dự báo mưa lớn kéo dài, các biện pháp ứng phó đều đã được xã triển khai chi tiết đến từng hộ gia đình. Đến thời điểm hiện tại, mọi công tác ứng phó với mưa lũ trên địa bàn đã cơ bản hoàn thành".
Chủ động ứng phó với mưa lũ giúp người dân Vũ Quang hạn chế tối đa thiệt hại.
Với kinh nghiệm chống lũ lâu năm, người dân xã Đức Bồng cũng như các xã vùng hạ du khác trên địa bàn Vũ Quang đã không còn bị động mỗi khi mùa mưa lũ đến. Nhờ đó, thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra trong những năm gần đây tại những địa phương này giảm đáng kể.
Ông Phan Xuân Nam - Trưởng phòng NN&PTNT kiêm Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Vũ Quang cho biết: "Hiện tại, mọi công tác chuẩn bị ứng phó với mưa lũ đã cơ bản được huyện hoàn tất. Riêng đối với vùng “rốn lũ” gồm 6 xã: Đức Liên, Đức Hương, Đức Bồng, Đức Giang, Đức Lĩnh, Ân Phú (trong đó, 2 xã ngập mạnh nhất là Đức Bồng và Đức Hương), địa phương đã triển khai lực lượng kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt để chủ động tổ chức di dời, sơ tán dân khi có tình huống xảy ra.
Ngoài ra, để đảm bảo an toàn tuyệt đối về người và tài sản khi mưa lớn kéo dài, địa phương đã cử người trực và hướng dẫn giao thông tại các khu vực xung yếu, nghiêm cấm đánh bắt cá ở những khu vực lũ nguy hiểm. Bên cạnh đó, công tác đảm bảo hậu cần, lực lượng, phương tiện phòng chống bão lụt cũng được huyện chuẩn bị kỹ lưỡng để huy động khi cần thiết".