Chủ động “4 tại chỗ”, người dân vùng “rốn lũ” Hà Tĩnh sẵn sàng ứng phó với mưa bão

(Baohatinh.vn) - Tích trữ lương thực, thực phẩm thiết yếu, đưa các vật dụng giá trị lên cao... là những kinh nghiệm ứng phó với thiên tai của người dân vùng “rốn lũ” Vũ Quang (Hà Tĩnh). Nhờ sự chủ động này mà trong nhiều năm nay, bà con nơi đây không còn lo lũ lên bất ngờ.

Chủ động “4 tại chỗ”, người dân vùng “rốn lũ” Hà Tĩnh sẵn sàng ứng phó với mưa bão

Ông Trần Ngọc Vinh (65 tuổi, thôn Hương Thọ, xã Đức Hương) chủ động đưa các loại nông sản lên chạn từ trước để hạn chế thiệt hại khi lũ lên bất ngờ.

Mỗi khi thời tiết có mưa kéo dài là những người dân sống tại thôn Hương Thọ, xã Đức Hương - nơi sông Ngàn Sâu bao quanh, chỉ phải đưa một số thực phẩm thiết yếu lên nơi cao ráo đã được chuẩn bị sẵn. Bởi, họ đã quá quen với cảnh bị cô lập mỗi khi nước sông lên mức báo động 1, chủ động đưa những đồ đạc quan trọng lên chạn từ trước.

Ông Trần Ngọc Vinh (65 tuổi, thôn Hương Thọ, xã Đức Hương) chia sẻ: “Xác định sống chung với lũ, mỗi mùa mưa bão về, ai cũng phải lo từ trước. Cứ đến giữa tháng 8 là gia đình tôi tập trung nhân lực kê tài sản và những vật dụng thiết yếu lên cao. Nhờ chuẩn bị chu đáo từ trước nên dù dự báo những ngày tới mưa lớn kéo dài do ảnh hưởng của bão Noru, gia đình vẫn có thể yên tâm”.

Chủ động “4 tại chỗ”, người dân vùng “rốn lũ” Hà Tĩnh sẵn sàng ứng phó với mưa bão

Những ngôi nhà chống lũ kiên cố được người dân thôn Hương Đồng (xã Đức Hương) xây dựng cẩn thận để ứng phó với mưa lũ.

Là địa phương thường xuyên bị ngập úng, cô lập do mưa lũ, từ cuối tháng 8/2022, xã Đức Hương đã tập trung vận động, hỗ trợ bà con chủ động thực hiện các biện pháp bảo vệ đàn vật nuôi và tài sản trước ngày lũ về.

Đặc biệt, khi nghe tin bão Noru sẽ gây mưa lớn, địa phương đã chỉ đạo các thôn đốc thúc bà con triển khai phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ) để ứng phó với thiên tai một cách hiệu quả nhất.

Chủ động “4 tại chỗ”, người dân vùng “rốn lũ” Hà Tĩnh sẵn sàng ứng phó với mưa bão

Thuyền bè là “vật bất ly thân” đối với người dân thôn Hương Đồng.

Ông Lê Văn Lợi - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đức Hương cho biết: “Hiện nay, các kế hoạch, phương án tổ chức sử dụng lực lượng và phương tiện, lương thực, thực phẩm... đều được xã xây dựng chi tiết đến từng thôn, tổ liên gia.

Đặc biệt, Đức Hương có 3 thôn (Hương Đồng, Hương Đại, Hương Thọ) thường xuyên bị cô lập, với hơn 400 hộ dân bị ảnh hưởng đã được xã lên phương án sơ tán cụ thể. Đồng thời, chủ động các nhu yếu phẩm thiết yếu để dùng trong trường hợp lũ lên trong đêm”.

Chủ động “4 tại chỗ”, người dân vùng “rốn lũ” Hà Tĩnh sẵn sàng ứng phó với mưa bão

Ông Lê Minh Thi (67 tuổi, thôn 2, xã Đức Bồng) đang di chuyển một số nhu yếu phẩm thiết yếu lên chạn để cất trữ, phòng khi bão Noru gây ngập lụt dài ngày.

Tại thôn 2 (xã Đức Bồng) - nơi được xem là “chưa mưa đã lụt”, người dân luôn chủ động, sẵn sàng sống chung với lũ. Bên cạnh việc tích trữ lương thực, trong nhà các hộ dân nơi đây đều có sẵn ghe thuyền, áo phao để có thể hỗ trợ lẫn nhau mỗi khi có lũ về.

Ông Lê Minh Thi (67 tuổi, thôn 2, xã Đức Bồng) cho biết: “Khi nghe tin đài báo mưa bão, người dân trong thôn đã chủ động di chuyển, kê cao đồ đạc, tìm cách bảo quản tài sản trong nhà và nguồn thức ăn cho vật nuôi như rơm rạ, ngô... Đồng thời, các gia đình cũng đã sửa chữa lại thuyền bè để dùng khi nước lũ dâng cao. Những năm trước, nhờ chủ động ứng phó nên thiệt hại khi mỗi trận lũ đi qua không đáng kể”.

Chủ động “4 tại chỗ”, người dân vùng “rốn lũ” Hà Tĩnh sẵn sàng ứng phó với mưa bão

Thuyền bè được người dân xã Đức Bồng chuẩn bị cẩn thận để sử dụng trong những mưa lớn kéo dài.

Xã Đức Bồng hiện có 3 thôn (thôn 1, 2 và 3) thường xuyên bị ngập lụt, cô lập, với hơn 300 hộ bị ảnh hưởng. Vì vậy, ngay từ đầu mùa mưa, các biện pháp ứng phó với mưa lũ đều đã được xã triển khai chi tiết đến từng hộ gia đình.

Với kinh nghiệm chống lũ lâu năm, người dân xã Đức Bồng cũng như các xã vùng hạ du khác trên địa bàn Vũ Quang đã không còn bị động mỗi khi mùa mưa lũ đến. Nhờ đó, thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra trong những năm gần đây tại những địa phương này giảm thiểu đáng kể.

Chủ động “4 tại chỗ”, người dân vùng “rốn lũ” Hà Tĩnh sẵn sàng ứng phó với mưa bão

Nhờ chủ động ứng phó với mưa lũ nên người dân vùng “rốn lũ” Vũ Quang không còn lo lũ lên bất ngờ.

Ông Phan Xuân Nam - Trưởng phòng NN&PTNT kiêm Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Vũ Quang cho biết: "Hiện tại, mọi công tác chuẩn bị ứng phó với bão Noru và mùa lũ lụt năm nay đã cơ bản được huyện hoàn tất. Riêng đối với vùng “rốn lũ” gồm 6 xã: Đức Liên, Đức Hương, Đức Bồng, Đức Giang, Đức Lĩnh, Ân Phú (trong đó 2 xã ngập mạnh nhất là Đức Bồng và Đức Hương), địa phương đã triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt để chủ động tổ chức di dời, sơ tán dân khi có tình huống xảy ra.

Ngoài ra, để đảm bảo an toàn tuyệt đối về người và tài sản khi mưa lớn kéo dài, địa phương đã cử người trực và hướng dẫn giao thông tại các khu vực xung yếu, nghiêm cấm đánh bắt cá ở những khu vực lũ nguy hiểm. Bên cạnh đó, công tác đảm bảo hậu cần, lực lượng, phương tiện phòng chống bão lụt cũng được huyện chuẩn bị kỹ lưỡng để huy động khi cần thiết".

Chủ đề Mưa lũ ở Hà Tĩnh

Đọc thêm

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Với đa dạng sản phẩm đặc sản của tỉnh được trưng bày, Lễ hội Cam và các sản phẩm Hà Tĩnh năm 2024 được đông đảo người dân đến tham quan, mua sắm, tạo không khí nhộn nhịp.
Bám biển mùa "gió chướng"

Bám biển mùa "gió chướng"

Dù thời tiết không thuận nhưng những ngư dân yêu lao động ở xã Thịnh Lộc (Lộc Hà, Hà Tĩnh) vẫn kiên trì bám biển, chăm chỉ mưu sinh.
Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao để phát triển ngành nghề mới, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025.
Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn đầu tư phát triển các mô hình nông – lâm – thủy sản với tổng dư nợ đạt gần 13.000 tỷ đồng.
Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan tỏa rộng rãi, tác động lên nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Cùng cả nước, nông thôn Hà Tĩnh đang vươn lên mạnh mẽ trên hành trình chuyển đổi số.
Làng hoa cúc có tiếng ở Hà Tĩnh vào vụ tết

Làng hoa cúc có tiếng ở Hà Tĩnh vào vụ tết

Thời điểm này, người trồng hoa cúc ở thôn Xuân Sơn, xã Lưu Vĩnh Sơn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) đang tất bật xuống giống, chăm sóc vụ hoa tết để kịp cung ứng thị trường cuối năm.