Nhân dân xã Thạch Bằng chuẩn bị ao hồ cho vụ nuôi mới
Đến thời điểm này, 13,8 ha nuôi tôm của hộ ông Nguyễn Văn Mại (thôn Tân Quý, xã Hộ Độ) đã cơ bản hoàn tất việc tháo nước, cải tạo đáy ao, xử lý diệt khuẩn... “Công tác chuẩn bị ao đầm cho vụ nuôi mới đã gần xong, chỉ chờ lấy nước vào ao. Tuy nhiên, để đảm bảo cho một vụ nuôi thắng lợi còn phụ thuộc rất lớn vào con giống và thời tiết...”, ông Mại, cho hay.
Có mặt tại HTX Nuôi trồng thủy sản Hà Voọc, xã Hộ Độ, trên 40 ha nuôi tôm ở đây cũng đang được các hộ nuôi tiến hành cải tạo để kịp xuống giống cho vụ nuôi mới năm 2018.
Gia đình chị Nguyễn Thị Hiệp (Hộ Độ) tiến hành ngăn bờ ao để chuẩn bị bơm nước thả giống
Theo chị Nguyễn Thị Hiệp, điều làm chị và các hộ nuôi tôm ở đây lo lắng trước khi xuống giống là tình trạng ô nhiễm vùng nuôi đang ngày càng xấu thêm. “Nếu những năm trước, con tôm, con tép tự nhiên tại vùng nuôi còn nhiều thì giờ đây đã gần như không còn. Vì vậy, để giảm thiểu thiệt hại, gia đình chúng tôi năm nay phải chuẩn bị ao lắng... ”, chị Hiệp, tâm sự.
Nếu vùng nuôi Hộ Độ, Thạch Mỹ âu lo chuyện con giống, ô nhiễm môi trường thì các cùng nuôi tôm khác như Thạch Bằng, Thạch Châu, Mai Phụ còn có thêm những khó khăn khác vượt ngoài khả năng của họ.
Đó là việc chuẩn bị có phần chậm trễ là do hạ tầng vùng nuôi như đê bao chính, cống, bờ... bị hư hại nặng nề sau cơn bão số 10 năm 2017, đến nay vẫn chưa được khắc phục.
Hệ thống hạ tầng vùng nuôi tôm Xuân Hòa (Thạch Bằng - Hà Tĩnh) đã bị hư hỏng nặng đến nay chưa được khắc phục nên các hộ nuôi lo sẽ chậm vụ mới
“Làm nghề phải theo thôi nhưng đổ ra một đống tiền để cải tạo, thả giống, chăm sóc trong khi hạ tầng gần như hư hỏng hoàn toàn thì người nuôi cầm chắc trắng tay... Đây là việc chung, đòi hỏi nguồn kinh phí lớn, nằm ngoài khả năng tài chính của những hộ nuôi, chính quyền các cấp cần đầu tư để sửa chữa, làm mới chứa!”, anh N.V.T, nói.
Theo anh T., chúng tôi được chứng kiến trên 40 m đê bao chính và gần 100m đê trong, cống dẫn... đã bị cuốn trôi sau cơn bão số 10 năm trước. Được biết, chính quyền các cấp, nhiều đoàn công tác... đã đến và chứng kiến thiệt hại này nhưng không hiểu sao đến nay vẫn chưa được khắc phục để người dân yên tâm đầu tư nuôi trồng, trong khi vụ nuôi mới đã cận kề!
Theo lãnh đạo Phòng NN&PTNT luyện Lộc Hà, kế hoạch năm 2018, diện tích nuôi tôm của huyện là 136 ha (tôm thẻ chân trắng 118ha, tôm sú 28 ha). Đến thời điểm này, các vùng nuôi đang gấp cải tạo ao đầm để chuẩn bị xuống giống.
Để góp phần giúp người dân đảm bảo một vụ nuôi thành công, UBND huyện Lộc Hà vừa ban hành Văn bản số 346/UBND-NN ngày 21/3/2018 về việc triển khai NTTS năm 2018, trong đó có giới thiệu một số cơ sở cung ứng giống tôm; đặc biệt chú trọng đến công tác kiểm soát chất lượng giống thủy sản nhập nuôi trên địa bàn...