Người phụ nữ hơn 20 năm làm giò bột ngon nức tiếng ở miền núi Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Không chỉ duy trì nghề truyền thống của gia đình, bà Đoàn Thị Trị (SN 1962, trú tại thôn 1, xã Sơn Long, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) còn “nâng cấp" giò bột Hoà Hiệp trở thành sản phẩm OCOP 3 sao, đã hiện diện ở nhiều tỉnh, thành lớn trên cả nước.

Người phụ nữ hơn 20 năm làm giò bột ngon nức tiếng ở miền núi Hà Tĩnh

Giò bột được gói bằng lá chuối nên khi luộc mang hương vị tự nhiên

Sinh ra trong gia đình có bà ngoại, mẹ làm nghề sản xuất giò bột nên 8 người chị em (4 gái, 4 trai) của bà Trị đều được truyền bí quyết từ lúc còn thơ bé. “Trong 9 chị em, chỉ mỗi tôi theo nghề của gia đình. Bởi vậy, với tôi, làm giò bột không đơn thuần vì mưu sinh mà muốn lưu giữ nghề truyền thống. Khi “bén duyên” với nghề này, tôi đã lấy tên 2 con trai của mình để đặt cho cơ sở sản xuất giò bột Hòa Hiệp nhằm nhắc nhở con cháu nhớ về nghề truyền thống của gia đình” - bà Trị trải lòng.

Người phụ nữ hơn 20 năm làm giò bột ngon nức tiếng ở miền núi Hà Tĩnh

Thịt mông tươi trước khi vào tẩm ướp được thái từng miếng bản rộng từ 8 - 10cm, dày 1cm

Từ năm 2000, bà Đoàn Thị Trị chính thức trở thành chủ cơ sở giò bột Hoà Hiệp. Để tạo ra sản phẩm chất lượng tốt, đảm bảo mùi vị đặc trưng, bà dành cả sự đam mê, tâm huyết của mình từ khâu chọn nguyên liệu, cách chế biến đến bảo quản, đảm bảo độ tươi ngon nhất của sản phẩm.

Theo bà, nguyên liệu đầu vào là yếu tố quan trọng nhất, thịt lợn (thịt mông) phải là loại vừa lấy trong lò mổ ra, còn nóng và có độ dính kết. Thịt phải được lọc bỏ gân, mỡ, chỉ lấy nạc; nước mắm để ướp phải là loại ngon, giàu đạm... Như vậy thì miếng giò mới có độ đàn hồi nhất định và hương vị đặc trưng. Loại bột (bột gạo) dùng để chế biến giò phải là loại gạo cho chứa bột nhiều, không bị sâu bệnh.

Người phụ nữ hơn 20 năm làm giò bột ngon nức tiếng ở miền núi Hà Tĩnh

Bà Đoàn Thị Trị chính tay tẩm ướp hương vị giò bột.

Quy trình làm ra một con giò bột đúng vị phải trải qua nhiều công đoạn, từ chọn thịt, sơ chế nguyên liệu, tẩm ướp gia vị đến xay thịt, gói, luộc… đều phải rất công phu và tỉ mẩn.

Thịt sau khi xay nhuyễn sẽ được trộn đều với bột gạo theo tỷ lệ 1kg thịt + 0,25 kg bột và tẩm ướp với các loại gia vị (tỏi, hạt tiêu, nước mắm nguyên chất, đường, bột nêm...). Đặc biệt, trong sản phẩm giò bột Hòa Hiệp không có mỳ chính hay chất phụ gia.

Người phụ nữ hơn 20 năm làm giò bột ngon nức tiếng ở miền núi Hà Tĩnh

Lá chuối bọc giò được rửa sạch trước khi gói giò

“Bí kíp” tạo nên thương hiệu giò Hòa Hiệp còn nhờ vào công đoạn luộc giò. Để giò chín đều, không bị mềm quá, đòi hỏi người làm phải căn đúng thời gian. Thời gian luộc giò mất từ 3 - 3,5 tiếng, nếu luộc lâu quá sẽ khiến giò bị căng, dẫn đến bung lá và làm mất hương vị khiến người ăn dễ bị ngán.

Giò sau khi luộc xong được để nguội và cho vào túi ni lông hút chân không để bảo quản. Giò bột của Hoà Hiệp không có chất tạo màu, tạo mùi và chất bảo quản nên thời gian sử dụng tối đa là 1 tuần.

Người phụ nữ hơn 20 năm làm giò bột ngon nức tiếng ở miền núi Hà Tĩnh

Không có chất bảo quản nên giò bột Hoà Hiệp chỉ có hạn sử dụng trong 1 tuần

Ông Nguyễn Văn Lưu trước ở thị trấn Phố Châu là khách hàng lâu năm của cơ sở sản xuất giò bột Hòa Hiệp. Sau khi chuyển ra Hà Nội sống cùng con cái, hễ có dịp về quê, ông lại ghé mua bằng được giò bột Hòa Hiệp. Ông chia sẻ: “Giò bột Hòa Hiệp ăn đậm vị, vừa rất thơm. Không riêng tôi mà cả gia đình đều thích. Vì thế, mỗi lần về quê, tôi đều ghé mua để ăn và làm quà. Có khi, tôi còn nhờ người mua để gửi ra Hà Nội”.

Theo đánh giá của nhiều khách hàng, Giò bột Hoà Hiệp có màu sắc tự nhiên, mang hương vị đặc trưng, hòa quyện giữa thịt tươi, bột gạo và phảng phất mùi các loại pate nên rất hấp dẫn người tiêu dùng, đặc biệt là được sử dụng nhiều trong dịp lễ, tết, đám cưới...

Sau hơn 20 năm làm nghề gia truyền bằng thủ công, đầu năm 2020, bà Đoàn Thị Trị đầu tư trên 300 triệu đồng mở rộng cơ sở sản xuất, mua máy hấp, máy xay, tủ bảo quản, máy hút chân không để nâng tầm sản phẩm thành tiêu chí OCOP 3 sao.

Người phụ nữ hơn 20 năm làm giò bột ngon nức tiếng ở miền núi Hà Tĩnh

Giò bột Hoà Hiệp đạt giải ba và chứng nhận OCOP 3 sao

Nhờ đầu tư bài bản, chất lượng nên sau khoảng thời gian ngắn, sản lượng giò bột Hoà Hiệp tăng từ 600 con giò bột (0,5kg/con) lên 1.200 con/tháng. Với giá bán 170.000 đồng/kg, mỗi tháng doanh thu của cơ sở Hoà Hiệp đạt trên 100 triệu đồng. Cơ sở còn tạo thêm việc làm cho 4 lao động với mức thu nhập 4,5 triệu đồng/người/tháng.

Tháng 10/2020, giò bột Hoà Hiệp đạt giải ba tại Cuộc thi “Phụ nữ Hương Sơn sáng tạo, khởi nghiệp” và được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao vào cuối năm. Đến nay, giò bột Hoà Hiệp đã có mặt tại 5 đại lý lớn ở TP Hà Nội, TP HCM, TP Vinh (Nghệ An), Đà Nẵng.

Người phụ nữ hơn 20 năm làm giò bột ngon nức tiếng ở miền núi Hà Tĩnh

Giò bột Hoà Hiệp có màu sắc tự nhiên, mang hương vị đặc trưng.

Chủ tịch UBND xã Sơn Long - Phạm Bình Luận cho hay, thương hiệu “Giò bột Hòa Hiệp” khá nổi tiếng không chỉ trên địa bàn xã mà khắp toàn huyện. Gia đình bà Đoàn Thị Trị đã vươn lên từ nghèo khó, thành hộ khá giả trong xã. Nhờ đầu tư bài bản máy móc thiết bị nên chất lượng, mẫu mã sản phẩm ngày càng được nâng lên. Vào những dịp lễ tết, số lượng bán ra của cơ sở rất lớn, góp phần vào tăng trưởng chung của địa phương và giải quyết việc làm cho nhiều lao động.

Chủ đề Món ngon Hà Tĩnh

Chủ đề Sản phẩm OCOP Hà Tĩnh

Đọc thêm

Đặc sản Vũ Quang "hút đơn" dịp Tết

Đặc sản Vũ Quang "hút đơn" dịp Tết

Những ngày giáp Tết, các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP ở huyện miền núi Vũ Quang (Hà Tĩnh) tất bật chuẩn bị nguồn hàng để phục vụ mùa kinh doanh sôi động nhất năm.
Nhộn nhịp bến cá Cồn Gò những ngày giáp Tết

Nhộn nhịp bến cá Cồn Gò những ngày giáp Tết

Thời tiết những ngày cuối năm không được thuận lợi nhưng bà con ngư dân Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) vẫn kiên trì vươn khơi, mang về nguồn thu “ấm tay” để chuẩn bị đón Tết.
Những vườn hoa rực rỡ chờ xuân

Những vườn hoa rực rỡ chờ xuân

Nhờ xuống giống đúng thời vụ, áp dụng kỹ thuật chăm sóc phù hợp, các "thủ phủ" trồng hoa tết trên địa bàn Hà Tĩnh cho chất lượng hoa đẹp, dự kiến đem về nguồn thu nhập khá.
Cam giòn Thượng Lộc kỳ vọng"xuất ngoại"

Cam giòn Thượng Lộc kỳ vọng"xuất ngoại"

Được người tiêu dùng ưa chuộng nhờ hương vị thơm ngọt đặc trưng, đặc sản cam giòn Thượng Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) đang được người dân mở rộng diện tích với kỳ vọng xuất khẩu.
Thời tiết bất lợi, giá đào, quất năm nay có tăng?

Thời tiết bất lợi, giá đào, quất năm nay có tăng?

Do ảnh hưởng của các đợt mưa lũ trong năm 2024, sản lượng đào, quất tại các tỉnh, thành phía Bắc phục vụ thị trường tết Nguyên đán Ất Tỵ giảm sút đáng kể. Điều này đã tác động để mặt bằng giá một số loại hoa, cây cảnh chơi tết ở Hà Tĩnh.