Người phụ nữ với khát vọng làm giàu từ cà gai leo

(Baohatinh.vn) - Với quyết tâm tìm hướng phát triển kinh tế bền vững cho gia đình, chị Lê Thị Thể (SN 1982, thôn Phượng Sơn, xã Kim Song Trường, Can Lộc, Hà Tĩnh) đã thành công sản xuất vùng dược liệu cây cà gai leo.

Người phụ nữ với khát vọng làm giàu từ cà gai leo

Chị Lê Thị Thể (thôn Phượng Sơn, xã Kim Song Trường).

Thời điểm này, những cánh đồng cây cà gai leo ở thôn Phượng Sơn, xã Kim Song Trường (Can Lộc) đã sum suê, những tán lá vươn xanh mướt. Cứ đều đặn mỗi ngày 2 lần, chị Lê Thị Thể (thôn Phượng Sơn) lại ra đồng làm sạch cỏ, kiểm tra quá trình sinh trưởng, phát triển của cây dược liệu.

Chị Thể nhớ lại: "Năm 2019, tôi cùng chồng rời quê hương Quỳnh Lưu (Nghệ An) vào Hà Tĩnh lập nghiệp. Trải qua nhiều công việc khác nhau, năm 2020, gia đình tôi quyết định thuê 3 ha đất nông nghiệp phát triển kinh tế trang trại tổng hợp với các loại cây như cam, ổi; chăn nuôi gà, vịt... Năm 2022, nhận thấy cây trồng cũ kém hiệu quả và quỹ đất chưa sử dụng còn lớn, tôi mạnh dạn chuyển sang trồng chuyên canh cây thảo dược cà gai leo.

Đây là thảo dược quý, có tác dụng tốt trong việc điều trị các bệnh về gan và nhu cầu sử dụng các sản phẩm liên quan đến giống cây này rất lớn”.

Người phụ nữ với khát vọng làm giàu từ cà gai leo

Chị Thể có mặt trên những luống cây từ khi mới chớm mầm đến lúc cây phát triển xanh tốt.

Trên diện tích hơn 2 sào, chị Thể đầu tư hơn 200 triệu đồng để cải tạo mặt bằng, làm luống, lắp đặt hệ thống tưới… để phát triển vùng dược liệu cà gai leo theo hướng hữu cơ.

"Mùa đầu tiên, thời tiết nắng nóng, nhiều luống cây phải trồng lại nhiều lần vì thiếu nước. Cà gai leo là loại thân cành, gai nhiều, sắc nhọn nên gây khó khăn cho các thao tác kỹ thuật (làm cỏ, bón phân, thu hoạch, sơ chế), làm giảm năng suất lao động, ảnh hưởng tới quá trình canh tác theo hướng hữu cơ. Lúc đó, dù khá lo lắm nhưng tôi quyết tâm phải làm tới cùng. Tôi tích cực tìm hiểu, đi đến nhiều nơi để nắm bắt quy trình trồng và chăm sóc loại cây này" - chị Thể bộc bạch.

Vừa làm, vừa học hỏi, đúc rút kinh nghiệm, chỉ trong 5 tháng, những cành cà gai leo đã vươn dài, tua tủa phủ kín mặt đất, hoa và quả bắt đầu xuất hiện. Gần như ngày nào chị cũng có mặt trên những luống cây từ khi mới chớm mầm đến lúc cây phát triển sum suê. Từ 2 sào cây cà gai leo, đến nay, quy mô trồng cà gia leo của gia đình chị Thể đã lên tới hơn 1,5 ha.

Người phụ nữ với khát vọng làm giàu từ cà gai leo

Khu vực trồng 1,5 ha diện tích cây cà gai leo của gia đình chị Thể.

Hiện nay, mỗi năm, vùng sản xuất cà gai leo của gia đình chị Thể cho thu hoạch 3 vụ với sản lượng khoảng 6 - 7 tấn/ha/vụ, mang lại thu nhập khoảng 300 triệu đồng/ha/vụ. Mô hình đã tạo việc làm cho 10 nhân công địa phương, trong đó có 4 nhân công thường xuyên.

Về cách trồng cây cà gai leo, chị Thể cho hay: Đất trồng phải đánh luống cao, bón lót phân chuồng, trồng trên đất cằn cỗi cây cũng có thể phát triển được, miễn có nước tưới. Sau khi làm luống thì phủ bạt ni lông, lắp đặt hệ thống bét tưới tiết kiệm. Tiếp đó, đục lỗ bạt rồi trồng cây cà gai leo vào. Sau khi trồng 25 - 30 ngày bón phân thúc một lần, sau 3 - 4 tháng cây sẽ cho thu hoạch.

Quá trình chăm sóc cây cà gai leo không sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật mà phòng trừ sâu bệnh bằng các thuốc có nguồn gốc sinh học (thảo mộc, vi sinh), làm cỏ thủ công kết hợp dùng màng nylon phủ luống để giữ ẩm đất, giảm tưới nước, chống xói mòn rửa trôi dinh dưỡng và hạn chế cỏ dại.

Người phụ nữ với khát vọng làm giàu từ cà gai leo

Hệ thống bét tưới tiết kiệm đảm bảo nguồn nước cho cây cà gai leo vào mùa nắng nóng.

Được biết, cây cà gai leo ưa sáng, sinh trưởng khỏe, chịu hạn tốt, không chịu được ngập úng, thích hợp với trồng ở đất pha giàu dinh dưỡng. Hoa cây cà gai leo có màu phớt tím, thường ra hoa vào tháng 4 - 9, tạo quả vào tháng 9 - 12.

Quả cà gai leo màu đỏ, dạng mọng bóng, vị hơi the, tính ấm. Cây được nhân giống bằng hạt, trồng 1 lần có thể cho thu hoạch 3 - 4 năm. Tính ra, so với trồng lúa, ngô, lạc thì cây cà gai leo cho lãi gần gấp 3 - 4 lần.

Người phụ nữ với khát vọng làm giàu từ cà gai leo

Chị Thể đầu tư hệ thống máy móc đóng gói dạng túi lọc.

Tại trang trại của chị Thể, sau khi thu hoạch, cây cà gai leo được các nhân công rửa sạch, phơi khô, cắt nhỏ thành đoạn 3 - 5 cm và xuất bán cho các đơn vị tại Hà Nội, Thanh Hóa và Nghệ An để phục vụ cho chế biến, sản xuất dược liệu. Ngoài ra, chị còn đầu tư hệ thống máy móc sấy khô, nghiền và đóng gói sản phẩm thành dạng túi lọc để tiện sử dụng.

Chia sẻ về định hướng phát triển mô hình trong tương lai, chị Thể cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng hồ sơ, vay thêm vốn để đầu tư hệ thống máy chưng cất thành cao cà gai leo để thuận tiện, đa dạng hơn trong cách sử dụng loại thảo dược này, hướng tới xây dựng thành sản phẩm OCOP chủ lực của địa phương.

Ngoài tập trung chăm sóc, chúng tôi tiếp tục mở rộng quy mô diện tích, trồng thêm thảo dược mới; vận động thêm các gia đình có diện tích vùng đồi kém phát triển để đầu tư phát triển diện tích, tăng thu nhập cho người dân địa phương".

Chị Lê Thị Thể một trong những nhân tố tiêu biểu, góp phần hình thành vùng trồng cây dược liệu. Qua đó, giúp bà con nông dân thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập và cải thiện cuộc sống. Thời gian tới, chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, đồng hành cùng bà con nông dân phát triển bền vững cây dược liệu trên địa bàn.

Bà Nguyễn Minh Huệ

Chủ tịch Hội Nông dân xã Kim Song Trường

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Với đa dạng sản phẩm đặc sản của tỉnh được trưng bày, Lễ hội Cam và các sản phẩm Hà Tĩnh năm 2024 được đông đảo người dân đến tham quan, mua sắm, tạo không khí nhộn nhịp.
Bám biển mùa "gió chướng"

Bám biển mùa "gió chướng"

Dù thời tiết không thuận nhưng những ngư dân yêu lao động ở xã Thịnh Lộc (Lộc Hà, Hà Tĩnh) vẫn kiên trì bám biển, chăm chỉ mưu sinh.
Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao để phát triển ngành nghề mới, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025.
Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn đầu tư phát triển các mô hình nông – lâm – thủy sản với tổng dư nợ đạt gần 13.000 tỷ đồng.
Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Nông thôn Hà Tĩnh với hành trình chuyển đổi số

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang lan tỏa rộng rãi, tác động lên nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Cùng cả nước, nông thôn Hà Tĩnh đang vươn lên mạnh mẽ trên hành trình chuyển đổi số.
Làng hoa cúc có tiếng ở Hà Tĩnh vào vụ tết

Làng hoa cúc có tiếng ở Hà Tĩnh vào vụ tết

Thời điểm này, người trồng hoa cúc ở thôn Xuân Sơn, xã Lưu Vĩnh Sơn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) đang tất bật xuống giống, chăm sóc vụ hoa tết để kịp cung ứng thị trường cuối năm.