Nhà nhún nguy hiểm vì quá bẩn
Mới đây, một trường hợp bé trai 10 tuổi của chị Brenda Sanderson ở Boston (Mỹ) bị một loại vi khuẩn tụ cầu sau hai ngày đi chơi nhà nhún về. Lúc đầu, trên hai tay bé nổi những vết phồng đỏ lốm đốm khắp cơ thể. Mẹ của cậu bé nghĩ rằng đây là hậu quả khi con chơi ngoài trời nắng hoặc con bị bỏng do chà xát với chất liệu nhựa của nhà hơi.
Bé chơi nhà nhún, nhà bóng với nhiều bệnh lạ nguy hiểm. Ảnh: PT |
Tuy nhiên, sau khi bôi thuốc mỡ trị phỏng, các vết phồng rộp vẫn không thuyên giảm mà còn loét ra và bắt đầu mưng mủ. Đưa con đến bác sĩ, chị không tin vào tai mình khi phát hiện con mình đã bị nhiễm khuẩn tụ cầu nghiêm trọng do nhà hơi đã không được vệ sinh sạch sẽ. Mồ hôi của cả trăm đứa trẻ vẫn còn bám trên đó.
Tại Việt Nam, các khu vui chơi như nhà nhún, nhà bóng vào mùa hè đều hoạt động hết công suất, thậm chí bày ở ngoài trời cho trẻ chơi đùa và cả mùa hè những chiếc nhà nhún chẳng bao giờ được lau rửa.
Chị Nguyễn Mai Thuần trú tại Hoàng Mai, Hà Nội cho biết, hầu như tối nào chị cũng cho con ra công viên và cho bé đi chơi nhà nhún vì nghĩ đó là cách vận động tốt nhất cho trẻ. Nhìn nhà nhún đen kít ở những kẽ, chẳng bao giờ được giặt đi, chị Thuần cũng ái ngại. Nhưng nghĩ con nhà người ta chơi được thì bé nhà mình cũng không sao. Chị cố gắng dặn con không được liếm tay hay hôn vào nhà nhún.
PGS Nguyễn Tiến Dũng - Nguyên trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết nhiễm tụ cầu là căn bệnh nguy hiểm của trẻ hay gặp vào mùa hè.
PGS Dũng cho biết đa số trẻ em hay bị là bởi vì vi khuẩn tụ cầu thường ở trên da, trẻ em da mỏng nên dễ xây xước và khi đó vi khuẩn sẽ di chuyển vào máu của trẻ gây nhiễm trùng máu, sốc nhiễm trùng và có thể tử vong cho trẻ nếu không phát hiện kịp thời.
PGS Dũng cho biết vi khuẩn tụ cầu có 3 loại là tụ cầu vàng, tụ cầu da và tụ cầu hoại sinh.
Trong 3 loại đó thì tụ cầu vàng (Saureus) là loại gây nhiều bệnh nhiễm khuẩn, đặc biệt gây nhiều bệnh cấp tính, nặng và có thể tử vong nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời. Tụ cầu vàng kháng lại nhiều loại kháng sinh, thậm chí kháng sinh thế hệ thứ 2 đôi khi cũng không điều trị được.
Biểu hiện của tụ cầu vàng gây ra các tổn thương ngoài da như chốc lở, viêm nang lông, các loại mụn nhọt, lở loét da, thậm chí tạo nên các ổ áp-xe nằm ngay dưới da gây đau đớn, sốt, sưng nề sung huyết làm đỏ cả một vùng da.
Nguy hiểm với tụ cầu vàng kháng thuốc
PGS Dũng cho biết với tụ cầu vàng kháng thuốc thì rất nguy hiểm vì trẻ có thể tử vong rất nhanh nếu điều trị không đúng. Tại khoa Nhi của Bệnh viện Bạch Mai đã điều trị cho một trường hợp 12 tuổi ở Phúc Thọ, Hà Nội bị sốt xuất huyết, khi nổi ban trẻ gãi nhiều quá để lại sẹo.
Một tuần sau trẻ sốt nặng và có hiện tượng co giật. Gia đình đưa lên Bệnh viện huyện rồi chuyển thẳng lên Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng sốc nhiễm trùng, nhiễm trùng máu nặng. Các bác sĩ đã thử các loại kháng sinh không ăn thua nên tiên lượng rất khó khăn.
"Lúc đó, nhìn vào các vết thương nhỏ xíu do trẻ gãi ngứa trên da các bác sĩ đã lấy máu cấy và phát hiện có vi khuẩn tụ cầu vàng kháng thuốc. Để cứu sống được bệnh nhân, các bác sĩ đã phải sử dụng các loại thuốc kháng sinh thế hệ thứ 3 để cứu bệnh nhi. Chi phí điều trị cho những ca nhiễm trùng máu do tụ cầu vàng kháng thuốc vô cùng đắt đỏ vì các loại thuốc kháng sinh thế hệ mới rất đắt" – PGS Dũng cho biết.
PGS Dũng cảnh báo, không nên cho trẻ chơi nhiều ở các khu vui chơi, nhà bóng, nhà nhún không vệ sinh sạch sẽ bởi trẻ nhiều mồ hôi, khi đổ mồ hôi trẻ hay gãi và chỉ những vết thương siêu nhỏ cũng có thể là cơ hội cho tụ cầu tấn công. Bình thường, khuẩn tụ cầu thường sống trên da người và vô hại. Chỉ khi gặp vết thương hở nó mới xâm nhập vào máu gây ra nhiễm trùng máu.
Ngoài ra, tụ cầu vàng còn thường bị nhầm với mụn nhọt, mụn đầu đinh vì bản chất của tụ cầu vàng nó gây viêm da, nhìn như mụn đinh nên nhiều gia đình nghĩ con bị nóng mọc mụn. Lúc đó họ lại cho con đi tắm thuốc, tắm nước lá, nặn mụn gây ra tình trạng nhiễm trùng nặng hơn.