Nhiều bệnh nhân COVID-19 chưa tiêm phòng chuyển nặng sẽ gây áp lực lớn cho ngành y tế Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Hà Tĩnh vẫn còn khoảng 2.000 - 3.000 người trong lứa tuổi cần tiêm chưa được tiêm phòng COVID-19. Nếu số lượng người này bị nhiễm cùng một thời điểm và diễn biến nặng thì ngành y tế Hà Tĩnh sẽ quá tải.

Từ sau tết Nguyên đán đến nay, số bệnh nhân COVID-19 trên địa bàn Hà Tĩnh gia tăng nhanh. Tuy nhiên, nhờ thực hiện tốt việc tiêm vắc-xin nên hầu hết bệnh nhân đều không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ, được cách ly, điều trị tại nhà.

Nhiều bệnh nhân COVID-19 chưa tiêm phòng chuyển nặng sẽ gây áp lực lớn cho ngành y tế Hà Tĩnh

Bác sỹ Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh thăm khám cho bệnh nhân.

Trong tổng số 2.490 ca F0 đang điều trị, có 2.165 trường hợp được cách ly, điều trị tại nhà, chỉ có 325 ca điều trị tại các cơ sở y tế. Bên cạnh các bệnh nhân xuất hiện triệu chứng nhẹ và vừa, có một số bệnh nhân diễn biến nặng được chuyển về điều trị tại Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh và Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh.

Bác sỹ Lê Chánh Thành - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Qua khảo sát cho thấy, quá nửa số bệnh nhân chuyển nặng, đang theo dõi, phải thở ô xy là những người chưa tiêm vắc-xin hoặc tiêm chưa đủ liều; số còn lại là người cao tuổi, người có bệnh nền”.

Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh hiện đang điều trị cho 77 bệnh nhân, trong đó có 6 bệnh nhân chuyển biến nặng phải theo dõi và thở oxy. Qua tìm hiểu, trong 6 bệnh nhân này có 4 trường hợp chưa tiêm vắc-xin và 2 bệnh nhân chưa tiêm đủ liều vắc-xin phòng COVID-19.

Nhiều bệnh nhân COVID-19 chưa tiêm phòng chuyển nặng sẽ gây áp lực lớn cho ngành y tế Hà Tĩnh

Cán bộ y tế huyện Thạch Hà triển khai tiêm vắc-xin phòng COVID-19 tại nhà cho những người cao tuổi.

Chị P.T.H (huyện Cẩm Xuyên) chia sẻ: “Cả hai vợ chồng tôi đều mắc COVID -19 phải vào điều trị tại Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh. Bản thân tôi đã tiêm đủ 3 liều vắc-xin nên chỉ bị nhẹ nhưng chồng do chưa tiêm vắc-xin, lại bị bệnh xơ gan nên chuyển nặng phải nằm tại Phòng Hồi sức cấp cứu để theo dõi đặc biệt”.

Bác sỹ Nguyễn Đức Quảng - Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh cho biết: “Các bệnh nhân chuyển nặng đa phần đều chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ liều vắc-xin do có thai hoặc mắc bệnh nền. Đối với các bệnh nhân này, bác sỹ phải theo dõi chặt chẽ nồng độ oxy trong máu và diễn biến hằng ngày”.

Tại BVĐK tỉnh hiện có 62 bệnh nhân mắc COVID-19 đang điều trị, trong đó 2 bệnh nhân thở máy, 2 bệnh nhân thở oxy dòng cao (HFNC), 8 bệnh nhân thở oxy mast, kính mũi; trong số này, có 5 bệnh nhân rất nặng chưa tiêm vắc-xin.

Bác sỹ Nguyễn Xuân Bảo - Trưởng khoa Truyền nhiễm (BVĐK tỉnh) cho biết: “Việc tiêm vắc-xin sẽ góp phần giảm bớt tỷ lệ mắc bệnh và chuyển nặng khi nhiễm SARS-CoV-2. Đối với những người chưa tiêm, bệnh thường diễn biến nặng, thậm chí là nguy kịch khiến cho việc điều trị gặp nhiều khó khăn”.

Nhiều bệnh nhân COVID-19 chưa tiêm phòng chuyển nặng sẽ gây áp lực lớn cho ngành y tế Hà Tĩnh

Nhiều trường hợp chuyển nặng đang điều trị tại BVĐK tỉnh do chưa tiêm vắc-xin phòng COVID-19.

Được biết, hiện nay, vẫn có một số bộ phận người dân chưa tiêm hoặc chưa tiêm đủ liều vắc-xin phòng COVID-19 vì một số lí do như: có thai, bị bệnh nền, bị dị ứng... Tuy nhiên, theo quy định của Bộ Y tế, chỉ có các trường hợp bị sốc phản vệ với lần tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 trước đó mới chống chỉ định; trường hợp có thai dưới 13 tuần và có bệnh cấp tính thì tạm hoãn; còn lại tất cả các trường hợp khác đều tiêm được vắc-xin. Việc tiêm vắc-xin phòng COVID-19 sẽ giúp người dân chủ động phòng, chống dịch, hạn chế bệnh chuyển nặng.

Theo khuyến cáo của ngành Y tế Hà Tĩnh, người dân cần chủ động tiêm vắc-xin và tuân thủ các hướng dẫn phòng, chống dịch. Nếu có nhiều trường hợp chưa tiêm vắc-xin phòng COVID-19 nhiễm bệnh và chuyển nặng sẽ gây áp lực cho các cơ sở điều trị trong bối cảnh ca bệnh đang gia tăng.

Đến nay, tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng COVID-19 của tỉnh ta rất cao, đạt 98- 99%. Tỷ lệ tiêm chưa tiêm dù chỉ 1-2% nhưng cũng tương đương với khoảng 2.000- 3.000 người trong lứa tuổi cần tiêm chưa được tiêm. Nếu số lượng người này bị nhiễm COVID-19 cùng một thời điểm và diễn biến nặng thì ngành y tế Hà Tĩnh sẽ quá tải, không thể đáp ứng được.

Vì vậy, việc chủ động tiêm vắc-xin phòng COVID-19 sẽ là giải pháp an toàn và hiệu quả để thích ứng với dịch bệnh. Bên cạnh đó, mỗi người cũng cần có ý thức tuân thủ các quy định phòng, chống dịch, nhất là 5K để vừa đảm bảo an toàn cho bản thân và đảm bảo an toàn cho người bị bệnh nền, những trẻ em chưa được tiêm phòng.

Bác sỹ Lê Chánh Thành - Phó Giám đốc Sở Y tế

Chủ đề Phòng chống dịch Covid-19

Đọc thêm

“Cánh tay nối dài” của chính sách dân số

“Cánh tay nối dài” của chính sách dân số

Thời gian qua, với nhiều hoạt động tích cực trong tuyên truyền KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản, Hội KHHGĐ Hà Tĩnh được coi là cánh tay nối dài của các cơ quan triển khai thực hiện chính sách dân số.
Hưởng ứng Cuộc thi sáng tác logo ngành dân số

Hưởng ứng Cuộc thi sáng tác logo ngành dân số

Công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình đã tồn tại 3 logo. Do chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển cần sáng tác logo mới thay thế logo về dân số và kế hoạch hóa gia đình.
 Vì sao nhiều trẻ ở Hương Khê mắc bệnh sởi?

Vì sao nhiều trẻ ở Hương Khê mắc bệnh sởi?

Trước hiện tượng 25 trẻ trong một xã ở Hà Tĩnh mắc sốt phát ban nghi sởi; trong đó, 10 bệnh nhân dương tính với vi rút sởi; các cơ quan chức năng đã vào cuộc không để bệnh lây lan.
Vì sao phụ nữ nên sinh con trước 30 tuổi?

Vì sao phụ nữ nên sinh con trước 30 tuổi?

Hiện nay, nhiều cặp vợ chồng ở Hà Tĩnh lựa chọn sinh con ở độ tuổi sau 35. Điều này có thể kéo theo nhiều hệ lụy về sức khỏe cho cả mẹ và con cũng như giảm chất lượng dân số.