Nhiều đoạn đê Tả Nghèn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa bão

(Baohatinh.vn) - Nhiều đoạn đê Tả Nghèn thuộc địa bàn huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) đang tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa bão sắp tới.

Hơn 12 km đê đất chưa được kiên cố...

Đê Tả Nghèn đoạn qua xã Ích Hậu dài 8,2 km (từ K15 đến K23+200) hiện đang bị xuống cấp. Toàn tuyến đê trọng yếu đi qua địa phương này đều là đê đất, được làm nhiều năm, không được duy tu, sửa chữa thường xuyên. Thân đê nhiều đoạn bị bào mòn, xói lở nên thấp, mặt đê gồ ghề; hệ thống cống tiêu thoát lũ cái thì bị tê liệt, cái thì khó vận hành...

Nhiều đoạn đê Tả Nghèn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa bão

Bờ đê Tả Nghèn, đoạn qua thôn Phù Ích, xã Ích Hậu bị sạt lở nặng.

Ông Nguyễn Xuân Quân - Chủ tịch UBND xã Ích Hậu (Lộc Hà) phản ánh: “Đây là công trình có ý nghĩa rất lớn trong phòng chống thiên tai, bảo vệ tính mạng, tài sản của hàng trăm hộ dân, hàng trăm héc-ta đất sản xuất và kết nối giao thông một số vùng của xã Tùng Lộc (Can Lộc) với Ích Hậu, Phù Lưu.

Thế nhưng, từ nhiều năm nay, đê Tả Nghèn đã bị xuống cấp nghiêm trọng, cứ mỗi mùa mưa lũ đến là cả chính quyền và Nhân dân đều lo lắng, bất an. Vì vậy, chúng tôi rất mong công trình cấp bách này sớm được kiên cố hóa”.

Nhiều đoạn đê Tả Nghèn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa bão

Thân đê đoạn giáp ranh giữa xã Ích Hậu với xã Phù Lưu đã bị xói mòn nghiêm trọng.

Đoạn đê dài 2,1 km của tuyến đê Tả Nghèn đi qua thị trấn Lộc Hà (K35+419 đến K37+205, nối từ xã Thạch Châu đến xã Thạch Kim) đến nay cũng chưa được xây dựng, việc ngăn chặn mưa lũ, triều cường đang chủ yếu dựa vào hệ thống đê nhỏ của các hồ nuôi trồng thủy sản.

Vào mùa mưa bão hàng năm, 23 ha đất muối, gần 30 ha nuôi tôm thường xuyên bị ảnh hưởng; đặc biệt, hàng trăm hộ dân đối diện nguy cơ mất an toàn cao.

Nhiều đoạn đê Tả Nghèn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa bão

Gấp rút khắc phục đoạn đê sạt lở ở thôn Yên Điềm, xã Thịnh Lộc để tránh hư hại nặng hơn khi mưa bão đến.

Ông Nguyễn Xuân Trường - Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng huyện Lộc Hà thông tin: “Hiện nay, các đoạn đê qua xã Ích Hậu và thị trấn Lộc Hà (tổng chiều dài 10,3 km) đã được UBND tỉnh phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư với tổng kinh phí hơn 182 tỷ đồng, do UBND huyện Lộc Hà làm chủ đầu tư.

Hiện, chúng tôi đang hoàn thành hồ sơ, thủ tục nên chưa thể thi công trước mùa mưa bão năm nay; dự kiến phải đến tháng 11 tới mới tổ chức đấu thầu được, sau đó mới triển khai xây lắp và phấn đấu xong trước năm 2023”.

Nhiều đoạn đê Tả Nghèn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa bão

Công ty cổ phần Xây dựng Mạnh Linh thi công đoạn đê qua thôn Vĩnh Phú, xã Hộ Độ.

Ngoài 2 đoạn đê đất chưa làm nêu trên thì ở xã Hộ Độ cũng đang có khoảng 2 km thuộc tuyến đê Tả Nghèn nối từ thôn Vĩnh Phú, xã Hộ Độ (từ cầu Hộ Độ đến giáp ranh với xã Mai Phụ) cũng đang thi công dang dở. Hiện nay, Ban Quản lý dự án đầu tư các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Tĩnh (chủ đầu tư) và các nhà thầu đang gấp rút thi công. Tuy nhiên, công trình hiện mới đạt khoảng 70% khối lượng, một số đoạn chưa triển khai nên để hoàn thành trước mùa mưa bão là rất khó...

Nhiều nơi đã kiên cố thì bị xuống cấp...

Trong số 60 km đê Tả Nghèn đi qua địa bàn Lộc Hà hiện có khoảng 48 km đã được cứng hóa với nguồn kinh phí lên đến gần 1.000 tỷ đồng. Những đoạn đã hoàn thành, đưa vào sử dụng lâu nhất cách đây khoảng 7 năm. Ngoài tác dụng ngăn lũ, bảo vệ tính mạng và tài sản cho người dân thì những đoạn đê được bê tông hóa đã phát huy vai trò, tác dụng của những tuyến đường giao thông nội vùng.

Tuy nhiên, do không được duy tu thường xuyên, lại bị thiên tai tàn phá nên nhiều đoạn trên tuyến đê xung yếu này đã bị xuống cấp, hư hỏng...

Nhiều đoạn đê Tả Nghèn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa bão

Chỉ cần một trận mưa là đường đê Tả Nghèn xuất hiện những vũng nước lớn như thế này.

Ông N.C.H. ở thôn Liên Giang (xã Thạch Mỹ) cho hay: “Hằng ngày, có nhiều xe tải chở cát qua lại trên thân đê, trong đó có nhiều xe trọng tải lớn; cá biệt, nhiều thời điểm có cả xe "Hổ vồ" (Howo) đắp đầy gần 30 m3 cát khiến mặt đê, đường bị cày nát.

Chúng tôi đã nhiều lần có ý kiến, kiến nghị trong các cuộc tiếp xúc cử tri của xã, huyện, tỉnh với mong muốn bảo vệ tài sản chung nhưng năm này qua năm khác vẫn chưa được chấn chỉnh, xử lý dứt điểm".

Nhiều đoạn đê Tả Nghèn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa bão

Nhiều đoạn bong tróc, hư hỏng nặng gây bất an trước mùa mưa bão mới. (trong ảnh: Đê Tả Nghèn đoạn qua xã Thạch Mỹ).

Thực tế cũng cho thấy, trên những đoạn đê sông đã được kiên cố có rất nhiều đoạn hư hỏng, xuống cấp nặng nhưng chưa được duy tu, sửa chữa kịp thời. Trong đó có khoảng 5 km bị hư hỏng nặng nhất đi qua xã Thạch Mỹ, Phù Lưu và Hộ Độ, nhiều nơi bê tông bị đứt gãy, các mái taluy bị sụt lún... Điều này không chỉ gây bất an trước mùa mưa bão mà còn ảnh hưởng đến giao thông, an toàn khi người dân qua lại trên đường đê.

Những đoạn đê bê tông đang bị xuống cấp, hư hỏng đều đang chờ được duy tu, sửa chữa để đảm bảo an toàn, tránh bị hư hỏng nặng thêm. Tuy nhiên, vì kinh phí lớn, lại chưa bố trí được nguồn vốn nên chưa thể thực hiện.

Nhiều đoạn đê Tả Nghèn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa bão

Đoạn được kiên cố hóa thì đã bị xuống cấp, nứt gãy, sụt mái, trong khi đoạn kế tiếp chưa được làm. (trong ảnh: Đê Tả Nghèn đoạn qua xã Hộ Độ).

Trưởng phòng NN&PTNT huyện Lộc Hà Võ Tá Bình cho hay: "Việc nâng cấp, tu sửa đê Tả Nghèn là hết sức cần thiết, không những hạn chế xuống cấp, giảm hư hỏng phát sinh mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc phòng chống thiên tai, nâng cấp kết cấu hạ tầng, xây dựng hệ thống giao thông nội vùng và bảo vệ cảnh quan môi trường sinh thái sạch, đẹp.

Tuy nhiên, do ngân sách có hạn, Lộc Hà cố gắng huy động các nguồn hợp pháp khác để bố trí sửa chữa, khắc phục tuyến đê này".

Chủ đề PHÒNG CHỐNG LỤT BÃO

Đọc thêm

Bán "hàng Nhật bãi", liệu có cần quản lý?

Bán "hàng Nhật bãi", liệu có cần quản lý?

Được giới thiệu có nguồn gốc từ Nhật Bản, các sản phẩm hàng hóa đã cũ kỹ vẫn được nhiều người dân Hà Tĩnh mua và sử dụng. Vậy, việc kinh doanh loại hàng này liệu có hợp pháp?
Nguy hiểm khi qua cầu không có lan can

Nguy hiểm khi qua cầu không có lan can

Cầu số 2 và cầu số 3 bắc qua sông Sóc thuộc xã Nam Phúc Thăng (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) hiện đã hư hỏng và không có lan can, khiến nhiều người di chuyển qua đây bị rơi xuống sông.
Cần phát quang cây bụi bên bờ kênh Vách Nam

Cần phát quang cây bụi bên bờ kênh Vách Nam

Kênh Vách Nam có nhiệm vụ tiêu thoát lũ cho một số vùng của thị trấn Thạch Hà và các xã: Thạch Ngọc, Việt Tiến (Thạch Hà, Hà Tĩnh), tuy vậy, việc phát quang, dọn dẹp cây bụi hai bên kênh lại chưa được chú trọng.
Cần sớm sửa chữa cầu Cơn Gáo ở Kỳ Hoa

Cần sớm sửa chữa cầu Cơn Gáo ở Kỳ Hoa

Cầu Cơn Gáo thuộc xã Kỳ Hoa (TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh) có vai trò rất quan trọng trong việc triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn hồ chứa nước thượng nguồn Sông Trí vào mỗi mùa mưa lũ.
Thiếu nước sạch bên... nhà máy nước!

Thiếu nước sạch bên... nhà máy nước!

Dù trên địa bàn có nhà máy nước sạch song nhiều năm qua, rất nhiều hộ dân ở xã Tiến Lộc cũ, nay là thị trấn Nghèn (Can Lộc, Hà Tĩnh) lại rơi vào tình trạng thiếu nước sạch!
"Vô tư" đi ngược chiều trên quốc lộ 1!

"Vô tư" đi ngược chiều trên quốc lộ 1!

Khi điểm mở dải phân cách trên quốc lộ 1 thuộc địa phận huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) lắp thêm rào chắn, nhiều người chọn đi ngược chiều nên tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.