Nhiều tài liệu quý về quân đội lần đầu được công bố

Trong hơn 150 tài liệu được giới thiệu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia 3 có nhiều văn bản gốc liên quan đến đại tướng Võ Nguyên Giáp và Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

Sáng 4/12, Trung tâm Lưu trữ quốc gia 3 tổ chức buổi giới thiệu hơn 150 tài liệu quý về quân đội nhân dịp kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.

Tiêu biểu trong số này là bản gốc Sắc lệnh số 230 ngày 30/11/1946 của Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ủy quyền Tổng chỉ huy Quân đội toàn quốc cho ông Võ Nguyên Giáp, sung chức Bộ trưởng Quốc phòng.

Thư của đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô với lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch sau 5 tháng ngày Toàn quốc kháng chiến năm 1947; Báo cáo gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh về kế hoạch phá tan âm mưu của Pháp tấn công Việt Bắc, Thu - Đông năm 1947; Lời kêu gọi của đại tướng, Tổng tư lệnh quân đội Võ Nguyên Giáp về tổng phản công năm 1949 cũng nằm trong khối tài liệu này.

Sắc lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc Tổng chỉ huy Quân đội Võ Nguyên Giáp thụ cấp đại tướng. Ảnh: Sơn Hà

Ông Võ Hồng Nam, con trai của cố đại tướng, cho biết khối tài liệu có giá trị lớn về lịch sử, khoa học. Những văn bản này thể hiện mục tiêu, tư tưởng giải phóng người dân, xây dựng quân đội và đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng, Nhà nước. Nhìn lại khối tài liệu này, ông nhớ tới Chủ tịch Hồ Chí Minh, cha và nhiều thế hệ lãnh đạo, chỉ huy, chiến sĩ.

"Khi còn sống, cha tôi từng đúc kết, kinh nghiệm hai cuộc kháng chiến là phát hiện được quy luật, hành động và thực hiện đúng quy luật mới thành công", ông Nam nói, mong những tư liệu quý này sẽ được lưu giữ, phổ biến để nhà khoa học và thế hệ trẻ tiếp tục nghiên cứu, phát huy.

Ông Võ Hồng Nam, con trai của cố đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Sơn Hà

Nhiều văn bản quý của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng với Quân đội nhân dân Việt Nam cũng được công bố. Trong đó có Công văn số 400 ngày 23/9/1954 đổi tên gọi "Quân đội của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa" thành "Quân đội nhân dân Việt Nam". Ngoài ra, bức ảnh quý về Chủ tịch Hồ Chí Minh họp bàn cùng các ông Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954; Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến động viên các chiến sĩ bắn rơi máy bay 147 ở Hà Nội năm 1966.

Một số kỷ vật của cán bộ đi B cũng được giới thiệu tại buổi lễ. Ảnh: Sơn Hà

Ngoài ra, Trung tâm cũng lưu giữ nhiều mẫu Quân hiệu, cấp hiệu, phù hiệu và lễ phục của Quân đội nhân dân Việt Nam; hình ảnh về quân đội trong chiến dịch Việt Bắc, Điện Biên Phủ; ảnh bộ đội sơ tán máy móc, sẵn sàng chiến đấu ở Hà Tây năm 1972, quân dân Thủ đô Hà Nội bắn rơi máy bay B52 ngày 18/12/1972, xe tăng quân giải phóng húc đổ cổng sắt, tiến vào Dinh Độc lập trưa 30/4/1975.

Phó cục trưởng Văn thư Lưu trữ Nhà nước Trần Trung Kiên nói đây là khối tư liệu được tập thể cán bộ, nhân viên Trung tâm Lưu trữ quốc gia 3 dày công sưu tầm, bảo quản. Tài liệu phản ánh đầy đủ quá trình từ lúc hình thành, phát triển và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam.

"Đây là nguồn thông tin quý không chỉ cho công tác nghiên cứu mà ngay cả việc quản lý, điều hành trong giai đoạn ngày nay về hoạt động quốc phòng, an ninh của Đảng, Nhà nước", ông Kiên nói, cam kết bảo quản trong điều kiện tốt nhất, phát huy giá trị của khối tài liệu này và lưu giữ cho nhiều thế hệ mai sau.

vnexpress.net

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói