Nhiều thanh niên Can Lộc "thắng lớn" khi khởi nghiệp tại quê hương

(Baohatinh.vn) - Nhiều thanh niên ở huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) đã lựa chọn lập nghiệp trên mảnh đất quê hương, tạo ra những mô hình kinh tế cho thu nhập hàng trăm đến hàng tỷ đồng mỗi năm.

Sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Nghề Hà Tĩnh vào năm 2014, anh Thái Hữu Quốc (SN 1993, trú thôn Khe Giao, xã Sơn Lộc, Can Lộc) lựa chọn về quê phát triển kinh tế. Tận dụng diện tích vườn đồi hơn 3 ha của gia đình, đầu năm 2015, anh Quốc thế chấp sổ đỏ của gia đình để vay ngân hàng gần 300 triệu để xây dựng trại trồng cam.

i1.jpg
Anh Thái Hữu Quốc - chủ trang trại tổng hợp hơn 3 ha.

Anh Quốc chia sẻ: "Tôi yêu thích nông nghiệp từ bé, luôn nuôi ước mơ làm giàu từ các loại cây ăn quả tại quê hương. Khi được gia đình ủng hộ, Huyện đoàn cùng địa phương hỗ trợ các thủ tục vay vốn, tôi đã mạnh dạn đầu tư san lấp mặt bằng trại, mua cây giống cam chanh cùng các dụng cụ chuyên dụng trồng cam. Đến nay, trang trại được đầu tư gần 1 tỷ đồng với quy mô 2,5 ha trồng cam chanh, 0,5 ha để trồng ổi và chè".

Mỗi năm, trang trại của anh Thái Hữu Quốc cung ứng ra thị trường 30 tấn cam chanh, 1 tấn ổi và 8 tạ chè. Với giá cam chanh từ 20 ngàn đồng/kg, ổi từ 15 ngàn đồng/kg và chè từ 7 ngàn đồng/kg, anh Quốc đạt tổng doanh thu hơn 600 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, trang trại còn tạo thu nhập khoảng 300 ngàn đồng/ngày/người cho 7 nhân công thời vụ là ĐVTN và người dân địa phương.

i2.jpg
Mỗi năm, anh Quốc đạt doanh thu hơn 600 triệu đồng nhờ trồng trọt tại trang trại.

Anh Hoàng Văn Nghị - Bí thư Đoàn xã Sơn Lộc cho biết: “Trên địa bàn xã Sơn Lộc hiện có 11 mô hình kinh tế thanh niên, chủ yếu tập trung vào trang trại tổng hợp và sản xuất đồ gỗ. Trong đó, có 9/11 mô hình cho thu nhập trên 200 triệu đồng/năm. Để phát triển hiệu quả các mô hình kinh tế thanh niên, chúng tôi luôn phối hợp chặt chẽ với các chủ mô hình, thường xuyên trao đổi những khó khăn để tìm ra giải pháp nhằm hỗ trợ kịp thời”.

Bên cạnh củng cố các mô hình kinh tế thanh niên lâu năm, Huyện đoàn Can Lộc còn chú trọng thành lập các mô hình kinh tế mới. Ngoài ra, đơn vị thường xuyên bám sát, hỗ trợ các mô hình mới thành lập để giảm bớt khó khăn ban đầu, động viên thanh niên phát triển sản xuất. Tính từ đầu năm đến nay, Huyện đoàn Can Lộc đã tổ chức hỗ trợ thành lập, ra mắt 6 mô hình kinh tế thanh niên.

i3.jpg
Huyện đoàn Can Lộc ra mắt mô hình kinh tế cơ khí của anh Nguyễn Văn Long vào đầu tháng 3/2024.

Là một trong những mô hình kinh tế thanh niên được ra mắt vào đầu năm 2024, xưởng cơ khí của anh Nguyễn Văn Long (SN 1991, trú TDP Thượng Liên, thị trấn Đồng Lộc, Can Lộc) đang tất bật trả đơn hàng cho khách. Hệ thống nhà xưởng của anh Long có diện tích khoảng 100m2 với tổng mức đầu tư hơn 300 triệu đồng.

“Trong quá trình xây dựng nhà xưởng, cán bộ đoàn các cấp đã có sự quan tâm, hỗ trợ nhiệt tình. Nhờ đó, tôi càng có thêm động lực phát triển kinh tế từ nghề cơ khí này. Thời gian tới, rất mong được Huyện đoàn tiếp tục hỗ trợ, tư vấn các gói vay vốn lãi suất thấp để nhà xưởng được mở rộng quy mô”, anh Nguyễn Văn Long bày tỏ.

Thiết kế chưa có tên-2.jpg
Nhiều thanh niên Can Lộc "thắng lớn" với mô hình chăn nuôi. Trong ảnh: Mô hình nuôi chồn hương của HTX chồn hương Khánh Ngọc (bên trái) và mô hình chăn nuôi lợn rừng của anh Nguyễn Đình Sao.

Không chỉ riêng anh Quốc, anh Long, thanh niên trên địa bàn huyện Can Lộc đang hăng say xây dựng những mô hình kinh tế hiệu quả, đạt doanh thu cao từ vài trăm triệu tới cả tỷ đồng mỗi năm. Trong đó, nổi bật như: mô hình nuôi chồn hương của HTX chồn hương Khánh Ngọc do 6 thanh niên thôn Quần Ngọc (xã Khánh Vĩnh Yên) làm chủ, cho lợi nhuận 1,4 tỷ/năm; mô hình xưởng may mini của anh Nguyễn Văn Quyết (xã Trung Lộc) tạo việc làm cho hàng chục lao động, lợi nhuận hơn 200 triệu đồng/năm; mô hình chăn nuôi lợn rừng của anh Nguyễn Đình Sao (xã Thuần Thiện), lợi nhuận hơn 300 triệu đồng/năm…

Toàn huyện Can Lộc hiện có 56 mô hình kinh tế thanh niên, gồm những mô hình phổ biến như: trang trại tổng hợp, dịch vụ, cơ khí... Trong đó, có 40/56 mô hình cho lợi nhuận từ 200 triệu đồng/năm. Những mô hình này đang dần đẩy mạnh phong trào lập nghiệp tại quê hương cho thanh niên, giúp giảm bớt tình trạng "chảy máu" lao động địa phương. Bên cạnh đó, những mô hình kinh tế thanh niên đang tạo việc làm và nguồn thu nhập ổn định cho hàng chục lao động là ĐVTN và người dân địa phương.

Các mô hình kinh tế thanh niên trên địa bàn huyện Can Lộc được đầu tư khá bài bản về kiến thức cũng như quy mô nên đều có nguồn lợi nhuận ổn định.

Việc thanh niên chăm chỉ phát triển kinh tế, lập nghiệp tại địa phương đang dần khẳng định sự năng động, linh hoạt, ý chí vươn lên và ý thức xây dựng quê hương của thế hệ trẻ. Thành công của các mô hình chính là động lực để nhiều thanh niên trên địa bàn trăn trở, học tập, tìm hướng làm ăn. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục quan tâm tới các mô hình, tư vấn cho các thanh niên tiếp cận những gói hỗ trợ vay vốn lãi suất thấp để khởi nghiệp hoặc mở rộng mô hình.

Anh Nguyễn Viết Hưng - Phó Bí thư Huyện đoàn Can Lộc

Video: Những mô hình kinh tế của thanh niên Can Lộc.

Chủ đề Nông dân khởi nghiệp

Đọc thêm

Hành tăm Vượng Lộc được mùa, "rớt" giá

Hành tăm Vượng Lộc được mùa, "rớt" giá

Thời tiết thuận lợi, vựa hành tăm tại xã Vượng Lộc (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) cho năng suất cao, song giá bán chỉ bằng 1/2 so với năm ngoái, dao động từ 30.000 - 33.000 đồng/kg.
Tất bật "hồi sinh" đào sau Tết

Tất bật "hồi sinh" đào sau Tết

Những ngày này, các nhà vườn ở Hà Tĩnh đang dồn hết tâm sức vào việc chăm sóc những gốc đào với hy vọng cây sẽ bung nở vào đúng dịp tết Nguyên đán năm sau.
Cao điểm tỉa dặm, chăm bón lúa xuân ở Hà Tĩnh

Cao điểm tỉa dặm, chăm bón lúa xuân ở Hà Tĩnh

Thời điểm này, bà con nông dân Hà Tĩnh bắt đầu tập trung lấy nước vào ruộng, tỉa dặm, chú trọng phòng trừ sâu bệnh ngay từ đầu vụ để đảm sự sinh trưởng, phát triển của lúa xuân.
Hợp tác xã Đoàn viên lan tỏa các giá trị

Hợp tác xã Đoàn viên lan tỏa các giá trị

Hơn 1 thập kỷ hình thành và phát triển, HTX Đoàn viên (Cẩm Xuyên - Hà Tĩnh) đã phát triển đa ngành nghề để tạo ra các giá trị kinh tế và đóng góp vì cộng đồng xã hội.
Ngọt thơm cam bù Hương Sơn

Ngọt thơm cam bù Hương Sơn

Trong những ngày áp Tết, từ các triền đồi, ngả đường đến các phiên chợ ở huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) đều mọng đỏ màu cam bù - loại quả đặc sản, đậm dấu phong thổ địa phương…
Hà Tĩnh - nông nghiệp hữu cơ chuyển mình

Hà Tĩnh - nông nghiệp hữu cơ chuyển mình

Nông nghiệp hữu cơ thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với tăng trưởng xanh đang mang đến những giá trị mới, mở ra tiềm năng lớn cho nền sản xuất hiện đại ở Hà Tĩnh.