Tổng thống Mali Ibrahim Boubacar Keita. (Ảnh: AFP)
Tổng thống Mali Ibrahim Boubacar Keita đã tuyên bố từ chức và giải tán quốc hội vào cuối ngày 18/8, chỉ vài giờ sau khi ông cùng Thủ tướng Boubou Cisse bị các binh sĩ tham gia binh biến ở thủ đô Bamako bắt giữ.
Trong bài phát biểu được phát trên truyền hình, Tổng thống Boubacar Keita nêu rõ: “Tôi không muốn vì duy trì quyền lực mà dẫn tới đổ máu”.
Diễn biến mới này khiến cho quốc gia Tây Phi vốn đang phải đối mặt với những cuộc nổi dậy của các phần tử thánh chiến và các cuộc biểu tình phản đối chính phủ càng chìm sâu hơn vào khủng hoảng.
Trong một tuyên bố được phát sóng trên truyền hình nhà nước vào rạng sáng ngày 19/8, người phát ngôn của nhóm binh lính nổi loạn, tự xưng là Ủy ban quốc gia vì sự bảo vệ con người (National Committee for the Salvation of the People), tuyên bố nhóm này quyết định hành động để ngăn Mali không rơi vào hỗn loạn hơn nữa.
Trong tuyên bố, người phát ngôn Ismael Wague đã mời các phong trào chính trị và xã hội dân sự ở Mali cùng tham gia với nhóm Ủy ban quốc gia vì sự bảo vệ con người để tạo điều kiện cho một quá trình chuyển đổi chính trị, làm tiền đề để tổ chức các cuộc bầu cử mới.
“Đất nước của chúng ta đang chìm trong hỗn loạn, tình trạng vô chính phủ và mất an ninh mà phần lớn là do lỗi của những người chịu trách nhiệm cho vận mệnh của nó”, ông Ismael Wague nói.
Liên minh châu Âu (EU) cùng Liên minh châu Phi (AU) đã lên án “âm mưu đảo chính” ở Mali. Trong thông báo, Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU, ông Josep Borrell, tuyên bố: “Liên minh châu Âu lên án âm mưu đảo chính đang diễn ra ở Mali và khước từ toàn bộ thay đổi nào không phù hợp với Hiến pháp. Đây không phải là cách để phản ứng cho cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội đã tác động tới Mali trong những tháng qua”.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi thả các quan chức Mali và “ngay lập tức khôi phục trật tự hiến pháp và thượng tôn pháp luật”.