Những người đi tìm lịch sử dưới lòng hồ Kẻ Gỗ

(Baohatinh.vn) - Họ là những người đã ròng rã nhiều năm liền đi tìm các mảnh ghép lịch sử về sân bay Libi, về danh tính những liệt sĩ đã ngã xuống nơi đây trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước để chúng ta hiểu rõ hơn về chứng tích chiến tranh dưới lòng hồ Kẻ Gỗ (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh).

Họ là những người đã ròng rã nhiều năm liền đi tìm các mảnh ghép lịch sử về sân bay Libi, về danh tính những liệt sĩ đã ngã xuống nơi đây trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước để chúng ta hiểu rõ hơn về chứng tích chiến tranh dưới lòng hồ Kẻ Gỗ (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh).

Tôi gặp ông Nguyễn Phi Công (SN 1964, quê ở xã Cẩm Mỹ, Cẩm Xuyên) – Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ trong một lần cùng ngồi thuyền vào dâng hương Đền thờ anh hùng liệt sỹ tại hồ Kẻ Gỗ. Ông kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về hành trình hơn 10 năm đi tìm các mảnh ghép lịch sử, chứng tích dưới lòng hồ Kẻ Gỗ và danh tính những liệt sĩ đã ngã xuống nơi đây.

Ông Nguyễn Phi Công nhớ lại: “Trận tập kích ngày 7/1/1973 diễn ra về đêm, lúc ấy tôi mới 9 tuổi. Đó là ký ức kinh hoàng, ám ảnh tôi đến tận về sau. Cha tôi là cán bộ của ban trực chiến xã phải đi mượn từng chiếc hòm của người dân để chôn cất những người hi sinh. Họ được chôn cất tại nghĩa trang trong lòng hồ Kẻ Gỗ, nghĩa trang Đá Bạc (xã Cẩm Mỹ) và sau này được quy tập về Nghĩa trang liệt sỹ huyện Cẩm Xuyên”.

Mang theo ký ức đau thương về trận ném bom hủy diệt ấy, ông Nguyễn Phi Công luôn đau đáu muốn tìm hiểu về lịch sử dưới lòng hồ Kẻ Gỗ.

Ông Nguyễn Phi Công (áo xanh) là người tìm ra tên tuổi, danh tính những liệt sĩ hi sinh trong trận ném bom hủy diệt ở Kẻ Gỗ ngày 7/1/1973.

Video: Ông Nguyễn Phi Công chia sẻ quá trình tìm kiếm danh tính các liệt sĩ.

Sau khi trở về từ quân ngũ, ông Công theo học tại Trường Trung cấp Lâm nghiệp (Hà Nội). Năm 2003, ông được nhận vào công tác tại Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ. Vào dịp 30/4/2011, trong một lần dẫn đoàn hành hương ở TP Hồ Chí Minh về thăm Kẻ Gỗ, ông Công đã kể kí ức của mình về sự hi sinh của các chiến sĩ tại sân bay Libi. Câu chuyện khiến đoàn khách xúc động và trao gửi 24 triệu đồng để lập miếu thờ cho các liệt sĩ đã hi sinh tại đây.

Từ nguồn ủng hộ này, UBND huyện Cẩm Xuyên đã cùng vào cuộc, quyên góp được hơn 130 triệu đồng để xây dựng ngôi miếu. Năm 2011, ngôi miếu nhỏ nằm sâu trong lòng hồ Kẻ Gỗ được xây dựng hoàn thành và năm 2014 được cấp bằng công nhận di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh.

Chưa dừng lại ở đó, sau khi xây dựng xong ngôi miếu, ông Nguyễn Phi Công lại đau đáu muốn tìm kiếm lịch sử chiến tranh và danh tính các liệt sĩ đã hi sinh trên tuyến đường 22 và sân bay Libi. Không có sử sách nào ghi lại danh tính các liệt sĩ, vậy nên việc tìm kiếm của ông bắt đầu từ con số 0. Các ngành chức năng và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hà Tĩnh cũng mở nhiều cuộc hội thảo nhưng không có căn cứ nào để đưa ra danh sách những người hi sinh trong trận tập kích ở sân bay Libi.

Ông Công đi qua rất nhiều nghĩa trang liệt sỹ để tìm danh tính những người hi sinh tại trận tập kích sân bay Libi ngày 7/1/1973.

Năm 2019, khi quét dọn miếu thờ, nhận thấy phần sân bị xuống cấp, cần tu sửa lại, ông Công đã đứng ra vay 50 triệu đồng của Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ để sửa sang lại. Lúc hoàn thành, trong chuyến thuyền về cùng đội thợ, ông Công gặp được người nhà của bà Hà Thị Cư (trước đây ở làng Đá Bạc - khu vực xây dựng sân bay Libi), bà có 1 người bạn hi sinh trong trận ném bom ngày 7/1/1973.

Từ cuộc gặp này, lịch sử chiến tranh dưới lòng hồ Kẻ Gỗ dần dần được hé lộ. Qua thông tin mà bà Cư cung cấp, ông Công tìm ra bà Lê Thị Kim Nhơn (ở TP Hà Tĩnh) – nhân chứng sống từng tham gia thi công công trình quốc phòng 723 (hay còn gọi là sân bay Libi). Nhờ vậy, ông Công biết được những người hi sinh trong trận ném bom ngày 7/1/1973 đều là công nhân được điều động vào làm sân bay dã chiến Libi.

Đền thờ anh hùng liệt sĩ tại hồ Kẻ Gỗ nhìn từ trên cao.

Danh sách 62 liệt sỹ hi sinh tại Kẻ Gỗ được ông Nguyễn Phi Công xác minh, nay đã được khắc tên trên bia tại Đền thờ anh hùng liệt sĩ hồ Kẻ Gỗ.

Từ thông tin mà các nhân chứng cung cấp, ông Nguyễn Phi Công lặn lội đến rất nhiều nơi, gặp gỡ nhiều nhân chứng để tìm kiếm, thu thập thêm các thông tin... Ông rong ruổi ở hàng trăm nghĩa trang trên toàn tỉnh để dò tìm từng người hi sinh trong trận tập kích ngày 7/1/1973 và tìm đến tận nhà thân nhân liệt sỹ đó để xác minh.

Cứ như vậy, ròng rã hơn 10 năm qua, ông tự bỏ tiền túi để đi tìm, đến tận nơi xác minh danh tính các liệt sĩ. Có những liệt sĩ phải mất 4 năm, gặp gỡ qua hàng chục nhân chứng và đi hàng chục nơi mới xác minh được. Sau nhiều năm dò tìm, gặp gỡ, đến nay, ông Công đã xác định và tạm lập danh sách 62 liệt sĩ hi sinh nơi vùng hồ Kẻ Gỗ; trong đó có 32 liệt sĩ hy sinh tại sân bay Libi ngày 7/1/1973.

Từ mảnh giấy ghi tên các công nhân Xí nghiệp gạch ngói Cầu Họ, ông Công đã lần tìm danh tính của liệt sĩ.

“Trong hành trình đi tìm lại danh tính các liệt sĩ hi sinh tại trận tập kích sân bay Libi ngày 7/1/1973, tôi đã tìm ra liệt sĩ Nguyễn Hữu Thực ở xã Sơn Tiến, huyện Hương Sơn nhưng khi tìm đến nhà thì được biết liệt sĩ này vẫn chưa có Bằng Tổ quốc ghi công và thân nhân chưa được hưởng bất kỳ một quyền lợi gì. Hi vọng thời gian tới, chính quyền địa phương quan tâm, kiểm tra lại chế độ cho thân nhân liệt sỹ Nguyễn Hữu Thực. Có một nhân chứng thông tin con số 34 thay vì 32 liệt sĩ hy sinh tại sân bay Libi trong trận tập kích nên tôi vẫn còn băn khoăn. Trong danh sách 32 liệt sĩ vẫn còn 1 liệt sĩ tên Bính chưa tìm ra họ, ngày tháng năm sinh, quê quán. Hiện nay, vẫn còn những thông tin có hàng trăm liệt sĩ hi sinh đang nằm lại dưới lòng hồ Kẻ Gỗ nên tôi muốn tiếp tục hành trình tìm kiếm của mình” - ông Nguyễn Phi Công chia sẻ.

Hành trình tìm kiếm danh tính các liệt sĩ, ông Nguyễn Phi Công cũng đã làm rõ nhiều thông tin về lịch sử của đường 21, 22 và sân bay Libi.

Ông Nguyễn Phi Công cho biết: “Khi mới bắt tay vào tìm kiếm, chúng tôi chỉ tìm được những dòng ngắn ngủi tư liệu sân bay Libi trong cuốn lịch sử ngành Giao thông Hà Tĩnh. Còn lại chỉ nghe kể các trận ném bom ác liệt trên tuyến đường 22 khiến hàng trăm TNXP, dân công hỏa tuyến và bộ đội hy sinh qua lời của các nhân chứng. Nhưng sau nhiều năm lần tìm lịch sử qua nhiều nơi, tôi đã củng cố thêm được tư liệu về sân bay dã chiến Libi và đường chiến lược 21, 22”.

Chứng tích chiến tranh về sân bay Libi và đường 22 lộ rõ khi nước hồ Kẻ Gỗ rút xuống.

Tuyến đường chiến lược 22 được Bộ GTVT xây dựng cuối năm 1966 để chi viện cho chiến trường miền Nam. Tuyến đường dài 65km, từ ngã ba Thình Thình (nay thuộc xã Nam Điền, huyện Thạch Hà) đi vòng qua vùng hồ Kẻ Gỗ (xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên), chạy qua nhiều xã thuộc huyện Kỳ Anh rồi kết thúc tại huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình.

Lực lượng tham gia mở đường 22 gồm 4 đội TNXP với khoảng hơn 6.000 người. Đến cuối năm 1970 - đầu năm 1971, tuyến đường chiến lược 22 hoàn thành.

Những hố bom dưới lòng hồ Kẻ Gỗ.

Trong quá trình mở đường 22, lực lượng quốc phòng đã chọn vùng Đá Bạc để xây dựng công trình quốc phòng 723 (còn gọi là sân bay dã chiến Libi - tên đặt theo một khe suối ở làng Đá Bạc, xã Cẩm Mỹ).

Ngày 30/9/1972, 92 công nhân kiến trúc, 36 công nhân Xí nghiệp gạch Cẩm Thành do ông Đinh Trương Đôn - Giám đốc Xí nghiệp Vôi Đò Điệm làm C trưởng (Đại đội trưởng) - được điều động vào công trình để xây dựng sân bay.

Sân bay dã chiến Libi gắn với tuyến đường 22 được xác định là sân bay gần nhất để miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam. Cuối năm 1972 - đầu năm 1973, sân bay cơ bản hoàn thành nhưng bị đế quốc Mỹ phát hiện. Địch dùng máy bay B52 đánh phá ác liệt nhằm “xoá sổ” sân bay dã chiến này. Công trình này vốn được thiết kế gồm 2 làn bay, chủ yếu phục vụ máy bay phản lực nhưng chưa kịp xuất kích chuyến nào thì đã bị phá tan tành bởi hàng trăm tấn bom.

Một mảnh bom được tìm thấy dưới lòng hồ Kẻ Gỗ.

Hòa bình lập lại, năm 1976, Nhà nước triển khai xây dựng công trình hồ Kẻ Gỗ để thúc đẩy phát triển nông nghiệp. Khi hồ Kẻ Gỗ hoàn thành và bắt đầu tích nước, mặt trận xưa cũng dần chìm vào lòng hồ.

Trong lễ khánh thành Đền thờ anh hùng liệt sĩ tại hồ Kẻ Gỗ (cuối tháng 8/2023), chúng tôi được gặp rất nhiều thân nhân của những người đã ngã xuống. Đa phần, họ đều không biết người thân của mình hi sinh khi đang xây dựng sân bay Libi vì tên công trình là quốc phòng 723 và sau khi hồ Kẻ Gỗ tích nước thì chứng tích chiến tranh này không được nhắc đến nhiều. Chỉ sau khi ông Công lần tìm lại lịch sử thì mới xác định được đơn vị thi công, lực lượng tham gia và danh tính các liệt sĩ hi sinh cũng được làm rõ.

Bức thư của liệt sĩ Nguyễn Văn Lương - cha của ông Nguyễn Văn Hoàng viết khi tham gia xây dựng công trình quốc phòng 723 (hay còn gọi là sân bay dã chiến Libi).

Ông Nguyễn Văn Hoàng (ở TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương; quê quán ở TX Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh) chia sẻ: “Mẹ tôi vẫn còn lưu giữ bức thư mà cha tôi viết khi đang thi công công trình quốc phòng 723. Chúng tôi cũng không biết đó là sân bay Libi cho đến khi được ông Nguyễn Phi Công tìm đến nhà. Sau này tôi mới biết là lúc hi sinh cha tôi được chôn cất tại nghĩa trang trong lòng hồ Kẻ Gỗ, sau đó được cất bốc, quy tập về Nghĩa trang liệt sĩ huyện Cẩm Xuyên. Năm 1976, gia đình tôi đã đưa cha về Nghĩa trang xã Đức Lập, huyện Đức Thọ. Khi biết được nơi mà cha mình đã hi sinh, chúng tôi không khỏi xúc động”.

Trong hành trình tìm lại chứng tích chiến tranh dưới lòng hồ Kẻ Gỗ, nhiều người đã không tiếc công sức, tiền của để tri ân những người đã ngã xuống. Trong đó có ông Hoàng Anh Minh, Tổng Biên tập Tạp chí Đầu tư Tài chính (VietnamFinance) - một người con quê hương Hà Tĩnh.

Lãnh đạo Trung ương, địa phương và các đơn vị cắt băng khánh thành Đền thờ anh hùng liệt sĩ tại hồ Kẻ Gỗ vào cuối tháng 8/2023.

Năm 2010, trong một lần tình cờ đến tham quan hồ Kẻ Gỗ, ông Hoàng Anh Minh được nghe câu chuyện về sân bay dã chiến Libi và những mất mát, hi sinh bị lãng quên dưới lòng hồ.

Nhân duyên thôi thúc, năm nào, ông Minh cũng dành thời gian về thắp hương tưởng niệm các liệt sĩ. Từ sự trăn trở, đau đáu với quá khứ, năm 2019, ông Minh đã đứng ra vận động các nguồn lực để xây dựng Đền thờ anh hùng liệt sĩ tại hồ Kẻ Gỗ.

Tổng Biên tập VietnamFinance chia sẻ với phóng viên về quá trình vận động các nguồn lực để xây dựng đền thờ.

Ông Hoàng Anh Minh chia sẻ: “Ban đầu, tôi lập website Hokego.vn để thông tin về lịch sử sân bay Libi được công chúng biết đến nhiều hơn. Chứng tích chiến tranh và những mất mát, đau thương bị lãng quên dưới lòng hồ cần phải được biết đến để tri ân những người đã khuất. Càng hiểu hơn về lịch sử, ý định đứng ra vận động các nguồn lực xây dựng đền thờ càng lớn dần lên trong tôi. May mắn, khi khởi động ý tưởng, tôi nhận được rất nhiều sự giúp đỡ, ủng hộ từ các mạnh thường quân".

Những doanh nghiệp lớn như: Vingroup, Sun Group, Amber Group, Aqua One, Him Lam… và nhiều cá nhân hảo tâm đã cùng chung sức hỗ trợ nguồn lực xây dựng đền. Huy động được hơn 6 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa, ông Hoàng Anh Minh phối hợp với Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ đứng ra khởi công xây dựng đền thờ. Công trình có tổng mức đầu tư gần 10 tỷ đồng.

Mới đây, thông qua kết nối của lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, Bộ Quốc phòng đã quyết định hỗ trợ 5 tỷ đồng để xây dựng công trình.

“Xây dựng công trình trong lòng hồ, vật liệu phải vận chuyển hoàn toàn bằng đường thủy rất vất vả. Như có sự phù hộ, mọi khó khăn đều từng bước được tháo gỡ. Khi làm được một bước, tôi lại tìm ra cách làm, hướng đi tiếp theo. Mọi việc hết sức thuận lợi” - ông Hoàng Anh Minh chia sẻ.

Hiện nay, công trình đã hoàn thành xây dựng cơ bản và đã cắt băng khánh thành vào tháng 8/2023. Thời gian tới, ông Hoàng Anh Minh tiếp tục phối hợp với Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ triển khai các hạng mục phi vật thể trong đền.

Thời điểm này, khi mực nước hồ Kẻ Gỗ xuống thấp, giữa lòng hồ lộ ra sân bay Libi và đường 22 với chi chít những hố bom càng củng cố hơn về một lịch sử bi tráng dưới lòng hồ.

Lãnh đạo Trung ương và địa phương cùng dâng hương tại Đền thờ anh hùng liệt sĩ tại hồ Kẻ Gỗ.

Thời điểm này, khi mực nước hồ Kẻ Gỗ xuống thấp, giữa lòng hồ lộ ra sân bay Libi và đường 22 với chi chít những hố bom càng củng cố hơn về một lịch sử bi tráng dưới lòng hồ. Với sự góp sức thầm lặng của những người như ông Nguyễn Phi Công, ông Hoàng Anh Minh, lịch sử đang dần được làm rõ, để sân bay dã chiến Libi, đường chiến lược 21, 22 không bao giờ đi vào quên lãng và các liệt sĩ, TNXP, công nhân quốc phòng... đã hi sinh trên mặt trận này được tri ân đời đời.

BÀI, ẢNH: PHAN TRÂM - DƯƠNG CHIẾN

THIẾT KẾ & KỸ THUẬT: THÀNH NAM - NGỌC NHI

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói