Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1724-1791) sinh ra tại thôn Văn Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng (nay thuộc xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên). Ông mất vào ngày rằm tháng Giêng năm Tân Hợi (1791) tại quê mẹ là xứ Bàu Thượng, xã Tình Diệm, tổng Hữu Bằng (nay là xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh).
Trong thời gian ở quê mẹ Hương Sơn (từ năm 1746) cho tới khi mất, Hải Thượng Lãn Ông chuyên tâm nghiên cứu y thuật, chữa bệnh cứu người. Bên cạnh đó, Đại danh y cũng dành thời gian cho một thú chơi thanh nhã: chơi diều sáo.
Thuở trước, những chiếc diều sáo thường được làm từ tre, giấy dó... Để làm được một chiếc diều đẹp và bay cao đòi hỏi người làm phải có đôi tay khéo léo và sự tỉ mỉ. Thế nên, có thể hình dung, chính quá trình làm diều đã giúp Hải Thượng Lãn Ông rèn luyện tính kiên nhẫn cùng những phẩm chất đáng quý của người thầy thuốc.
Tại khu vườn đào (ngày nay là nhà thờ Hải Thượng Lãn Ông thuộc thôn Bảo Thượng, xã Quang Diệm) có núi Giả và hồ Sen hình bán nguyệt. Trên đỉnh núi Giả, Đại danh y đã dựng lên một cây cột cắm lá cờ đuôi nheo để nhận biết hướng gió và thời tiết, ngắm sao thiên văn cho việc chuẩn trị y mạch. Cây cột còn là nơi để Đại danh y buộc dây diều, trên cánh diều còn gắn ống sáo diều mà chúa Trịnh Sâm ban tặng lúc ông ra kinh đô chữa bệnh cho chúa.
Đến cuối đời, khi thấy mình khó lòng qua khỏi, Đại danh y đã căn dặn con cháu hãy thả một con diều, diều rơi ở khu vực nào thì mai táng ông ở đó. Vị trí diều rơi chính là khu mộ của ông bây giờ. Hiện khu mộ nằm dưới chân núi Minh Tự, thuộc thôn Hải Thượng (xã Sơn Trung). Nếu nhìn từ trên cao xuống, khu mộ giống như một cánh diều nằm giữa núi rừng bao la, thanh bình, yên tĩnh.
Cho đến ngày nay, cánh diều Hải Thượng vẫn luôn giữ một vị trí quan trọng trong tâm thức người dân Hương Sơn. Với họ, hình ảnh cánh diều chao lượn giữa bầu trời lộng gió không chỉ là biểu tượng của sự thanh bình, là khát vọng bay xa mà còn là sự giữ gìn, tiếp nối truyền thống văn hóa, tiếp nối thú vui thanh nhã của Đại danh y Lê Hữu Trác.
Gắn bó với diều sáo từ thuở thơ bé, đến nay khi đã 65 tuổi, ông Phan Văn Hóa (thôn Đức Vừ, xã Sơn Lễ) vẫn miệt mài làm diều và chơi diều. Với ông Hóa, chơi diều không chỉ là thú vui mà còn góp phần gìn giữ, bảo tồn những giá trị truyền thống cha ông để lại.
Ông Hóa chia sẻ: “Từ nhỏ, tôi đã được nghe cha kể câu chuyện về thú chơi diều sáo của Đại danh y Lê Hữu Trác. Vừa nghe chuyện, tôi vừa được cha chỉ dẫn cách làm diều, làm sáo, cách thức thả diều… Từ đó, tình yêu với cánh diều và tiếng sáo càng lớn dần, để rồi, dù có bận rộn với việc nhà, việc đồng áng, tôi vẫn dành thời gian chơi diều như một cách để giải tỏa những căng thẳng, mệt nhọc”.
Yêu thích diều sáo, ông Hóa còn dành nhiều tâm huyết để làm ra những cánh diều bắt mắt, ấn tượng và đục đẽo những bộ sáo chất lượng, cho thanh âm ngân vang giữa bầu trời. Năm 2023, ông đã cùng những người yêu diều ở xã Sơn Lễ tham gia Hội thi trưng bày diều sáo Hải Thượng huyện Hương Sơn lần thứ nhất. Ông cùng mọi người dành nhiều thời gian nghiên cứu và phục dựng diều sáo đúng với bản gốc của diều sáo Hải Thượng Lãn Ông.
“Khi tham gia hội thi, tôi có thêm nhiều hiểu biết về Đại danh y Lê Hữu Trác cũng như thú vui chơi diều của ông. Từ đó, tôi càng thêm cảm phục tấm lòng y đức và tinh thần vì nước, vì dân của Đại danh y. Tôi mong rằng, không chỉ tôi mà các thế hệ sau sẽ tiếp nối truyền thống và gìn giữ hình ảnh cánh diều Hải Thượng” - ông Hóa bày tỏ.
Thú chơi diều sáo đã trở thành một nét đặc trưng trong cuộc sống của Hải Thượng Lãn Ông, góp phần làm nên hình ảnh Đại danh y tài ba, một con người yêu đời, yêu thiên nhiên. Ngày nay, mỗi khi cánh diều bay cao trên bầu trời, người dân Hương Sơn lại cảm nhận được sự linh thiêng, sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại. Thú chơi diều sáo đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân, góp phần tạo nên một nét đẹp riêng, độc đáo của vùng đất Hương Sơn.
Là một người trẻ có niềm yêu thích đặc biệt với diều sáo, anh Lê Anh Hồng (SN 1984, trú thôn Cừa Quán, xã An Hòa Thịnh) đã dành nhiều tâm sức để làm nên những cánh diều đong đầy tình cảm, sự trân quý đối với các bậc tiền nhân và quê hương, đất nước. Anh Hồng chia sẻ: “Khi kế tục thú vui chơi diều của Hải Thượng Lãn Ông và các thế hệ cha ông, tôi không chỉ được học cách làm diều mà hơn hết còn học được đức tính kiên trì, khéo léo, tinh thần đoàn kết, giúp đỡ, chia sẻ với mọi người, gần gũi với thiên nhiên... Diều sáo không chỉ là một trò chơi dân gian mà còn là một môn nghệ thuật mang đậm bản sắc dân tộc”.
Với người dân Hương Sơn, chơi diều sáo không đơn thuần là thú vui mà còn là bài học về sự thư thái, sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Trong xã hội hiện đại, khi con người luôn bận rộn với những lo toan thường nhật, việc tìm về với những thú vui giản dị như thả diều càng trở nên ý nghĩa. Vì vậy, các thế hệ người dân Hương Sơn đang tiếp tục chung tay bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống để con em mai sau có cơ hội được trải nghiệm và cảm nhận vẻ đẹp cánh diều Hải Thượng và hiểu hơn về thú chơi diều cũng như thân thế, sự nghiệp của vị Đại danh y lẫy lừng.