Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (còn có tên là Lê Hữu Huân) sinh năm Giáp Thìn (1724), quê ở làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương, nay là xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ (tỉnh Hưng Yên). Thân phụ Lê Hữu Trác là Lê Hữu Mưu (1675 - 1739), đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Canh Dần, niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 6 (1710) đời Lê Dụ Tông, làm quan đến chức Hữu thị lang Bộ Công, Nhập thị kinh diên, được phong tước Phu đình Bá, sau khi mất được truy tặng hàm Thượng thư. Thân mẫu là bà Bùi Thị Thưởng, con gái Tướng công Bùi Diệm Đăng, quê ở xứ Bàu Thượng, xã Tình Diệm, huyện Hương Sơn, nay là xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.
Là người có tư chất thông minh nhưng về khoa cử, Lê Hữu Trác chỉ đậu đến Tam trường, rồi sung vào quân đội chúa Trịnh. Năm 1746, lấy cớ anh ruột mất, Lê Hữu Trác rời quân ngũ về quê ngoại Hương Sơn, Hà Tĩnh để phụng dưỡng mẹ già. Tại đây, ông làm nhà cạnh bìa rừng đặt tên hiệu “Hải Thượng Lãn Ông”. Hải Thượng là hai chữ đầu của trấn Hải Dương, phủ Thượng Hồng quê cha và cũng là thôn Bàu Thượng quê mẹ. “Lãn Ông” nghĩa là “ông Già Lười”, ngụ ý lười biếng, chán ghét công danh, tự giải phóng mình khỏi sự ràng buộc của danh lợi và quyền thế, tự do nghiên cứu y học và thực hiện chí hướng mà mình yêu thích. Từ đó, ông dày công nghiên cứu, tìm học những bài thuốc hay trong nhân dân để trị bệnh cứu người, tiếng tăm ngày càng lừng lẫy.
Về tác phẩm Thượng Kinh ký sự, đây là tác phẩm được Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác viết năm Nhâm Dần, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 43 (1782). Nội dung tác phẩm thuật lại hành trình từ xứ Nghệ An ra kinh thành Thăng Long để chữa bệnh cho thái tử Trịnh Cán.
Thượng Kinh ký sự được Phan Võ (1889 - 1962), Phó bảng kỳ thi Đình khoa Canh Tuất, năm Duy Tân thứ 4 (1910) dịch, xuất bản lần đầu vào năm 1959. Thượng Kinh ký sự là một tác phẩm ký sự độc đáo, đặc biệt của nền văn học trung đại Việt Nam.
Theo Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên) thì ký là “thể văn tự sự viết về người thật, việc thật, có tính chất thời sự, trung thành với hiện thực đến mức cao nhất”, còn ký sự là “loại ký ghi lại những diễn biến của cuộc sống xã hội, không hoặc rất ít xen vào những bình luận chủ quan của người viết" [1]. Văn học trung đại Việt Nam có nhiều tác phẩm được viết theo thể ký sự, điển hình như Phụng sứ Yên Đài tổng ca của Nguyễn Huy Oánh (1713 - 1789), Mặc Trai sứ tập của Đinh Nho Hoàn (1671 - 1715), Hoa trình tiêu khiến tiền hậu tập của Nguyễn Đề (1761 - 1805), Sứ hành quan quang hay còn gọi là Bắc sứ thi tập của Trịnh Hoài Đức (1765 - 1825), Bắc hành tạp lục của Nguyễn Du (1766 - 1820)… Trong đó, Phụng sứ Yên Đài tổng ca của Nguyễn Huy Oánh có 470 câu thơ lục bát viết bằng chữ Hán, xen kẽ trong đó là 120 bài chữ Hán. Những gì diễn ra trong suốt hành trình đi sứ sang Trung Hoa năm 1766 đều được Nguyễn Huy Oánh ghi lại khá chi tiết, hầu như đến mỗi địa danh ông đều có thơ đề vịnh để bộc lộ cảm xúc của mình. Về điểm này, Thượng Kinh ký sự và Phụng sứ Yên Đài tổng ca có nhiều nét khá tương đồng.
Tác phẩm Thượng Kinh ký sự ngoài thuật lại các sự việc diễn ra trên quảng đường từ Nghệ An ra kinh thành Thăng Long cũng như cuộc sống hằng ngày trong phủ chúa Trịnh, xen kẽ trong đó là 35 bài thơ Lê Hữu Trác bộc lộ cảm xúc trước khung cảnh thiên nhiên, trước cuộc sống thực tại, đồng thời cũng là “phương tiện” để ông thể hiện quan điểm sống của mình.
Có thể khẳng định, Thượng Kinh ký sự là tấm gương phản chiếu trung thực nhất con người Lê Hữu Trác. Ở Lê Hữu Trác, ông vượt trội cả về đức lẫn tài so với các thầy thuốc giỏi đương thời. Khi vào Kinh, chứng kiến các thầy thuốc được chúa Trịnh triệu vào để chữa bệnh cho chúa và thế tử, Lê Hữu Trác đã phải than rằng: “Khi tôi ở núi: thường tưởng rằng ở Kinh đô có những bậc quốc y, học thuật đầy đủ, tinh diệu thần nhập, tôi vẫn thường than rằng mình không có điều may mắn được gặp. Đến khi lên Kinh, thấy các thầy thuốc trị bệnh không nói phong hỏa, thì nói thấp đàm, còn như nói hư phải bổ thì chỉ nói khí huyết qua loa mà thôi. Còn đến chỗ chân thủy, chân hỏa, đến cái gốc của tính mệnh thì tuyệt nhiên không chú trọng chút nào. Sao mà y đạo lại khó như thế" [2].
Thậm chí, ông còn gắt các thầy thuốc trong cung phủ: “… một năm nay, sức các ông đã kiệt rồi, không còn cách gì để cứu chữa nữa, sao còn tranh, gièm pha, cản trở người khác? Làm thuốc thì phải nghĩ đến việc cứu người chứ! Cái lòng trung của kẻ làm tôi ở trong nghề thuốc ở đâu?" [3]. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ biết, Lê Hữu Trác hơn hẳn những thầy y đương thời, cả về tâm lẫn tầm.
Cùng với y đức, về mặt văn chương, nghệ thuật, Lê Hữu Trác cũng xứng đáng xếp vào hàng thượng thừa. Trong Thượng Kinh ký sự có những câu thơ, đoạn văn đặc tả cảnh sắc thiên nhiên rất êm đềm, tươi đẹp, đầy sống động. Văn chương trung đại ít thấy có lối viết như thế.
“Đêm ấy, thuyền đi dưới trăng.
Hai bên bờ vắng ngắt. Chỉ nghe tiếng chó sủa theo.
Một vầng trăng sáng vằng vặc lòng sông. Hai bên bờ, nước lên chờ khách sang sông. Chuông nện chùa xa văng vẳng; sương che cây, cỏ mịt mù. Mấy ngọn đèn chài hiu hắt; một đôi cò trắng đuổi nhau…".
Về thơ, Lê Hữu Trác viết:
“Khách đi, bờ biển hãi hùng,
Cảnh thu muôn dặm trùng trùng mông mênh”.
Phan Võ, trong lời tựa bản dịch Thượng Kinh ký sự đã viết: “Lời thơ mới mẻ, tứ thơ man mác, ngó thì đạm nhưng ý vị vô cùng. Có cái vẻ đẹp của bóng trăng trên núi, cái thanh khí của gió trên sông. Đọc lên, nhắc người ta nhớ tới Lý Bạch. Phải có một tình yêu thiên nhiên sâu sắc, phải là một tâm hồn chân thật mới có những bài thơ như thế". Bức tranh xã hội, cả thượng lưu và bình dân trong Thượng Kinh ký sự được miêu tả thật sinh động, nhiều ngóc ngách. Ngòi bút của Lê Hữu Trác tuy nhẹ nhàng, không phê phán, trung thành với hiện thực đến mức cao nhất nhưng lại vô cùng tinh tế, sâu sắc. Nguyễn Huệ Chi đã đánh giá: “ông vượt khỏi cái nhìn ý nghĩa phê phán mà chuyển sang một cái nhìn đầy rung cảm - ngòi bút của ông đột nhiên in sâu vào những giá trị trữ tình. Hai mặt hiện thực và trữ tình quyện chặt vào nhau thành một phong cách độc đáo".
Kể từ năm 1959 đến nay, Thượng Kinh ký sự đã được xuất bản rất nhiều lần ở trong nước. Năm 1972, Thượng Kinh ký sự được Nguyễn Trần Huân (1921 - 2001, người Pháp gốc Việt) dịch ra tiếng Pháp và xuất bản tại Paris.
Điểm qua vài điều về tác phẩm Thượng Kinh ký sự để thấy rằng, Hải Thượng Lãn Lãn Ông Lê Hữu Trác không chỉ là một Đại danh y kiệt xuất mà còn là một nhà văn xuất sắc của dân tộc Việt Nam. Ông hoàn toàn xứng đáng để nhân loại ghi nhận, tôn vinh.
[1]. Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên, in lần thứ hai), Trung tâm Từ điển ngôn ngữ, Hà Nội, 1992, tr.518.
[2]. Lê Hữu Trác, Thượng kinh ký sự, Nxb Thông tin, Hà Nội, 1989, tr. 85.
[3]. Lê Hữu Trác, Thượng kinh ký sự, Nxb Thông tin, Hà Nội, 1989, tr. 134 - 135.