Bạt Quận công Dương Trí Trạch với việc dựng bia ở Quốc Tử Giám

(Baohatinh.vn) - Cùng với các vị danh nhân tiêu biểu khác, Bạt Quận công Dương Trí Trạch đã góp phần rất lớn trong việc tạo dựng, vun đắp nên bản sắc văn hóa đặc sắc của mảnh đất Hà Tĩnh.

Bạt Quận công Dương Trí Trạch quê ở làng Yên Huy, xã Bạt Trạch, huyện Thiên Lộc, nay thuộc xã Khánh Vĩnh Yên, huyện Can Lộc. Ông sinh năm Bính Tuất (1586), dưới thời vua Lê Thế Tông. Thuở nhỏ, ông là người thông minh học giỏi nhưng đi thi chỉ đỗ Tú tài, rồi không đi thi nữa. Khi có việc làng, nhiều người hạch sách không cho ngồi cùng chiếu trên, rồi lại có người khích bác nên đến lúc gần 30 tuổi, ông mới quyết tâm học tập để theo nghiệp khoa cử. Tại khoa thi năm Kỷ Mùi (1616), niên hiệu Hoàng Định năm thứ 20, đời vua Lê Kính Tông, ông dự thi Đình, đỗ Đệ Tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân.

z5971271430965-814a9ae10a28ce6d91823a003fb196d7-494-748.jpg
Bạt Quận công Dương Trí Trạch 2 lần làm Chánh sứ sang nhà Minh giao hảo. Ảnh minh họa: INT

Sau khi đỗ đạt làm quan, chỉ một thời gian ngắn, năm Canh Ngọ (1630), Dương Trí Trạch được vua Lê Thần Tông tin cậy cử làm Chánh sứ sang nhà Minh: “Mùa đông, tháng 11, sai Chánh sứ là Trần Hữu Lễ và Dương Trí Trạch, Phó sứ là bọn Nguyễn Kinh Tế, Bùi Bỉnh Quân, Nguyễn Nghi, Hoàng Công Phụ chia hai sứ bộ sang tuế cống nhà Minh”[1]. Chuyến đi trong 3 năm đã thu được kết quả tốt đẹp, đoàn sứ bộ đã hoàn thành trọng trách triều đình giao phó. Sau chuyến đi này, ông được thăng chức Bồi Tụng.

Năm Đinh Sửu (1637), Dương Trí Trạch lại được triều đình tín nhiệm lên biên giới giao thiệp với quan nhà Minh. Bằng tài năng và trí tuệ của mình, ông đã khiến người Minh nể phục, tăng cường tình hòa hiếu giữa hai nước.

Năm 1644, Đốc thị Dương Trí Trạch cùng với Thái bảo Tây Quận công Trịnh Tạc đi bình ổn vùng đất Cao Bằng: “Mùa đông tháng 12, sai Thái bảo Tây Quận công Trịnh Tạc cùng với Đốc thị là Dương Trí Trạch, Tán lý Phạm Công Trứ đi dẹp địa phương Cao Bằng, tiến quân đặt phục, chém được một tỳ tướng của giặc, bắt được đảng giặc rồi về”[2]. Nhờ lập được chiến công trong lần đi này, ông được thăng chức Thượng thư Bộ Lễ kiêm Thị độc Viện hàn lâm, tham dự công việc ở Khu mật viện, rồi được phong Dực vận Tán trị công thần, tước Bạt Quận công.

Một trong những Bia do Bạt Quận Công Dương Trí Trạch phụ trách khắc.

Một trong những Bia do Bạt Quận Công Dương Trí Trạch phụ trách khắc.

Trên các cương vị được giao, Dương Trí Trạch đều tận tâm dốc sức, hết lòng vì dân vì nước. Ông là người đã hai lần dâng sớ tâu vua, lập mưu đánh giặc, tạo mối hòa hiếu giữa Đàng Ngoài với Đàng Trong.

Tháng 5 năm Canh Tý (1660), Dương Trí Trạch lại cùng với Phạm Công Trứ dâng sớ nói về các thuật trị nước phải dùng cả văn lẫn võ: “Đường lối trí trị là thưởng phạt nghiêm minh theo mệnh ra sức để nên công việc thì tùy theo công lao mà bàn thưởng hoặc người nào dùng dằng nhát sợ hành quân trái luật thì lấy quân luật mà trị tội. Đó là phép thường dùng để khuyên răn rất là nghiêm ngặt. Văn thần thì nên giúp vua thương dân để tô điểm thái bình, nếu biết giữ thanh liêm chăm việc, ngay thẳng để xứng chức vụ thì tùy theo chứng tích mà khen thưởng hoặc người nào thừa hành công việc, cùng là xét hỏi kiện tụng nếu không đỗ lỗi trước mà cứ uốn phép hối lộ để chậm quá kỳ xét xử không đúng, câu kết bè đảng vì ân nghĩa riêng mà nhận lời thỉnh thác làm nhiều nhũng tệ, đến nỗi nát chính hại dân, tội nhẹ thì xử giáng chức, tội nặng thì xử theo quân luật để bỏ hết thói tệ cho nghiêm phép nước”[3].

Thế kỷ XVII, giáo dục và khoa cử Nho học được tôn trọng và đề cao. Tại khoa thi Quý Mùi năm (1643), Dương Trí Trạch được cử làm Giám thí: “Giám thí là Lễ bộ Tả Thị lang kiêm Hàn lâm viện thị giảng, Tham chưởng Hàn Lâm viện sự Dương Trí Trạch”[4].

Dương Trí Trạch cũng là người trực tiếp dâng sớ lên triều đình đề xuất sửa đổi chính sách giáo dục có lợi cho dân: “Tham tụng Dương Trí Trạch, Phạm Công Trứ dâng sớ nói về việc thuê khoán làm trường và cung đốn các thứ cho trường thi Hương, nên đơn giản kiện ước để bớt phí tổn cho dân”[5].

Năm 1653, Trịnh Tráng đã giao cho ông sao lục tên họ những người thi đỗ Chế khoa kể từ năm Giáp Dần (1554) đến năm Giáp Thìn, Khánh Đức thứ 4 (1652) để dựng bia Tiến sĩ tại Văn Miếu Quốc Tử Giám. Tiến sĩ Dương Trí Trạch là người chịu trách nhiệm tập hợp bản danh sách Tiến sĩ các khoa để khắc bia và là người tổng duyệt cho tất cả các bia khắc dựng trong đợt truy lập này: “Các bài ký phân công cho 7 quan chức ở Viện Hàn lâm là Khương Thế Hiển 7 bia, Nguyễn Văn Lễ 4 bia, Trịnh Cao Lệ 4 bia, Nguyễn Đăng Cảo 3 bia, Nguyễn Đăng Minh 3 bia, Lê Đình Lại 3 bia, Nguyễn Đình Chinh 3 bia và Dương Trí Trạch 1 bia, dựng bia ngày 16 tháng 11 năm Quý Tỵ (1653)”[6].

bia-van-mieu-qtg-thang-long-6620-1300.jpg
Bia Văn Miếu Quốc Tử Giám Thăng Long (Hà Nội).

Lịch triều Hiến chương loại chí chép việc này như sau: “Đầu đời Trung hưng [các người đỗ] từ chế khoa năm Thuận Bình Giáp Dần (1554) đến năm Khánh Đức Nhâm Thìn (1652) cộng 25 khoa, chưa có bia đề tên, đến nay ông vâng chỉ khắc tên vào bia đá. Khi làm xong việc long trọng ấy rồi được vào làm Tham tụng phủ chúa, lên Thượng thư bộ Hộ, thêm chức Thiếu bảo”[7].

Với việc được giao nhiệm vụ tập hợp tư liệu, nhuận sắc các bài văn bia, phụ trách việc dựng bia của 25 khoa thi (từ năm 1554 đến năm 1652) chứng tỏ Dương Trí Trạch phải thực sự có tài năng, tâm huyết, làm việc với tinh thần cẩn trọng, trách nhiệm cao. Đây cũng là minh chứng cho những đóng góp to lớn của ông với Văn Miếu Quốc Tử Giám Thăng Long nói riêng, giáo dục khoa cử Nho học nước nhà nói chung.

Vào tháng 3 năm 2010, 82 tấm bia Tiến sĩ tại Văn miếu Quốc Tử Giám Thăng Long đã được công nhận là Di sản tư liệu thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đến ngày 27 tháng 7 năm 2011, 82 bia Tiến sĩ này lại tiếp tục được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới.

Sau hơn 40 năm phục vụ triều đình, đến tháng 6 năm Tân Sửu (1661), Bạt Quận công Dương Trí Trạch về quê trí sĩ: “Tháng 6, gia phong Hộ bộ Thượng thư kiêm Hàn Lâm viện thị giảng chưởng Hàn Lâm viện sự Thiếu bảo Bạt Quận công Dương Trí Trạch làm Lại bộ Thượng thư Quốc lão Thái bảo, cho về trí sĩ”[8]. Khi ông về, vua Lê đã ban sắc phong: “Hồng nho Thạc đức, nguyên lão đại thần” (Nghĩa là: Núi Hồng sinh ra người có công đức cao, vị đại thần cao tuổi đứng đầu quan triều đình) và tặng ông đôi câu đối ca ngợi như sau:

“Tứ thập niên lập triều, triều đình ý trọng;

Thất thập tuế trí sĩ, sĩ hoạn thành danh”.

Nghĩa là: Bốn chục năm ở triều, triều đình trọng dụng;

Bảy chục tuổi về hưu, đỗ đạt làm quan đều nổi tiếng.

Ngoài ra ông còn được nhà vua cho khắc một bia vinh quy hồi hương, văn bia do nhà vua viết tặng ghi nhận công lao đóng góp cho triều đình trong những năm ông làm quan. Tấm bia được tạc theo mẫu ở Văn Miếu và soạn lời bia đề năm Thịnh Đức thứ nhất (1653), nhưng đến thời Minh Mạng thì bị biến cố, hư hỏng mòn hết chữ nên hiện nay không đọc được nữa.

den-tho-duong-tri-trach-xa-khanh-vinh-yen-can-loc-2-2296-2068.jpg
Đền thờ Bạt Quận công Dương Trí Trạch ở thôn Thạch Ngọc, xã Khánh Vĩnh Yên, huyện Can Lộc.

Một năm sau khi về quê trí sĩ, tháng 7 năm Nhâm Dần (1662) Bạt Quận công Dương Trí Trạch qua đời, thọ 77 tuổi, mộ ông được đặt trước cánh đồng làng Bạt Trạc quê hương ông. Vị hiệu thờ ông ghi: “Tiên tổ khảo tứ vị khoa Đồng Tiến sĩ xuất thân, Dực vận tán trị công thần, Đặc tiến Kim tử vinh lộc đại phu, Tham tụng Lại bộ Thượng thư kiêm Hàn lâm viện Thị giảng, Tham Chưởng Hàn Lâm viện sự, Thượng trụ quốc lão Thái bảo, Bạt quận công trí sĩ, tặng Thái tể Dương tướng công, tự Trung Ý, phụng tứ thụy Nha Chính, khâm bao phong Nguy công Đại vương”.

Sự nghiệp quan trường của Tiến sĩ Dương Trí Trạch được sử gia Phan Huy Chú đánh giá: “Ở triều hơn 40 năm trải qua các chức vụ ở viện Khu mật đã lâu, tính thẳng thắn giữ luật phép (của triều đình) không có ai thỉnh thác được, bàn việc gì tuy hơi nghiêm khắc nhưng theo lẽ công bằng giữ điều ngay thẳng bây giờ ai khen cũng là danh thần”[9].

162d5110838t86643l0-4005-7925.jpg
Tại đền thờ Bạt Quận công Dương Trí Trạch còn lưu giữ nhiều hiện vật cổ, quý hiếm.

Năm 2021, Đền thờ Dương Trí Trạch được xếp hạng di tích cấp quốc gia. Năm 2024, tỉnh Hà Tĩnh tổ chức khắc bia đề tên các vị đỗ đại khoa nho học của tỉnh tại Văn Miếu Hà Tĩnh, trong đó có tên Tiến sĩ Dương Trí Dụng và Tiến sĩ Dương Trí Trạch.

Ngày nay, nói đến truyền thống giáo dục khoa cử Nho học Hà Tĩnh không thể không nhắc đến các danh nhân tiêu biểu như Dương Trí Dụng, Dương Trí Trạch, Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Thiếp, Phan Kính, Vũ Diệm, Nguyễn Nghiễm, Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ... Chính những con người này đã góp phần rất lớn trong việc tạo dựng, vun đắp nên bản sắc văn hóa đặc sắc của vùng đất Hồng Lĩnh - Lam Giang. Đồng thời họ cũng chính là những người đã đem văn hóa, trí tuệ của người Hồng Lam tỏa đi muôn nơi, đến cả chốn kinh kỳ và hòa cùng dòng chảy của văn hóa nhân loại.

[1]. Đại việt sử ký toàn thư, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2004, tr.235.

[2]. Đại việt sử ký toàn thư, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2004, tr.243.

[3]. Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2004, tr.258.

[4]. Ngô Đức Thọ, Văn Miếu Quốc Tử Giám và 82 bia Tiến sĩ, Nxb Hà Nội, 2010, tr.301.

[5]. Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2004, tr.257.

[6]. Ngô Đức Thọ, Văn Miếu Quốc Tử Giám và 82 bia Tiến sĩ, Nxb Hà Nội, 2010, tr.54.

[7]. Phan Huy Chú, Lịch triều Hiến chương loại chí, Nxb Trẻ, Hà Nội, 2014, tr.172.

[8]. Đại việt sử ký toàn thư, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2004, tr.263.

[9]. Phan Huy Chú, Lịch triều Hiến chương loại chí, Nxb Trẻ, 2014, 172.

Chủ đề Danh nhân Hà Tĩnh

Đọc thêm

Náo nức xuân sang

Náo nức xuân sang

Khi những cành đào bật nụ hồng tươi, mai vàng bung hoa rực rỡ và trên phố phường, đường quê tấp nập người đi lại, ấy là khi ngày tết Nguyên đán cận kề.
Hân hoan “chào” Tết

Hân hoan “chào” Tết

Khi những cây mai, cành đào “đua nhau” xuống phố, cũng là lúc người dân Hà Tĩnh trên mọi miền quê chung niềm háo hức chờ đón xuân mới ấm áp, an lành, hạnh phúc cùng niềm tin thắng lợi mới.
Thành Sen rực rỡ đón xuân

Thành Sen rực rỡ đón xuân

Thành Sen (Hà Tĩnh) hân hoan chào đón năm mới với cờ đỏ sao vàng tung bay, muôn hoa khoe sắc thắm, sắc xuân hiện lên trong từng ánh mắt, nụ cười rạng ngời của người dân.
Gìn giữ phong vị Tết

Gìn giữ phong vị Tết

Với người Việt, phong tục Tết cổ truyền không chỉ là “di sản” văn hóa vô giá mà còn là sợi dây kết nối giữa quá khứ, hiện tại, tương lai, giúp mỗi người hiểu hơn về cội nguồn dân tộc.
Rộn ràng câu hát mùa xuân

Rộn ràng câu hát mùa xuân

Cuối năm âm lịch, khi đào, mai bắt đầu bung nụ cũng là lúc các địa phương Hà Tĩnh dành nhiều tâm sức thực hiện các chương trình văn nghệ để biểu diễn phục vụ Nhân dân trong dịp Tết cổ truyền.
Thú chơi hoa ngày Tết

Thú chơi hoa ngày Tết

Chơi hoa, cây cảnh ngày Tết đối với người Việt, trong đó có người Hà Tĩnh không chỉ là nét văn hóa tao nhã mà còn mang ước muốn hướng tới những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống.
Diễn xướng “Duyên tình biển mặn”

Diễn xướng “Duyên tình biển mặn”

Tiết mục: Diễn xướng “Duyên tình biển mặn” (soạn lời và chỉnh lý: Văn Mạnh, Sỹ Chinh) do Đoàn nghệ thuật Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh Hà Tĩnh biểu diễn tại Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh tại Hà Tĩnh.
Chợ phiên - nét văn hóa truyền thống

Chợ phiên - nét văn hóa truyền thống

Tháng Chạp về, khi đào, mai bắt đầu ươm nụ trên những làng quê Hà Tĩnh, lòng tôi lại háo hức chờ đợi những buổi chợ phiên truyền thống, để được hòa mình trong không gian văn hóa quê hương.
Tỏa sáng di sản y học cổ truyền Hải Thượng Lãn Ông

Tỏa sáng di sản y học cổ truyền Hải Thượng Lãn Ông

Kế thừa, phát huy giá trị di sản y học cổ truyền của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, các bệnh viện, Hội Đông y Hà Tĩnh và cả nước ngày càng nâng cao hiệu quả hoạt động, khẳng định vai trò trong công tác chữa bệnh cứu người.
“Tấm căn cước” quý giá

“Tấm căn cước” quý giá

Nơi ấy, trên bản đồ hình chữ S của nước Việt ngàn năm là dải đất nhỏ hẹp, “đòn gánh gánh hai đầu đất nước”. Nơi ấy, bên dòng sông Lam trong xanh và núi Hồng sừng sững, những cư dân nhiều đời đã làm nên bao huyền thoại, tạo dựng một vùng văn hóa giàu bản sắc: văn hóa Hồng Lam. Đó là “tấm căn cước” quý giá, riêng có của Hà Tĩnh.
Dấu ấn cố hương trong “Thượng Kinh ký sự”

Dấu ấn cố hương trong “Thượng Kinh ký sự”

Tác phẩm “Thượng kinh ký sự” của Đại danh y Lê Hữu Trác bên cạnh trường đoạn nói về nỗi nhớ nơi ẩn cư ở quê mẹ ở Hương Sơn (Hà Tĩnh) là trường đoạn nói về nỗi nhớ cố hương da diết với rất nhiều hoài niệm.