Hà Tĩnh là vùng đất giàu văn hóa, các thế hệ cư dân trên dải đất Ngàn Hống đều yêu văn hóa và mỗi người lại tự chọn cho mình cách riêng để thể hiện tình yêu ấy. Trong đó, sự hình thành Nhóm Địa phương học (1991) do các cụ Nguyễn Bân, Võ Hồng Huy, Thái Kim Đỉnh, Lê Trần Sửu, Hồ Hữu Phước khởi xướng đã quy tụ nhiều người yêu văn hóa Hà Tĩnh trên toàn tỉnh, khơi nguồn sáng tạo cho nhiều cây bút.
Vẻ đẹp hồ Ngàn Trươi. Ảnh Đậu Đình Hà
Nhờ đó, khi các nhà nghiên cứu văn hóa biên soạn những cuốn dư địa chí địa phương hay thực hiện công trình nghiên cứu văn hóa đều có sự cộng tác nhiệt tình của các tác giả này. Trong đó, xuất hiện nhiều ở những công trình nghiên cứu của các cụ Võ Hồng Huy, Thái Kim Đỉnh và các cuốn dư địa chí các địa phương là những cây bút như: Võ Giáp, Bùi Thiết, Đặng Thanh Quê, Trần Huy Tảo, Đặng Viết Tường, Phạm Quang Ái, Nguyễn Trí Sơn...
Cụ Võ Giáp trò chuyện với tác giả bài viết.
Trong không khí ấm áp đầu năm mới, chúng tôi đã trở lại làng quê Xuân Hội thăm cụ Võ Giáp (SN 1935) - một trong những người có nhiều công trình, bài viết giá trị về vùng đất văn hóa Nghi Xuân. Trong căn nhà nhỏ giản dị của cụ Giáp, những chiếc giá sách được bày biện ngăn nắp, khoa học. Những cuốn sách như đang thầm kể về những năm dài gắn bó với một người có tình yêu sâu đậm với vốn cổ của miền đất thi nhạc. Xuất thân là thầy giáo, mãi đến khi về hưu (năm 1992), cụ Võ Giáp mới bắt đầu công việc của một nhà địa phương học.
Dù đã gần 90 tuổi nhưng cụ Võ Giáp vẫn miệt mài nghiên cứu.
Cụ chia sẻ: “Những năm tháng làm thầy giáo trên quê hương Nghi Xuân, trong những lần đến thăm nhà học trò, tôi được gặp rất nhiều bô lão, được nghe họ kể nhiều câu chuyện cổ của các làng, xã. Tôi thấy hay thì ghi lại nhằm phục vụ thêm cho quá trình dạy học của mình. Sau này, khi nghỉ hưu, tôi gặp các cụ Thái Kim Đỉnh, Võ Hồng Huy - những người có nhiều bài viết về văn hóa địa phương mà tôi rất thích đọc. Khi chia sẻ với các cụ nguồn tư liệu tôi có, các cụ đều khuyến khích tôi viết. Từ đó, tôi mới tự tin bắt đầu công việc này”.
Ngoài những bài viết được đưa vào các công trình nghiên cứu do các cụ Võ Hồng Huy, Thái Kim Đỉnh biên soạn thì cụ Võ Giáp còn in riêng một số cuốn và có rất nhiều bài đăng trên các tạp chí chuyên ngành. Tiêu biểu nhất là cuốn “Xã cổ Nghi Xuân” (được trao Giải thưởng Nguyễn Du năm 2015). Đây là cuốn sách cụ dành nhiều tâm huyết nhất, tư liệu được sưu tầm và khảo cứu trong suốt 20 năm. Cuốn sách cũng chính là nguồn tư liệu quý cho các xã ở Nghi Xuân trong quá trình biên soạn lịch sử địa phương.
Một số cuốn sách và công trình nghiên cứu của cụ Võ Giáp.
Bây giờ, khi đã gần 90 tuổi, sức khỏe kém nhiều nhưng cụ Võ Giáp vẫn không ngừng đọc và viết. Trong thư phòng của cụ vẫn ngồn ngộn những tư liệu cụ sưu tầm chưa được biên soạn, vẫn còn nhiều công trình nghiên cứu dang dở. “Hiện nay, tôi đang tập trung nghiên cứu về tục thờ cúng của người Việt Nam, một số vấn đề xung quanh Nguyễn Du và Truyện Kiều. Tôi còn nhiều dự định với văn hóa truyền thống của Hà Tĩnh và dân tộc lắm. Tôi sẽ còn làm cho đến khi tay không viết, mắt không đọc được nữa” - cụ Giáp chia sẻ.
Cũng xuất thân là giáo viên, gần đây, thầy Trần Quốc Thường - nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Biểu (Yên Hồ - Đức Thọ) được biết đến như một cây bút mới trong làng nghiên cứu văn hóa địa phương. Dù chưa từng tham gia bài viết nào trong các công trình nghiên cứu văn hóa của các bậc tiền bối nhưng thầy Thường đã có nhiều bài nghiên cứu đăng trên các báo, tạp chí, được giới nghiên cứu đánh giá cao.
Thầy Trần Quốc Thường bên một bến sông cổ ở làng Yên Hồ.
Thầy Thường chia sẻ: “Nghiệp viết lách của tôi được khơi nguồn từ nhà giáo, nhà địa phương học Lê Trần Sửu. Thầy Sửu là con rể làng Yên Hồ, trong nhiều lần thầy về quê khảo cứu văn hóa địa phương, tôi đã có cơ hội gặp gỡ, chuyện trò. Biết tôi yêu và tìm hiểu văn hóa làng, thầy Sửu động viên: “Yên Hồ có nhiều cái hay, em hãy viết”.
Và trên cơ sở những tư liệu đã sưu tầm, khảo cứu, tôi đã viết khá nhiều bài nghiên cứu, thể hiện quan điểm, góc nhìn của mình về những vấn đề lịch sử, văn hóa, các danh nhân, di tích không chỉ ở Yên Hồ mà còn nhiều vùng miền trên quê hương Hà Tĩnh. Trong đó, nổi bật như: Mối quan hệ giữa Nguyễn Biểu, Hồ Quý Ly và Nguyễn Trãi; Quả chuông ở chùa Chúc Thánh, một tư liệu lịch sử quý hiếm; Ba ông đội đất Yên Hồ thời Cần Vương; Nguyễn Biểu - vị sứ giả can trường; Sự tích ruộng Tiền Đồ; Cội nguồn của dòng họ Nguyễn Tiên Điền; Sử Hy Nhan có đỗ trạng nguyên không...
Từ những bài viết của mình, năm 2020, thầy giáo Trần Quốc Thường đã tập hợp và in thành cuốn “Một góc nhìn”. Cuốn sách thể hiện tình yêu của một nhà giáo với văn hóa, lịch sử quê hương, cho độc giả thấy được tinh thần tìm tòi, sáng tạo và thế giới quan luôn vận động của một cựu giáo chức. Có góc nhìn chưa hẳn chính xác nhưng đã tạo thêm một kênh tham khảo hữu ích cho độc giả và những người say mê nghiên cứu văn hóa địa phương.
“Tôi muốn giữ gìn và phát huy vốn cổ của quê hương Yên Hồ - Đức Thọ cũng như của Hà Tĩnh. Bởi vậy, ngoài việc đi điền dã để sưu tầm, nghiên cứu, viết lách, tôi còn có mục tiêu khác là khôi phục không gian văn hóa cổ cho làng quê Hà Tĩnh, trước hết là trên quê hương Yên Hồ. Hiện nay, tôi đang tiếp tục huy động nguồn lực để khôi phục một số ngôi chùa, bia dẫn tích và các bến đò ven sông. Tôi muốn các thế hệ trẻ của làng được cung cấp nhiều kiến thức hơn về văn hóa, lịch sử quê hương qua nhiều hình thức khác nhau” - thầy Thường bày tỏ.
Trò chuyện với các bô lão trong làng là một trong những cách “điền dã” của thầy Quốc Thường.
Việc nhận diện giá trị và phát huy vai trò của văn hóa ở mỗi địa phương là nhiệm vụ hết sức quan trọng trong chiến lược phát triển đất nước hiện nay. Tỉnh Hà Tĩnh luôn coi văn hóa là nguồn sức mạnh nội sinh, là nguồn lực để phát triển KT-XH và gia tăng sức mạnh mềm. Việc tìm tòi, nghiên cứu và khai thác các giá trị của văn hóa truyền thống có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển KT-XH.
Truyền thống văn hóa tốt đẹp có vai trò hun đúc nên tinh thần cộng đồng, tinh thần dân tộc, nếu không được bồi đắp, tiếp nối sẽ để lại nhiều hệ lụy về văn hóa và tâm hồn con người. Chính vì thế, các nhà địa phương học hay những người say mê nghiên cứu về văn hóa địa phương chính là một trong những nguồn lực quý báu. Thông qua những công trình, đề tài nghiên cứu của họ, nhiều giá trị văn hóa truyền thống được khơi dậy, phát huy mạnh mẽ trong đời sống.
Hiện nay, thế hệ đầu tiên của Nhóm Địa phương học Hà Tĩnh đều đã trở thành người thiên cổ nhưng tầm ảnh hưởng của các cụ vẫn còn tác động mạnh mẽ đến tư tưởng, hành động của các thế hệ làm công tác nghiên cứu địa phương. Trong các cơ quan, trường học, trong các làng quê vẫn có nhiều người nuôi dưỡng tình yêu, niềm say mê nghiên cứu văn hóa, nuôi dưỡng trách nhiệm với việc giữ gìn vốn cổ Hà Tĩnh. Họ chính những nhịp cầu nối đôi bờ tân - cổ trong dòng mạch văn hóa quê hương.