Danh nhân Hà Tĩnh với những đóng góp phát triển kinh tế cho quê hương, đất nước

(Baohatinh.vn) - Lịch sử của đất nước luôn ghi nhận những đóng góp của các tầng lớp trí thức khoa bảng người Hà Tĩnh. Họ là những người tài hoa trên nhiều lĩnh vực chính trị, quân sự, ngoại giao, triều chính, văn hóa, y học, thiên văn, địa lý… và phát triển kinh tế, xã hội ở các thời kỳ của lịch sử.

Người xứ Nghệ nói chung, các vị quan người Hà Tĩnh được cử giao trọng trách việc gì cũng đều hoàn thành tốt và luôn ghi dấu ấn cho sự phát triển.

Danh nhân Hà Tĩnh với những đóng góp phát triển kinh tế cho quê hương, đất nước

Non nước Hà Tĩnh. Ảnh: Nguyễn Thanh Hải

Sử Hy Nhan (?-1421) thi đỗ Trạng nguyên đời Trần, làm quan đến Nhập nội hành khiển, Đại học sỹ nhưng có thời gian ông lên vùng Sơn Long (Hương Sơn) và Ân Phú (Vũ Quang ngày nay) để khai khẩn đất đai, lập trại. Thời đó, quân Minh xâm lược nước ta, cha con ông (song trạng) thường bảo mọi người: “Muốn sống thì lên rú mà ở, muốn chết thì làm đầy tớ người Minh”.

Để tính kế lâu dài, hai trạng đã lên núi Tàng Sơn (vùng Sơn Long, Sơn Trà) khai phá đất đai. Từ 32 người là thầy và tớ, sau đó cả trăm người đã lập nên làng, nên trại đông đúc, ruộng nương được khai phá hàng nghìn mẫu, đời sống khá giả. Câu truyền ngôn nhiều người thuộc “Ruộng trăm vạn sào, nơi nào cũng thu được thóc. Dân ba mươi hai hộ đời đời nhớ ơn” (1).

Danh nhân Hà Tĩnh với những đóng góp phát triển kinh tế cho quê hương, đất nước

Đền thờ quan ngự sử Bùi Cầm Hổ tại thị xã Hồng Lĩnh. Ảnh: internet

Quan ngự sử Bùi Cầm Hổ (1390 - 1483) khi về già vận động Nhân dân đắp đập, đưa nước từ khe Thanh Khê chảy về cánh đồng rộng hàng nghìn mẫu ở vùng Quán Treo (Đậu Liêu, thị xã Hồng Lĩnh ngày nay). Nhờ thế mùa màng xanh tốt, Nhân dân nhớ ơn. Khi ông qua đời, Nhân dân lập đền thờ ở chân núi Bạch Tỵ (Hồng Lĩnh). Sách Thiên Nam ngữ lục đã đề cao ông như sau (dịch nghĩa): “Bùi Cầm Hổ làm quan chính trực/ Chẳng kinh gì những bậc thế quyền/ Tạo khe tưới ruộng hơn nghìn/ Để ơn tổ quán dựng đền Bạch Cao” (2).

Đình nguyên Thám hoa Phan Kính (1715 - 1761) xã Kim Song Trường, người am hiểu nhiều lĩnh vực về văn hóa, quân sự và kỹ nghệ. Khi nghiên cứu các loại tiền đúc Việt Nam cho thấy đồng tiền Cảnh Hưng do Phan Kính đúc ở Sơn Tây có kích thước mỏng, màu sáng, ít hoen ố của đồng, gọn nhẹ, mỹ thuật hơn các đồng tiền đúc khác. Bởi đồng tiền được đúc bằng hợp kim, đồng đỏ pha với thiếc. Còn các đồng tiền đúc của các triều đại khác thì chỉ đơn thuần là đồng, hoặc kẽm nên chất lượng và màu sắc kém hơn hẳn.

Danh nhân Hà Tĩnh với những đóng góp phát triển kinh tế cho quê hương, đất nước

Áo cẩm bào vua Càn Long Trung Quốc ban tặng Lưỡng Quốc Thám hoa Phan Kính và sắc phong. Ảnh: internet

Việc đúc tiền bằng hỗn hợp kim loại đó là sự đổi mới về chất của qui trình công nghệ, sáng tạo trong khoa học kỹ thuật của danh sỹ Phan Kính. Ông là người vừa tinh thông về công nghệ đúc tiền qua công thức chế tác kim loại, vừa là người biết tư duy kinh tế tiền tệ, sử dụng đồng tiền để phát triển sản xuất và thúc đẩy nền kinh tế. Từ năm Kỷ Tỵ đến năm Tân Mùi (1749 - 1751), dưới sự chỉ đạo của Phan Kính, đã đã có 10 vạn quan tiền được đúc để phục vụ chi tiêu cho 18 đạo quân của quốc gia và lưu thông toàn quốc (3).

Tiến sỹ Ngụy Khắc Tuần (1779 - 1854) ở xã Xuân Viên, huyện Nghi Xuân. Ông là danh thần triều Nguyễn, trải qua các chức Tuần phủ lên Tổng đốc rồi thăng Thượng thư bộ Hộ, hàm Hiệp biện Đại học sỹ, luôn được nhà vua tin dùng. Thời ông làm Tổng đốc Sơn Hưng Tuyên, được vua Minh Mạng ban bài thơ khen, có câu (dịch nghĩa): “Một vùng vui thấy đường râm bóng/ Ba trấn mừng khen lúa bội thu”.

Năm Thiệu Trị thứ nhất, Ngụy Khắc Tuần dâng sớ xin đặt phủ Điện Biên, ông viết: “Đồn châu ấy không có thành trì vững chắc, sức binh thì yếu và ít, không đủ dùng; dân cư thì không thành thôn trại gì, vừa mới nghe tin giặc đến đã chạy trốn liền ngay. Nếu không qua một phen xếp đặt, thì mối lo ở cõi ven, còn chưa trừ hết được. Huống chi châu ấy rộng, người ít lại ở thượng du, làm phên cho 10 châu phía bắc sông Đà, thì không có gì bằng mộ dân đến nơi ấy cho đông để tự phòng thủ lấy, mới là kế sách lâu dài...”

Danh nhân Hà Tĩnh với những đóng góp phát triển kinh tế cho quê hương, đất nước

Điện Biên Phủ hôm nay. Ảnh: internet

Nhà vua nghe và xuống dụ rằng: Ngụy Khắc Tuần muốn tổ chức dân cư, mở thành một phủ, có công kiến nghị ra trước, giao Bộ Lại xét công khen thưởng. Đồng thời nhà vua còn cho ghi sáng kiến và công lao của ông vào bia đá, dựng ở phủ Điện Biên.

Một con người với tài kinh bang tế thế, nổi tiếng thiên hạ đó là Nguyễn Công Trứ (1778 - 1858). Ông là doanh điền sứ, nhà khẩn hoang tài ba nửa đầu thế kỷ thứ XIX. Ông có công lao mở đất lập nên huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình và huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình.

Danh nhân Hà Tĩnh với những đóng góp phát triển kinh tế cho quê hương, đất nước

Chân dung danh nhân Nguyễn Công Trứ. Minh họa từ internet

Trong lịch sử Việt Nam, khai hoang có tầm quan trọng đặc biệt. Là một nước có nền kinh tế nông nghiệp là chủ yếu, ngay từ thời xa xưa ông cha ta đã tận dụng nguồn lợi tự nhiên để không ngừng mở rộng diện tích canh tác. Nguyễn Công Trứ là người đề xuất chủ trương khai hoang với hình thức doanh điền.

Về phương diện tổ chức, kỹ thuật khai hoang, Nguyễn Công Trứ tỏ ra là một nhà khẩn hoang tài ba, lỗi lạc. Ông đã biết qui hoạch làng, ấp một cách hợp lý, đảm bảo quyền lợi cho người khai hoang, có sự động viên, khích lệ kịp thời. Đó là tầm nhìn xa trông rộng, thấm đẫm nhân văn của một nhà chiến lược tài giỏi về kinh tế.

Danh nhân Hà Tĩnh với những đóng góp phát triển kinh tế cho quê hương, đất nước

Đền thờ Nguyễn Công Trứ tại Nghi Xuân - Hà Tĩnh.

Ở nhiều thời kỳ lịch sử, các nhà khoa bảng, danh nhân Hà Tĩnh đã góp phần vào công cuộc chấn hưng đất nước, phát triển kinh tế, giữ yên bờ cõi. Công trạng của họ đã ghi vào sử sách, được đương thời ngợi ca. Hậu thế hôm nay luôn tự hào, biết ơn tiền nhân đã làm nên quá khứ huy hoàng, cho tương lai rạng rỡ.

(1). Theo Danh nhân Hà Tĩnh T.1.Bài viết của Thái Kim Đỉnh. NXB ĐH Vinh- 2013. Trg 19-25

(2). Theo Từ điển nhân vật xứ Nghệ - Ninh Viết Giao. NXB Tổng hợp Tp HCM 2008. Trg 90-91

(3). Theo sách Danh nhân Phan Kính – NXB Khoa học xã hội. Hà Nội tháng 10/1999. Trg 126-128.

Chủ đề Danh nhân Hà Tĩnh

Đọc thêm

Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Mang theo hồi ức của cha ông, tôi tìm về những làng quê ví, giặm xứ Nghệ - Tĩnh, để lắng nghe và cảm nhận không gian đời sống văn hóa xưa - nay trên 2 miền quê hương đôi bờ sông Lam (Hà Tĩnh - Nghệ An).
Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Những thủ lĩnh “thắp sáng” phong trào phụ nữ ở Hà Tĩnh

Bằng tâm huyết và những cách làm sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, chị Phạm Thị Hương - Chủ tịch Hội LHPN huyện Kỳ Anh và chị Trần Thị Nguyệt - Chủ tịch Hội LHPN Can Lộc (Hà Tĩnh) đã được Trung ương Hội LHPN Việt Nam trao tặng các phần thưởng cao quý.
“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí…”

“Đất này mẹ dạy con, yêu anh hùng nghĩa khí/ Giữ lòng đỏ như son/ Nuôi thù sâu tận bể”. Những câu thơ trong bài “Gửi bạn người Nghệ Tĩnh” của nhà thơ Huy Cận đã đúc kết tinh thần yêu nước bao đời nay của con người và vùng đất xứ Nghệ, trong đó có Hà Tĩnh.
"Ông tơ bà Nguyệt" se duyên cho người dân tộc Chứt

"Ông tơ bà Nguyệt" se duyên cho người dân tộc Chứt

Những cuộc giao lưu, hẹn hò do BĐBP Hà Tĩnh kết nối đã vun đắp nên nhiều mối tình đẹp cho người dân tộc Chứt ở bản Rào Tre, góp phần đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống
Talkshow: Quán quân Sao Mai xứ Nghệ Hoàng Thu Hà - "Cháy" cùng đam mê

Talkshow: Quán quân Sao Mai xứ Nghệ Hoàng Thu Hà - "Cháy" cùng đam mê

Sở hữu giọng hát ngọt ngào, sâu lắng nhưng cũng đầy nội lực cùng ngoại hình xinh đẹp, nữ ca sĩ GenZ Hoàng Thu Hà (quê Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đã xuất sắc vượt qua các vòng thi của Sao Mai xứ Nghệ 2024 để đoạt giải quán quân một cách đầy thuyết phục.
7 năm cõng bạn vào lớp

7 năm cõng bạn vào lớp

Trong suốt 7 năm, hành trình gắn bó với con chữ của Lê Xuân Thịnh Hưng (lớp 10A6, Trường THPT Kỳ Anh, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) luôn có sự đồng hành của 2 bạn Đức Công và Nhật Hào.
Những tài năng nhí tỏa sáng cùng ví, giặm

Những tài năng nhí tỏa sáng cùng ví, giặm

Những làn điệu ví, giặm ngọt ngào đang ngày ngày được lan tỏa nhờ các tài năng nhí ở Hà Tĩnh. Giọng hát của các em góp phần gìn giữ, phát huy giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của quê hương.
Tuổi cao nêu gương sáng

Tuổi cao nêu gương sáng

Không chỉ có lối sống mẫu mực, giáo dục con cháu sống hiếu thuận, nhiều người cao tuổi ở Hà Tĩnh còn đi đầu, bước trước, thể hiện vai trò nêu gương sáng trong cộng đồng.
Vì sao cần có công trình về địa chí Hà Tĩnh?

Vì sao cần có công trình về địa chí Hà Tĩnh?

Hà Tĩnh là vùng đất cổ, có bề dày về truyền thống lịch sử, văn hóa, chính trị... nhưng đến nay vẫn chưa có công trình địa chí tổng quan về văn hóa, con người núi Hồng, sông La.