Thiếu ý thức kỷ luật
Xưởng sản xuất của Công ty TNHH Núi Hồng (Hồng Lĩnh) bắt đầu làm việc lúc 7h, khi quản đốc đi kiểm tra nhân lực thì phát hiện một vài vị trí trống. Vì sản xuất theo dây chuyền nên chưa đủ người thì không thể tiến hành, buộc quản lý phải cấp tốc bố trí người thay thế. 8h mới thấy những người đó đến công ty và lý do của họ là: Do “gia đình có chút việc”, “hỏng xe”…
Nhiều doanh nghiệp phải lên kế hoạch tuyển bổ sung để bù cho số lao động tự ý nghỉ việc
Ông Nguyễn Ngọc Dương – Giám đốc công ty lắc đầu ngán ngẩm: “Việc lao động đi muộn, về sớm không báo trước diễn ra thường xuyên. Đó là chưa kể trong thời gian làm việc, nhiều công nhân không chú tâm, lo làm việc riêng, nói chuyện ồn ào ảnh hưởng đến tiến độ công việc và các bộ phận xung quanh. Lợi ích của doanh nghiệp (DN) không được họ coi trọng đã đành, nhiều khi đến cả quyền lợi của bản thân họ cũng không mấy quan tâm. Ví dụ như chấp hành quy định về bảo hộ lao động, đóng nộp BHXH…”.
Trao đổi với nhiều DN về vấn đề này, hầu hết các chủ DN đều có chung nhận định là ý thức chấp hành kỷ luật của lao động địa phương còn kém. Bên cạnh việc vi phạm giờ giấc làm việc, tình trạng mất cắp tài sản, lãng phí nguyên vật liệu diễn ra rất nhiều tại các nhà máy sản xuất. Một số công nhân, lao động thường lợi dụng giờ nghỉ trưa hoặc giao ca, giấu nguyên vật liệu hoặc thành phẩm trong người để mang ra ngoài. Dù nhiều công ty cũng có những biện pháp như kiểm tra trước khi tan ca, nhưng chỉ mang tính hình thức cảnh báo và chỉ hạn chế được phần nào. Họ không ý thức được rằng, tài sản họ lấy cắp có thể giá trị không lớn nhưng với những đơn hàng đã chốt số lượng thì việc giao thiếu một vài sản phẩm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của công ty.
Thiếu nhân lực trong một số ngành do lao động không gắn bó với công việc đã khiến DN gặp nhiều khó khăn trong quá trình sản xuất. Ông Bùi Tất Thắng – Giám đốc Công ty CP May Hà Tĩnh chia sẻ: “Với 92% lao động nữ, phần lớn trình độ học vấn không cao, kiến thức và sự va chạm xã hội hạn chế nên ý thức trách nhiệm là cả một vấn đề. Chưa kể đến, các chị em ở độ tuổi 18-20 (đang trong giai đoạn học nghề) thì thường bị tình cảm chi phối, ảnh hưởng lớn đến công việc; những chị em ở độ tuổi lớn hơn, tay nghề vững hơn thì lại lập gia đình, thai nghén, vướng bận con cái nên sẵn sàng bỏ việc để ở nhà. Do vậy, nhân lực luôn là vấn đề mà chúng tôi gặp phải trong quá trình sản xuất, đặc biệt là sau các dịp nghỉ lễ, tết”.
Tư duy “ngắn hạn”
Lao động Hà Tĩnh, đặc biệt là lao động phổ thông không chỉ bị coi là thiếu chuyên nghiệp mà còn được đánh giá là hạn chế về trình độ so với các tỉnh khác. Tuy nhiên, có vẻ như phần lớn người lao động Xứ Nghệ không tự ý thức hoặc biết nhưng chưa khắc phục được yếu kém đó. Điều này được thể hiện khá rõ ở việc nhiều lao động luôn “đứng núi này trông núi nọ”, trong khi năng lực của bản thân có hạn. Nóng vội, không kiên trì theo đuổi mục tiêu, không có ý thức rèn luyện, học hỏi để trau dồi tay nghề, nhiều lao động đã không chấp nhận mức lương thỏa thuận từ thấp đến cao, mà muốn “một phát ăn ngay”.
Công ty cổ phần May Hà Tĩnh là một trong những đơn vị luôn “đau đầu” về vấn đề công nhân tự ý nghỉ việc.
Là một trong những DN được đánh giá có mức trả thù lao khá cao cho người lao động, tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Biên - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Tiến Minh (TX Kỳ Anh) vẫn phải ngậm ngùi khi nhiều công nhân sau quá trình đào tạo, học việc tại công ty đã bỏ việc. “Chúng tôi không tiếc khi trả lương rất cao cho những công nhân có tay nghề vững vàng và gắn bó lâu dài với công ty. Bởi để những công nhân kỳ cựu có được ngày hôm nay là cả một quá trình nỗ lực của bản thân họ và DN. Những người không kiên trì, chịu khó đã bỏ cuộc ở nơi này thì cũng sẽ chóng chán và bỏ ngang ở một đơn vị khác khi họ gặp những thử thách. Điều đó không chỉ lãng phí thời gian, chi phí đào tạo của DN mà còn mất đi nhiều cơ hội của người lao động”.
Chia sẻ của giám đốc một DN tại TP Hà Tĩnh còn cho ta thấy một góc nhìn khác trong tư duy “ngắn hạn” của lao động địa phương. Trong một lần về quê, ông bác họ nhờ anh “kiếm cho thằng cả nhà bác việc gì để nó làm chứ học xong 2 năm rồi mà cứ lêu lổng cả ngày”. Anh đồng ý cho đứa cháu thử việc tại công ty với mức lương khởi điểm 2,5 triệu đồng/tháng. Nhẩm tính một lúc, ông bác phán: “Tính ra ngày chưa được trăm bạc. Thôi, cho nó ở nhà chơi cho khỏe!”.
Đây có lẽ cũng không phải là câu chuyện hiếm ở các làng quê hiện nay khi mà tư tưởng đó đã trở nên “thâm căn cố đế” trong tư duy của nhiều thế hệ. Điều này cũng thể hiện ngay từ giai đoạn chọn trường, chọn ngành nghề để theo học. Thay vì học cái xã hội cần thì một bộ phận lớn thanh niên ngày nay chọn học cái mình thích và tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” diễn ra phổ biến. Trong khi những người học nghề ra trường có việc làm với mức lương ổn định, thì không ít người “làm thầy” thất nghiệp với tấm bằng đại học trong tay.
Rõ ràng, sự “bám rễ” tư tưởng bảo thủ, “sĩ diện” của một bộ phận lớn lao động Xứ Nghệ đã trở nên tụt hậu, lỗi thời trong xã hội ngày nay. Thông tin 7 huyện của Hà Tĩnh nằm trong nhóm nguy cơ cao bị đình chỉ lao động sang Hàn Quốc, một số thị trường lao động từ chối lao động đến từ Nghệ An, Hà Tĩnh… cũng khiến chúng ta phải suy nghĩ khi lao động địa phương đang dần đánh mất thương hiệu của mình chỉ vì lợi ích cá nhân.