Châu Á - Thái Bình Dương là nơi sinh sống của 60% dân số thế giới, cũng là vùng dễ xảy ra thiên tai nhất trên toàn cầu. Năm ngoái, thiên tai cướp đi sinh mạng 4.987 người và ảnh hưởng khoảng 34,5 triệu người dân nơi đây.
Tháng trước, Liên Hiệp Quốc cảnh báo thiên tai sẽ tàn phá nhiều hơn tại khu vực này, đồng thời kêu gọi các quốc gia ở đây đầu tư vào các kế hoạch phục hồi.
Cùng điểm lại những trận bão gây chết người nhiều nhất châu Á từ thập niên 1970 đến nay:
Bão Bhola tháng 11-1970 (Pakistan)
Gia súc chết la liệt sau bão Bhola - Ảnh: Getty
Ngày 12-11-1970, cơn bão nhiệt đới Bhola đổ bộ vào đông Pakistan (Bangladesh ngày nay). Đây là một trong những cơn bão nhiệt đới mạnh nhất được ghi nhận trong lịch sử.
Sức gió lúc mạnh nhất của bão lên đến 185 km/h và giật đến 220 km/h. Ở vùng cảng biển Chittagong, đỉnh triều cường lên cao đến 4m so với mặt nước biển.
Bão đã quét sạch 13 hòn đảo trong vùng biển lân cận Chittagong. Có 300.000-500.000 người thiệt mạng do bão gây lũ lụt làm ngập vùng châu thổ sông Hằng và 3,6 triệu người chịu ảnh hưởng trực tiếp từ cơn bão.
Thiệt hại vật chất lên đến 529 triệu USD (tính theo trị giá USD năm 2015), trong đó thiệt hại về ngư nghiệp là 9.000 tàu cá bị bão nhấn chìm ngoài khơi và 46.000 sinh mạng ngư dân (kể cả số ở trên bờ), về nông nghiệp là 63 triệu USD kèm theo 280.000 gia súc bị chết...
Bão Nina tháng 8-1975 (Trung Quốc)
Bão Nina năm 1975 làm vỡ đập - Ảnh: meteocity.com
Ngày 4-8-1975, bão Nina đổ bộ vào Đài Loan với sức gió 185 km/h và giật đến 222 km/h làm sập 3.000 căn nhà.
Sau đó, nó băng qua eo biển Formosa vào lục địa Trung Quốc và hoành hành trên địa phận các tỉnh Phúc Kiến, Giang Tây, Hồ Nam và Hà Nam từ ngày 5 đến 7-8-1975.
Bão gây ra những trận mưa cực lớn với lượng nước mưa đo được lúc đỉnh điểm lên đến 1,06m/24 giờ, gây lũ lớn phá vỡ con đập ngăn lũ Bản Kiều ở Hà Nam và làm vỡ liên hoàn 61 con đập khác.
Với sức chứa 493 triệu m3, vụ vỡ đập Bản Kiều làm nước thoát ra từ đập với lưu lượng lên đến 78.000 m3/giây, tổng lượng nước lũ lên đến 700 triệu m3 chỉ trong vòng 6 tiếng đồng hồ. Trận lũ tàn phá một vùng có diện tích 385 km2 và gây ngập tạm thời cho 12.000 km2 đất đai.
Ước tính số người chết vì trận lũ này lên đến 229.000 người và hơn 11 triệu người chịu ảnh hưởng, thiệt hại vật chất ước tính 1,2 tỉ USD.
Bão BOB1 tháng 4-1991 (Bangladesh)
Bão B0B1 năm 1991 tàn phá ở Bangladesh - Ảnh: theweathernetwork.com
Trước năm 2004, các cơn bão ở vùng bắc Ấn Độ Dương không được đặt tên, do đó Trung tâm Khí tượng khu vực thuộc Tổ chức Khí tượng thế giới khi phát ra cảnh báo về cơn bão này gọi nó là BOB1 (còn Trung tâm cảnh báo bão của Không quân - Hải quân Hoa Kỳ gọi là O2B).
Đêm 29-4-1991, bão đổ bộ vào vùng Chittagong, nơi từng bị cơn bão Bhola tàn phá năm 1970, sức gió lên đến 240 km/h.
Bão góp phần gây triều cường cao đến 6m ở vùng ven biển và lũ lớn trên diện rộng làm chết 138.000 người, tàn phá 1 triệu căn nhà khiến 10 triệu người không còn nhà ở.
Nó phá hủy 90% hoa màu đang canh tác cũng như toàn bộ tàu thuyền đánh cá vùng Chittagong và lân cận. Tổng thiệt hại vật chất lên đến 2,6 tỉ USD (quy trị giá thời điểm 2015).
Bão Nargis tháng 5-2008 (Myanmar)
Bão Nargis gây thiệt hại nặng ở Myanmar năm 2008 - Ảnh: AP
Ngày 2-5-2008, bão Nargis tiến vào Miến Điện (tên gọi lúc đó là Burma, tức Myanmar ngày nay) với sức gió lên đến 190 km/h, tàn phá vùng châu thổ sông Irrawaddy và làm chết ít nhất 138.000 người.
Đây là con số thống kê của chính quyền quân sự thời đó, còn các nhà quan sát quốc tế cho rằng con số thực sự cao hơn rất nhiều. Cơn bão gây thiệt hại vật chất ước tính 10 tỉ USD.
Tại Việt Nam, một trong những cơn bão có sức tàn phá khủng khiếp nhất, được nhắc đến nhiều nhất là cơn bão đổ bộ vào Hải Phòng ngày 8-10-1881.
Thời đó chưa có quan trắc khí tượng hiện đại và hệ thống đặt tên bão như hiện nay nhưng nếu tính theo thang bậc được sử dụng hiện tại ở nước ta, cơn bão này đạt sức gió cấp 13-14 (149-166 km/h).
Bão đã gây triều cường làm ngập toàn bộ thành phố Hải Phòng và ngập sâu vào nội địa đến 16km. Ước tính hơn 300.000 người chết trực tiếp do bão lũ và rất nhiều người dân chết sau đó do dịch bệnh lan tràn và đói rét.