Tàu ngầm Nanggala-402 của Hải quân Indonesia cùng 53 thành viên thủy thủ đoàn mất tích hôm 21/4 trong lúc tham gia diễn tập trên biển Bali. Hiện tại chiến dịch tìm kiếm đang được thực hiện ở vùng biển cách đảo Bali 96 km, sau khi phát hiện vệt dầu loang tại nơi con tàu xuất phát.
Tàu ngầm Kursk của Nga ở Biển Barent trước vụ tai nạn tháng 8/2000 khiến 118 người thiệt mạng. Ảnh: Getty
Tàu ngầm KRI Nanggala-402 được chế tạo tại Đức vào năm 1978, được đưa vào hoạt động trong Hải quân Indonesia năm 1981.
Hải quân Indonesia nghi ngờ tàu ngầm KRI Nanggala 402 mất tích do sự cố mất điện hoặc sự cố từ thùng nhiên liệu khiến tàu ngầm mất kiểm soát và không thể thực hiện các thủ tục khẩn cấp.
Indonesia đã từng vận hành một hạm đội 12 tàu ngầm mua của Liên Xô, nhưng hiện nay chỉ còn một hạm đội 5 chiếc, bao gồm 2 tàu ngầm Type 209 do Đức chế tạo và 3 tàu mới hơn của Hàn Quốc. Đây là tai nạn đầu tiên đối với tàu ngầm của quân đội Indonesia. Trước đó, đã có những vụ tai nạn tàu ngầm đáng tiếc xảy ra với một số nước.
Cháy tàu ngầm Losharik
Vụ cháy xảy ra trên tàu ngầm nghiên cứu nước sâu chạy năng lượng hạt nhân Losharik của Nga vào tháng 7/2019 khiến 14 thủy thủ thiệt mạng. Khi sự việc xảy ra, con tàu đang hoạt động ở dưới đáy biển sâu, trong khu vực lãnh hải của Nga. Theo các thông tin, có 5 người trên tàu sống sót sau vụ tai nạn này. Tàu ngầm Losharik sau đó được sửa chữa và khôi phục.
Tàu ngầm ARA San Juan của Argentina mất tích
Tháng 11/2017, tàu ngầm chạy điện - diesel đã mất tích ở khu vực Vịnh San Jorge. Sau các nỗ lực tìm kiếm và giải cứu suốt nhiều tuần, các cơ quan chức năng tuyên bố rằng con tàu đã mất tích cùng với 44 người trên tàu. Xác tàu ngầm ARA San Juan được phát hiện ở khu vực cách thành phố cảng Comodoro Rivadavia 460km về phía đông nam.
Vụ nổ trên tàu ngầm INS Sindhurakshak
Các vụ nổ xảy ra sau một đám cháy trên tàu ngầm Sindhurakshak của Lực lượng tàu ngầm hải quân Ấn Độ (INS), khi đó đang chở đầu đạn, ngư lôi và tên lửa, khiến nó bị chìm vào tháng 8/2013. Đám cháy đã được dập tắt, nhưng nó gây ra các vụ nổ liên hoàn và khiến 18 thủy thủ thiệt mạng.
Tàu ngầm AS-28 báo động khẩn cấp
Ngày 5/8/2005, một tàu cứu hộ của Nga, tàu ngầm Priz AS-28 cùng thủy thủ đoàn 7 người bị mắc kẹt ở độ sâu 190 mét dưới mặt nước biển sau khi chân vịt mắc vào đường dây cáp dưới biển. Các thủy thủ đoàn bị mắc kẹt trong bóng tối trên con tàu giá lạnh và mức cung cấp oxy xuống thấp. 3 ngày sau đó, tàu ngầm Priz AS-28 cùng các thủy thủ được giải cứu khi một tàu ngầm cứu hộ của Anh cắt được dây cáp khỏi con tàu gặp nạn.
Vụ va chạm tàu ngầm USS San Francisco
Tháng 1/2005, tàu ngầm lớp Los Angeles USS San Francisco va vào một ngọn núi dưới đáy biển ở gần quần đảo Marian, cách đảo Guam 560km về phía Nam, trong hành trình cao tốc tới Australia. Một trong số các thủy thủ đã thiệt mạng vì bị thương nặng và 97 người khác bị thương. Vụ va chạm khá nghiêm trọng và tàu ngầm này suýt bị chìm.
Tai nạn tàu ngầm lớp Ming
70 nhân viên hải quân và thủy thủ đoàn Trung Quốc đã thiệt mạng, chủ yếu là do ngạt thở, trong vụ tai nạn của tàu ngầm lớp Ming khi đang tiến hành diễn tập ở phía đông đảo Neichangshan tháng 5/2003. Chính phủ Trung Quốc nói rằng vụ tai nạn là do “các vấn đề về kỹ thuật”.
Thảm họa tàu ngầm Kursk
Ngày 12/8/2000, tàu ngầm tên lửa dẫn đường K-141 Kursk bị chìm dưới đáy biển Barents sau khi xảy ra 2 vụ nổ bên trong khoang tàu. Toàn bộ 118 người trên chiếc tàu ngầm chạy năng lượng hạt nhân nàu đều thiệt mạng. Sau khi đưa thi thể các nạn nhân đã thiệt mạng ra khỏi tàu ngầm, các cơ quan chức năng cho biết, 23 thủy thủ đã sống sót sau các vụ nổ ban đầu, nhưng sau đó đã chết do ngạt thở.
Chìm tàu ngầm K-8
Một vụ cháy xảy ra trên tàu ngầm tấn công K-8 của Liên Xô vào tháng 4/1970 đã làm vô hiệu hóa con tàu đang hoạt động ở Vịnh Biscay, buộc các thủy thủ phải rời bỏ tàu. Các thủy thủ trở lại tàu ngầm sau khi tàu giải cứu tới. Tuy nhiên tàu ngầm cùng 52 người trên đó đã chìm khi nó được kéo vào vùng biển động.