Niger cho phép Burkina Faso, Mali can thiệp nếu bị tấn công

Chính quyền quân sự Niger cho biết sẽ ủy quyền cho quân đội Burkina Faso và Mali can thiệp trong trường hợp nước này "bị tấn công".

Ngoại trưởng Burkina Faso Olivia Rouamba và người đồng cấp Mali Abdoulaye Diop ngày 24/8 tới thủ đô Niamey gặp tướng Abdourahamane Tiani, lãnh đạo chính quyền quân sự Niger sau cuộc đảo chính tháng trước. Phó tổng thư ký Bộ Ngoại giao Niger thông báo ngoại trưởng ba nước đã hoan nghênh việc ký lệnh cho phép quân đội Burkina Faso và Mali “can thiệp vào lãnh thổ Niger trong trường hợp bị tấn công”.

“Các ngoại trưởng Burkina Faso và Mali tái khẳng định phản đối can thiệp vũ trang chống lại người dân Niger, hành động này sẽ bị coi là lời tuyên chiến”, tuyên bố chung của ba bên cho hay.

Lực lượng cận vệ tổng thống Niger dưới quyền chỉ huy của tướng Tiani ngày 26/7 tiến hành đảo chính, lật đổ tổng thống Mohamed Bazoum. Tướng Tiani sau đó trở thành người đứng đầu chính quyền quân sự, bất chấp sự phản đối của Cộng đồng Kinh tế Các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) và các nước phương Tây.

Niger là quốc gia thứ tư ở Tây Phi xảy ra đảo chính kể từ năm 2020, sau Burkina Faso, Guinea và Mali. Chính quyền quân sự Burkina Faso và Mali đã nói rằng bất kỳ sự can thiệp quân sự nào vào Niger sẽ bị coi là “tuyên chiến” với họ.

“Nếu xảy ra cuộc tấn công nhằm vào đất nước chúng tôi, đó sẽ không phải chuyện dễ dàng như nhiều người vẫn nghĩ”, tướng Tiani cảnh báo trong bài phát biểu trên truyền hình ngày 19/8.

Người ủng hộ đảo chính tập trung tại thủ đô Niamey, Niger ngày 3/8. Ảnh: AFP

Các lãnh đạo quân đội ECOWAS tuần trước thống nhất được ngày có thể bắt đầu can thiệp vào Niger nếu các biện pháp ngoại giao thất bại, nhưng không tiết lộ thời điểm cụ thể.

Khối trước đó áp đặt nhiều biện pháp cấm vận kinh tế nhằm vào Niger, bao gồm cắt đứt giao dịch tài chính và nguồn cung cấp điện, đồng thời đóng biên giới và ngăn cản quá trình nhập khẩu nhiều mặt hàng thiết yếu cho một trong những nước nghèo nhất thế giới. Ông Tiani lên án đây là những biện pháp “phi pháp” và “vô nhân đạo”.

Hầu hết 15 quốc gia thành viên của ECOWAS đều sẵn sàng tham gia lực lượng thường trực có thể can thiệp vào Niger, trừ Cape Verde và những nước do chính quyền quân sự lãnh đạo, bao gồm Mali, Burkina Faso và Guinea. Đài phát thanh quốc gia Algeria cuối ngày 21/8 cho biết nước này phản đối bất kỳ hành động quân sự nào từ bên ngoài vào Niger, ủng hộ biện pháp ngoại giao để khôi phục trật tự hiến pháp ở Niamey.

Bất kỳ biện pháp sử dụng vũ lực nào cũng có thể gây bất ổn hơn nữa cho khu vực Sahel nghèo khó của Tây Phi, nơi cuộc chiến kéo dài với các nhóm vũ trang đã cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người.

Niger cũng có tầm quan trọng chiến lược vượt ra ngoài Tây Phi nhờ trữ lượng uranium và dầu mỏ cao, cũng như vai trò là nơi đồn trú cho quân đội nước ngoài tham gia cuộc chiến chống lại các nhóm vũ trang liên hệ với al-Qaeda và Nhà nước Hồi giáo tự xưng.

Vị trí Niger và vùng Sahel. Đồ họa: AFP

Theo VNE

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói