Là cơ sở y tế chuyên khoa tuyến tỉnh nên trong đại dịch vừa qua, Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh đã tiếp nhận, điều trị nhiều bệnh nhân mắc COVID-19 trên địa bàn. Dịch bệnh qua đi, bệnh viện lại đối mặt với nhiều khó khăn do thiếu vật tư, hóa chất, thuốc, cơ sở hạ tầng bị xuống cấp, nhiều thiết bị, máy móc bị hư hỏng, ảnh hưởng lớn đến hoạt động chuyên môn. Trong bối cảnh khó khăn đó, tập thể cán bộ, y, bác sỹ bệnh viện đã nỗ lực, đoàn kết vượt qua khó khăn, thực hiện tốt công tác chăm sóc và điều trị cho người bệnh.
Toàn cảnh Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh.
Năm 2023, Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh tiếp nhận trên 5.525 lượt bệnh nhân đến thăm khám, điều trị, trong đó có trên 3.389 bệnh nhân điều trị nội trú và trên 2.136 bệnh nhân ngoại trú. Công suất giường bệnh trên 91%. Khác với các cơ sở y tế trên địa bàn, bệnh nhân tại Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh chủ yếu là người lớn tuổi. Bệnh viện điều trị các mặt bệnh liên quan đến phổi như: ung thư phổi, phổi tắc nghẽn mãn tính, hen suyễn, viêm phế quản, nấm phổi, tràn khí màng phổi, lao...
Bác sỹ Nguyễn Đức Quảng - Giám đốc Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh chia sẻ: “Do các mặt bệnh phức tạp nên việc điều trị thường phải kéo dài khiến nhiều người bệnh gặp không ít khó khăn. Chính vì vậy, các y, bác sỹ đã đồng hành, sẻ chia và phục vụ tận tình, chu đáo, trách nhiệm để khích lệ, động viên tinh thần người bệnh và người nhà”.
Ông N.T.M (62 tuổi, huyện Nghi Xuân) bị bệnh lao điều trị tại Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh chia sẻ: “Mỗi đợt điều trị tại bệnh viện thường kéo dài từ 3 tuần đến 1 tháng. Trong khoảng thời gian đó, người nhà không phải lúc nào cũng ở bên cạnh. Đáng quý là đội ngũ y, bác sỹ ở bệnh viện rất quan tâm. Ngoài việc thường xuyên xuống thăm khám, chuyện trò, động viên, các y, bác sỹ còn hỗ trợ, giúp đỡ chúng tôi rất nhiều. Nhờ sự quan tâm tận tình nên gia đình rất yên tâm khi tôi điều trị tại đây”.
Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh đang nỗ lực nâng cao chất lượng chăm sóc, điều trị.
Cùng với chăm sóc, điều trị cho người bệnh, Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh còn gánh vác trọng trách thực hiện Chương trình phòng, chống lao trên phạm vi toàn tỉnh. Để thực hiện thành công các mục tiêu duy trì tỷ lệ điều trị thành công các ca bệnh lao trên 90%, duy trì tỷ lệ mắc lao kháng thuốc dưới 3% đối với các trường hợp nhiễm lao mới, đơn vị đã tăng cường hoạt động phối hợp lao - HIV và hoạt động y tế công tư trong phòng, chống lao; triển khai việc giám sát lao tuyến huyện; cung ứng kịp thời thuốc và vật tư chương trình chống lao cho các đơn vị y tế.
Năm 2023 qua đi nhưng những khó khăn của bệnh viện vẫn còn đó, nhất là cơ sở vật chất cũ kỹ, xuống cấp; bệnh viện chưa có các thiết bị chất lượng cao như: chụp CT, nội soi dạ dày, chạy thận nhân tạo, xe chụp XQ di động; việc thu hút, tuyển dụng bác sỹ gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, sự phối hợp thực hiện hoạt động của các đơn vị tuyến dưới trong Chương trình phòng, chống lao chưa thực sự hiệu quả; việc tập huấn và triển khai khám, chữa bệnh để phát hiện sớm bệnh lao cho người dân tại cơ sở chưa được triển khai... Tất cả những khó khăn đó đang là lực cản đối với việc phát triển chuyên sâu của Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh.
Bác sỹ Nguyễn Đức Quảng - Giám đốc Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh.
Chặng đường sắp tới, tập thể cán bộ, y, bác sỹ bệnh viện sẽ tiếp tục nỗ lực, trách nhiệm để thực hiện tốt nhất sứ mệnh được giao. Tuy nhiên, để đưa Bệnh viện Phổi Hà Tĩnh phát triển xứng tầm là cơ sở y tế chuyên khoa của tỉnh trong điều trị các bệnh về phổi, thực hiện có hiệu quả Chương trình phòng, chống lao, rất mong tỉnh có sự quan tâm, đầu tư nguồn lực để nâng cấp cơ sở hạ tầng và trang thiết bị, máy móc chuyên sâu, chất lượng.
Cùng với đó, đề nghị địa phương và hệ thống y tế các cấp quan tâm đúng mức đến hoạt động phòng, chống lao để phát hiện sớm, điều trị kịp thời, qua đó thực hiện được các mục tiêu, chỉ tiêu thời gian tới.