Nơi y bác sỹ bị bệnh nhân tấn công là... "chuyện bình thường"!

(Baohatinh.vn) - Để chăm sóc những "bệnh nhân đặc biệt", các y, bác sỹ ở Bệnh viện Tâm thần Hà Tĩnh đã làm việc với tình yêu nghề và tất cả tấm lòng từ mẫu. Nhẫn nại, hy sinh, giỏi tay nghề, những lương y nơi đây đã giúp hàng ngàn bệnh nhân trở về với cuộc sống.

Nơi y bác sỹ bị bệnh nhân tấn công là... “chuyện bình thường”!

Các y bác sỹ Bệnh viện Tâm thần Hà Tĩnh thường xuyên trò chuyện, chia sẻ, động viên người bệnh

Bệnh viện Tâm thần Hà Tĩnh dù chỉ mới thành lập được 6 năm nhưng đã có bề dày lịch sử hơn 30 năm với tiền thân là Khoa tâm thần - BVĐK Hà Tĩnh. Theo Phó Giám đốc Nguyễn Phi Thọ - người đã gắn bó với bệnh nhân tâm thần 21 năm, bệnh nhân vào bệnh viện chủ yếu là do tâm thần phân liệt, với nhiều nguyên nhân khác nhau.

"Mỗi người một nguyên nhân khác nhau nhưng biểu hiện của bệnh thường là không ngủ, nói nhiều, hoang tưởng, ảo giác. Đặc biệt là khi phát bệnh, kích động có thể tấn công người xung quanh, đập phá đồ đạc hoặc lờ đờ, không nói, không đi lại, không ăn, không uống... Mỗi người một hoàn cảnh và đều rất đáng thương" - bác sỹ Thọ chia sẻ.

Theo ghi nhận, hiện nay, tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh có 43 bệnh nhân đang điều trị nội trú trong đó có 12 người rối loạn tâm thần do sử dụng rượu bia, còn lại là do sử dụng ma túy, động kinh và sang chấn tâm lý. Ngoài ra, có hơn 2.500 bệnh nhân được bệnh viện điều trị tại cộng đồng.

Đối với nghề y, chữa trị cho những bệnh nhân có tâm lý bình thường vốn đã khó khăn vất vả, việc chăm sóc, điều trị cho những bệnh nhân tâm thần còn khó khăn gấp bội phần. Để hoàn thành nhiệm vụ, các y bác sỹ tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh đã không ngừng miệt mãi, nỗ lực và tận tậm vì bệnh nhân.

Nơi y bác sỹ bị bệnh nhân tấn công là... “chuyện bình thường”!

Điều dưỡng viên bệnh viện chuẩn bị thuốc cho các bệnh nhân

"Làm việc tại bệnh viện này, bị bệnh nhân tấn công là chuyện hết sức bình thường em ạ. Khi bệnh nhân đột ngột phát bệnh, họ sẽ tấn công người xung quanh. Tất cả các y, bác sỹ ở bệnh viện đều đã từng bị bệnh nhân tấn công. Tôi đã từng bị bệnh nhân dùng dây xích đánh vào đầu, cũng may không trúng vào mắt", bác sỹ Nguyễn Tiến Hùng - Khoa Cấp tính nam chia sẻ.

Theo các y bác sỹ trong bệnh viện, ngay cả Giám đốc, Phó Giám đốc bệnh viện cũng đều bị bệnh nhân tấn công khi tham gia việc điều trị, cấp cứu cho người bệnh. Dù trải qua không ít vất vả thậm chí là nguy hiểm như vậy, song các y bác sỹ nơi đây lại có một niềm tin, tình yêu thương người bệnh hết sức cao cả.

Bác sỹ Nguyễn Phi Thọ chia sẻ: "Đã làm một người bác sỹ gắn với bệnh nhân tâm thần thì quan trọng nhất vẫn là sự kiên trì, nhiệt tình và chịu khó. Bác sĩ tâm thần không chỉ điều trị cho bệnh nhân bằng thuốc mà trong nhiều tình huống, phải trở thành người yêu, người thân để bệnh nhân tâm sự. Đó mới là cách để trị tận gốc căn bệnh".

Nơi y bác sỹ bị bệnh nhân tấn công là... “chuyện bình thường”!

Bác sỹ thăm khám cho bệnh nhân rối loạn tâm thần do sử dụng quá nhiều bia rượu

Nhiều bệnh nhân đã hồi phục, trở về với cuộc sống nhờ có sự kiên trì, tận tâm đó. Như chuyện bệnh nhân Nguyễn Văn T. (xã Thạch Bằng, Lộc Hà) vào viện với bệnh tâm thần phân liệt.

Khi nhập viện, anh T. liên tục kích động, tấn công những người xung quanh. Sau hơn một tuần "chịu trận" các y bác sỹ đã gần gũi, nắm bắt được nguyên nhân và trao đổi với gia đình để đưa ra phác đồ điều trị. Trong đó, ngoài sử dụng thuốc, các y bác sỹ bệnh viện đã tập trung động viên, an ủi bệnh nhân bằng liệu pháp tâm lý, tình cảm với những câu chuyện gần gũi về ý nghĩa cuộc sống. Nhờ đó sau hơn 2 tuần nhập viện, anh T. dần dần tỉnh táo, không còn kích động. Hơn một tuần sau nữa, anh T. được ra viện và hiện đã có thể ổn định điều trị tại cộng đồng.

Chia sẻ về nghề, bác sỹ Nguyễn Tiến Hùng tâm sự: Nhắc đến bệnh viện tâm thần, bệnh nhân tâm thần ai ai cũng ái ngại, sợ sệt, ngay cả đồng nghiệp và bạn bè. Thế nhưng các anh chị em trong bệnh viện lại luôn xác định đây là một niềm tự hào. Vì mình làm những việc không ai dám làm, được gieo niềm hy vọng lớn lao về một cuộc sống bình thường cho những bệnh nhân đặc biệt".

Chủ đề Sức khỏe cộng đồng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast