Bà Lê Thị Tâm - thôn Yên Lạc, xã Thạch Thắng (Thạch Hà) thường xuyên ra đồng, kiểm tra tiến độ trổ bông.
Thời điểm này, lúa hè thu đang ở giai đoạn trổ bông. Toàn tỉnh có 25.272 ha lúa đã trổ bông, tập trung ở các giống lúa ngắn ngày như: HT1, Khang dân 18, BT09, VNR20. Những trà lúa khác sẽ tiếp tục bước vào giai đoạn quan trọng này trong khoảng 5 - 6 ngày tới.
Bà Lê Thị Tâm - thôn Yên Lạc, xã Thạch Thắng (Thạch Hà) sản xuất 7 sào lúa hè thu. Đến nay, bà đã hoàn thành việc bón thúc, phòng trừ sâu bệnh cho giai đoạn đón kỳ trổ bông nhưng ngày nào bà cũng phải ra đồng “thăm” lúa.
“Khoảng 1 tuần trước, gia đình tôi đã bón thêm đạm, phun 2 lần phòng trừ bệnh khô vằn, sâu cuốn lá. Bây giờ, ngày nào tôi cũng ra đồng để đón lúa trổ, thấy bông đều, đẹp và chắc hạt là mừng, như thế là đã nắm chắc 70 - 80% thắng lợi rồi” - bà Lê Thị Tâm cho biết.
Thời điểm này, bà con nông dân chăm chỉ ra đồng làm cỏ, vừa dọn sạch vệ sinh đồng ruộng, vừa “cắt” chỗ trú ngụ của sâu bệnh.
Mùa lúa trổ bông là giai đoạn sinh trưởng quan trọng, quyết định năng suất cuối vụ của vụ hè thu nên bà con nông dân không khỏi lo lắng. Những ngày nhiệt độ thời tiết cao (38 - 390C) khiến bà con sợ ảnh hưởng đến quá trình thụ phấn, thụ tinh và nuôi hạt của lúa.
Thêm vào đó, năm nay, một số địa phương phải đối mặt với bệnh khô vằn phá hại diện rộng. Theo thống kê, toàn tỉnh có gần 500 ha lúa hè thu bị bệnh, diễn biến từ thời điểm trước khi lúa bước vào làm đòng đến nay.
Chị Trần Thị Thủy - thôn Tân Vĩnh Cần, xã Cẩm Thành (Cẩm Xuyên) cho biết: “Bệnh khô vằn thường xuất hiện ở các bẹ lá sát nước hoặc bẹ lá già ở dưới gốc, sau đó lan lên toàn thân khiến cho lúa bị vàng và khô dần. Những diện tích bị nặng, lúa chậm sinh trưởng, trổ bông không đều, gặp thời tiết nắng nóng nên tôi cũng lo. Cũng may, từ sau mùng 9/8, thời tiết đã bắt đầu dịu lại".
Thêm một nguyên nhân khiến bà con nông dân chăm đồng hơn ở giai đoạn sinh trưởng cuối cùng của vụ hè thu năm nay chính là kỳ vọng vào mùa vụ bội thu nhất từ trước tới nay. Theo dự tính của bà con, vụ hè thu 2021 sẽ tạo bước ngoặt mới về sự đồng nhất quy trình sản xuất, giảm dần khoảng cách năng suất giữa vụ hè thu và vụ xuân hồi đầu năm.
Thời điểm này, quan trọng nhất là cần duy trì đủ mực nước cần thiết trong chân ruộng để lúa thuận lợi chuyển hóa từ trổ bông sang nuôi hạt.
Ông Nguyễn Xuân Huy - Chủ tịch UBND xã Sơn Ninh (Hương Sơn) cho biết: “Toàn xã sản xuất 315 ha lúa hè thu. Bên cạnh thời tiết thuận lợi thì năm nay xã cơ cấu các trà lúa tập trung về thời vụ để phát huy tốt hơn việc điều hành sản xuất, điều tiết nước tưới ổn định. Năm nay, xã không xuất hiện hiện tượng hạn hán như trước đây, sâu bệnh chỉ rải rác nhưng đều được phòng trừ kịp thời. Hiện nay, lúa đã trổ được 5 - 10% diện tích và rất tập trung. Năm nay, có khả năng sẽ tăng năng suất cuối vụ”.
Theo Chi cục Trồng trọt & Bảo vệ thực vật tỉnh, từ nay, diện tích trổ bông của lúa hè thu sẽ tăng nhanh và dự kiến cơ bản kết thúc vào khoảng ngày 15 - 17/8 tới. Đây là giai đoạn quan trọng, bà con cần theo dõi thường xuyên tình hình phát sinh của các đối tượng sâu bệnh cuối vụ, lấy nước đủ vào chân ruộng, làm cỏ, giữ vệ sinh cho đồng ruộng để chuẩn bị đón mùa thu hoạch.