Nông dân Hà Tĩnh gửi ước mong theo mùa lúa trổ đòng

(Baohatinh.vn) - Tháng tư, khi những trận gió mùa kết thúc, nắng vàng lan tỏa trên khắp làng mạc xóm thôn, những cánh đồng lúa chuẩn bị trổ đòng cũng là lúc người nông dân Hà Tĩnh lại khấp khởi, bồi hồi mong chờ một mùa vàng bội thu.

Nông dân Hà Tĩnh gửi ước mong theo mùa lúa trổ đòng

Nông dân xã Thuần Thiện phun vôi phòng trừ bệnh đạo ôn cho lúa.

Dù đã đón rất nhiều tháng tư trên cánh đồng quê hương nhưng chưa khi nào ông Bùi Văn Nuôi (60 tuổi, ở thôn Yên, xã Thuần Thiện, Can Lộc) lại mang tâm trạng “hồi hộp” dõi theo những chuyển biến của cây lúa như năm nay. Đây là vụ lúa đầu tiên ông và những nông dân Thuần Thiện gieo trồng trên cánh đồng ô thửa lớn vừa được cải tạo lại.

Ông Nuôi chia sẻ: “Được canh tác trên ô thửa lớn, chúng tôi rất phấn khởi. Trước đây, gia đình tôi có gần 1 mẫu ruộng phân bố ở 10 thửa trên 7-8 cụm đồng khác nhau, công việc chăm sóc, thu hoạch rất vất vả. Vụ xuân này, tất cả diện tích ruộng của tôi được dồn về 2 thửa gần kề tại một cánh đồng, giúp việc canh tác thuận lợi hơn".

Nông dân Hà Tĩnh gửi ước mong theo mùa lúa trổ đòng

Canh tác trên thửa ruộng mới cải tạo lại, nông dân Thuần Thiện không khỏi "hồi hộp" dõi theo sự phát triển của cây lúa. Trong ảnh: Ông Bùi Văn Nuôi kiểm tra bệnh đạo ôn tại ruộng lúa của mình.

Cuối năm 2020, xã Thuần Thiện đã thực hiện thành công chuyển đổi 500 ha đất nông nghiệp theo chủ trương “dồn điền, đổi thửa”. Để chuẩn bị canh tác trên những thửa ruộng tập trung với địa hình khác nhau, nhiều nông dân Thuần Thiện đã tiến hành thuê máy xúc, ủi để cải tạo mặt ruộng. Việc đó đồng nghĩa làm xáo trộn môi trường lớp đất mặt, vốn lâu nay cây lúa đã thích nghi. Tuy nhiên, bằng sự cần cù chịu khó, nông dân Thuần Thiện đã nhanh chóng cải tạo đất đai, đưa lại sức sống mới cho cánh đồng.

“Ban đầu, chúng tôi lo sẽ mất vài vụ, lúa mới phát triển được nhưng nay sau 3 tháng dày công chăm sóc, cây lúa sinh trưởng tốt và đã bắt đầu trổ đòng. Chúng tôi yên tâm và hy vọng sẽ có một vụ lúa bội thu” - ông Bùi Văn Nuôi cho hay.

Nông dân Hà Tĩnh gửi ước mong theo mùa lúa trổ đòng

Tháng tư, thời điểm lúa bắt đầu trổ đòng cũng là lúc người nông dân thăm đồng nhiều hơn.

Tháng tư, trên những cánh đồng ở Cẩm Xuyên, màu xanh của lúa thì con gái cũng đã gọi về sức sống mới trên những cánh đồng vùng “rốn lũ”. Những ngày này, người dân ở đây đang hối hả bón đợt phân cuối cùng trong vụ. Khác với những vụ lúa trước, vụ xuân 2021 đối với nhiều nông dân thôn Kênh (xã Cẩm Thành) có ý nghĩa đặc biệt hơn. Bởi với họ, đây là mùa lúa mới sau nhiều mất mát vì cơn lũ lịch sử cuối tháng 10/2020.

Chị Phan Thị Hiền (thôn Kênh) cho biết: “Thời điểm này hằng năm, thóc của gia đình tôi vẫn còn dư dả lắm nhưng nay trong nhà không còn một hạt nào. Người dân quê tôi quen nếp nghĩ, còn thóc trong bồ nghĩa là không lo đói nhưng nay phải ăn gạo đong khiến ai cũng mong chờ ngày gặt”.

Nông dân Hà Tĩnh gửi ước mong theo mùa lúa trổ đòng

Sau những mất mát do lũ lụt, chị Phan Thị Hiền ở thôn Kênh (xã Cẩm Thành - Cẩm Xuyên) càng trông chờ vào mùa vụ mới.

Gia đình chị Hiền canh tác trên 1,7 mẫu ruộng, vụ hè thu năm 2020 thu hoạch được khoảng 4,2 tấn thóc. Tuy nhiên, gia đình chị mới sử dụng phục vụ bữa ăn hằng ngày và kịp bán được hơn 1 tấn, còn lại 3 tấn thóc đều bị lũ nhấn chìm nhiều ngày nên hỏng hết. Khi lũ đi qua, hơn bao giờ hết, người nông dân nơi đây bước vào vụ mới với tâm trạng khấp khởi mong chờ.

Cách đây hơn 3 tháng, trên những thửa ruộng ngổn ngang sau lũ, dù dòng nước cuốn trôi nhiều sâu bệnh và mang về một lượng phù sa mới nhưng đất đai cũng bị chua bởi úng ngập lâu ngày. Để cải tạo đất, nhiều gia đình phải dùng hàng tạ vôi bột khử ruộng trước khi gieo sạ.

Do đó, quá trình chăm sóc cây lúa từ lúc bắt đầu đẻ nhánh đến thời điểm bắt đầu trổ đòng như hiện nay cũng tốn nhiều công sức. Đặc biệt, chị Hiền và các gia đình trong thôn đều ra đồng thăm lúa thường xuyên để kịp thời theo dõi quá trình sinh trưởng của cây.

Thời tiết diễn biến thất thường cũng là nguyên nhân nảy sinh nhiều loại sâu bệnh. Nhiều hộ trong thôn vì quá nôn nóng mong lúa nhanh tốt mà bón nhiều phân đạm khiến bệnh đạo ôn phát sinh, thành ra “lợi bất cập hại”. Nếu gặp trường hợp này thì phải bón thêm vôi để khắc phục. Thời điểm lúa đã trổ đòng như hiện nay, chị chỉ bón kali để cây lúa dành sức nuôi hạt…

Nông dân Hà Tĩnh gửi ước mong theo mùa lúa trổ đòng

Những cánh đồng xanh tốt nhờ bàn tay lao động cần cù của người nông dân Hà Tĩnh, hứa hẹn một mùa vàng bội thu.

Trong nắng chiều tháng tư, bóng dáng những người nông dân cần mẫn là hiện thân của tình yêu cây lúa và niềm hy vọng về mùa vàng. Bất chợt, tôi nghĩ đến câu ca dao xưa: “Mồ hôi mà đổ xuống đồng/ Lúa mọc trùng trùng sáng cả đồi nương”.

Trải qua những ngày tháng khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh và lũ lụt, tháng tư về, cây lúa lên đòng cũng là lúc niềm hy vọng về một vụ mùa bội thu lớn dần trong mỗi người nông dân Hà Tĩnh.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Phủ xanh những vùng đất hoang hóa, bạc màu

Phủ xanh những vùng đất hoang hóa, bạc màu

Người dân một số địa phương ở Hà Tĩnh đã tập trung cải tạo những vùng đất ven biển bị hoang mạc hóa do biến đổi khí hậu, lựa chọn cây trồng phù hợp đưa vào sản xuất. Từ đó không chỉ giúp người dân nâng cao thu nhập mà còn góp phần phủ xanh đất đai hoang hóa, cải tạo môi trường.
Hà Tĩnh quyết tâm sớm hoàn thành mục tiêu tỉnh nông thôn mới

Hà Tĩnh quyết tâm sớm hoàn thành mục tiêu tỉnh nông thôn mới

Hà Tĩnh đang bước vào giai đoạn cao điểm cho mục tiêu tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (NTM). Những tuyến đường mở rộng, những khu dân cư kiểu mẫu hình thành, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng nâng cao…
Duy trì nhịp điệu xây dựng nông thôn mới

Duy trì nhịp điệu xây dựng nông thôn mới

Sự đồng lòng của người dân Hà Tĩnh trong triển khai các hoạt động xây dựng nông thôn mới không chỉ góp phần hoàn thiện, nâng cao chất lượng các tiêu chí mà còn thắt chặt thêm tình làng nghĩa xóm.
Nhiều loại sâu bệnh gây hại lúa xuân cuối vụ

Nhiều loại sâu bệnh gây hại lúa xuân cuối vụ

Thời tiết Hà Tĩnh duy trì hình thái nhiều mây, có mưa rào, độ ẩm cao là điều kiện thuận lợi để sâu bệnh phát sinh, đặc biệt là bệnh đạo ôn cổ bông trên lúa thời kỳ trổ tập trung.
Đổi đời nhờ nghề nuôi ong ở Đức Lạng

Đổi đời nhờ nghề nuôi ong ở Đức Lạng

Năm 2024, Chi hội nghề nghiệp Nuôi ong lấy mật xã Đức Lạng (Đức Thọ, Hà Tĩnh) thành lập với gần 50 hội viên tham gia, trở thành nền tảng để đưa thương hiệu mật ong vươn xa.
Người cựu binh kiên trì xây làng, dựng nghiệp

Người cựu binh kiên trì xây làng, dựng nghiệp

Trở về từ quân ngũ, ông Nguyễn Kiến Quốc - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Phú (Hương Sơn, Hà Tĩnh) đã hăng hái cùng người dân xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế từ nghề nuôi ong.
Mùa mật ong kém vui ở Vũ Quang

Mùa mật ong kém vui ở Vũ Quang

Thay vì rộn ràng thu hoạch những giọt mật đầu vụ như các năm trước, năm nay, người dân huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) đang trải qua một mùa mật ong chính vụ kém vui.
Hà Tĩnh với chặng nước rút góp phần gỡ thẻ vàng IUU

Gỡ thẻ vàng IUU: Hà Tĩnh quyết liệt "chặng nước rút"

Đợt thanh tra lần thứ 5 của Ủy ban Châu Âu được xem là thời điểm quyết định để Việt Nam gỡ cảnh báo thẻ vàng IUU. Xác định rõ nhiệm vụ này, Hà Tĩnh đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong "chặng nước rút", đặc biệt tạo nên những thay đổi tích cực, nhất là trong nhận thức, trách nhiệm của ngư dân.