Người dân ở Cẩm Xuyên chủ động che bạt để giảm nhiệt độ cho đàn gà.
Nắng nóng kéo dài trong những ngày qua sẽ làm đàn vật nuôi chậm phát triển, giảm sức đề kháng, tạo điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh bùng phát trên đàn gia súc, gia cầm nếu không được chăm sóc, theo dõi cẩn thận.
Là một trong những hộ nuôi gà thịt có quy mô lớn ở thôn Phú Hòa (xã Yên Hòa, Cẩm Xuyên) nên ngay từ đầu mùa nóng, gia đình bà Phan Thị Hải đã chủ động thực hiện các biện pháp chống nóng cho đàn gà như: Thay đệm lót sinh học để hạn chế sinh nhiệt trong chuồng nuôi, giảm mật độ nuôi tại các chuồng, chia khẩu phần ăn của đàn gà thành nhiều bữa...
Đàn gà gần 2.000 con của bà Phan Thị Hải ở thôn Phú Hòa, xã Yên Hòa (Cẩm Xuyên) được bổ sung các loại vitamin và các chất điện giải trong những ngày nắng nóng.
Bà Hải cho biết: “Để đàn gà không bị cảm chết do nắng nóng, vào những ngày thời tiết 38 - 40 độ C, gia đình còn kết hợp phun nước làm mát phần mái của chuồng trại, bổ sung các loại vitamin và các chất điện giải như: B complex, Vitamin C vào nước uống nhằm tăng cường sức đề kháng cho đàn vật nuôi. Nhờ chăm sóc tốt nên đàn gà mía gần 2.000 con của gia đình luôn bảo đảm sức khỏe và sinh trưởng tốt”.
Bà Cao Thị Hảo ở thôn Hồng Kỳ (xã Sơn Phú, Hương Sơn) bổ sung thêm khẩu phần ăn cho đàn hươu của gia đình.
Để chống nắng nóng cho đàn hươu, gia đình bà Cao Thị Hảo ở thôn Hồng Kỳ (xã Sơn Phú, Hương Sơn) cũng đã thực hiện nhiều biện pháp như: Cho hươu uống nước thường xuyên, che bạt tại khu vực nuôi, bổ sung thêm khẩu phần ăn...
Bà Hảo cho biết: "Hươu nuôi lấy nhung thương phẩm chủ yếu được nuôi nhốt trong chuồng, thế nên nắng nóng gay gắt kéo dài nhiều ngày qua khiến gia đình rất lo lắng. Để đàn hươu được khỏe mạnh, những ngày nắng nóng này, ngoài dọn vệ sinh chuồng trại tránh các mầm bệnh gây hại cho hươu, gia đình tôi còn chuẩn bị thêm bạt che nắng, bể chứa nước mưa sạch cho hươu trong suốt mùa nóng.
Đặc biệt, chúng tôi thường xuyên thông tin, trao đổi với cán bộ thú y để có những biện pháp chống nóng, phòng dịch bệnh đúng kỹ thuật, đảm bảo cho đàn hươu sinh trưởng tốt".
Nhờ chăm sóc tốt nên đàn lợn 50 con của anh Cù Quang Triều ở thôn Hợp Lợi (xã Hương Minh, Vũ Quang) phát triển khỏe mạnh.
Tại các hộ chăn nuôi lợn, các biện pháp chống nóng cũng đang được người dân khẩn trương thực hiện. Là hộ chăn nuôi lợn lâu năm, anh Cù Quang Triều ở thôn Hợp Lợi (xã Hương Minh, Vũ Quang) cho biết, hiện nay, việc chăm sóc, chống nóng cho đàn lợn luôn được gia đình ưu tiên hàng đầu.
"Để đàn lợn phát triển khỏe mạnh trong mùa nắng, gia đình đã đầu tư hệ thống nước uống sạch, thực hiện vệ sinh chuồng trại 2 lần/ngày, đảm bảo chuồng luôn sạch sẽ, thông thoáng.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tiêm đầy đủ các loại vắc-xin phòng bệnh, thường xuyên phun thuốc tiêu độc khử trùng chuồng trại và môi trường xung quanh để diệt những loại côn trùng truyền và gây bệnh trong mùa hè như: muỗi, ruồi, bọ mạt, ve... " - anh Triều cho biết.
Người chăn nuôi chia khẩu phần ăn ra thành nhiều bữa cho đàn lợn.
Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh, toàn tỉnh hiện có gần 67.000 con trâu, 165.000 con bò, 370.000 con lợn và gần 10 triệu con gia cầm.
Để duy trì, phát triển ổn định hoạt động chăn nuôi trong mùa nắng nóng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh khuyến cáo người chăn nuôi tuyệt đối không chăn thả vật nuôi khi trời nắng nóng, nhiệt độ cao. Bên cạnh biện pháp làm mát chuồng trại, cần cung cấp nước uống sạch và thức ăn dễ tiêu hóa, có bổ sung vi lượng cần thiết.
Vào những ngày nắng nóng gay gắt, người chăn nuôi nên cho vật nuôi ăn nhiều bữa trong ngày vào buổi sáng sớm hoặc chiều mát để tăng khả năng hấp thụ thức ăn, hạn chế cho ăn buổi trưa khi trời nắng nóng; tăng sức đề kháng cho đàn vật nuôi bằng cách cho uống B complex, Vitamin C, chất điện giải, men tiêu hóa...; tắm cho gia súc 1- 2 lần/ngày để giảm nhiệt cho cơ thể, không nên tắm cho gia súc vào buổi trưa và lúc nắng nóng.
Bà Trần Thị Hạnh ở thôn Hương Giang (xã Đức Hương, Vũ Quang) chủ động chăm sóc bò tại nhà thay vì chăn thả ở các sườn đồi để tránh nóng.
Theo ông Trần Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh: “Người dân cần thực hiện chăn nuôi theo hướng an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học, tiêm phòng đầy đủ các bệnh truyền nhiễm theo quy định.
Đồng thời, thường xuyên thu dọn, vệ sinh chuồng nuôi, định kỳ vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại, môi trường chăn nuôi. Bên cạnh đó, người chăn nuôi cần theo dõi, giám sát chặt chẽ tình trạng của đàn vật nuôi, phát hiện gia súc, gia cầm ốm, bị bệnh để cách ly, điều trị, xử lý kịp thời; đặc biệt là với các bệnh đường tiêu hóa, hô hấp và các bệnh truyền nhiễm...”.