Nông dân Hà Tĩnh xuống đồng phòng trừ sâu bệnh trên lúa hè thu

(Baohatinh.vn) - Thời gian qua, các đối tượng sâu, bệnh như khô vằn, rầy nâu, rầy lưng trắng, bạc lá… đã xuất hiện gây hại trên một số diện tích lúa hè thu của Hà Tĩnh. Vì thế, bà con nông dân đang tập trung phát hiện và phòng trừ nhằm đảm bảo năng suất vào cuối vụ thu hoạch.

Nông dân Hà Tĩnh xuống đồng phòng trừ sâu bệnh trên lúa hè thu

Chị Trần Thị Vân (thị trấn Đồng Lộc, Can Lộc) phun thuốc phòng trừ bệnh khô vằn cho lúa.

Những ngày qua, tranh thủ lúc chiều tà, thời tiết mát mẻ, chị Trần Thị Vân (thị trấn Đồng Lộc, Can Lộc) lại thăm đồng để kiểm tra tình hình sinh trưởng, phát triển của lúa, đặc biệt kiểm tra các đối tượng sâu bệnh có thể xảy ra để phun trừ kịp thời.

Chị Vân chia sẻ: “Vụ hè thu này, gia đình tôi gieo thẳng 1 mẫu lúa, cơ bản đang nuôi đòng già, chuẩn bị trổ trong mấy ngày tới. Qua theo dõi, một số diện tích đã “chớm” nhiễm bệnh khô vằn nên tôi đã mua thuốc về phun ngay. Bệnh khô vằn thường gây hại nặng giai đoạn trổ và chín sáp, ngoài việc làm giảm năng suất lúa còn khiến cây lúa yếu, khả năng chống đỡ kém, nếu gặp trời mưa, gió lớn thì rất dễ đổ ngã”.

Nông dân Hà Tĩnh xuống đồng phòng trừ sâu bệnh trên lúa hè thu

Các đối tượng sâu, bệnh như khô vằn, rầy nâu, rầy lưng trắng… đã xuất hiện gây hại trên một số diện tích lúa.

Cách đó không xa, anh Nguyễn Văn Nam (cùng ở thị trấn Đồng Lộc) cũng đang ra đồng lấy nước vào chân ruộng và kiểm tra tình hình phát triển của cây trồng. Anh Nam bộc bạch: “Theo kinh nghiệm, thời tiết đang chuẩn bị vào tiết lập thu, oi nóng, có mưa rào xen kẽ là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh phát triển, dễ lây lan trên diện rộng. Vì thế, vào thời điểm này chúng tôi phải tích cực ra đồng, chủ động theo dõi và xử lý sâu bệnh phát sinh".

Tại Cẩm Xuyên, các trà lúa cũng bắt đầu xuất hiện rải rác các đối tượng gây hại trên lúa hè thu như rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh khô vằn. Mặc dù tỷ lệ nhiễm bệnh còn ít, rầy chủ yếu ở tuổi 1, tuổi 2, mật độ thấp, tuy nhiên đây chính là nguồn sâu hại nguy hiểm cho giai đoạn sinh trưởng tiếp theo của lúa hè thu.

Anh Trần Xuân Mạnh (xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Xuyên) cho biết: “Hiện tại, cây lúa sinh trưởng tốt nhưng đồng ruộng đã xuất hiện khô vằn, rầy nâu. Ngay khi có thông báo của địa phương, tôi đã làm theo hướng dẫn phòng trừ, phun đúng, phun đủ lượng, không để sâu, bệnh lây lan ra diện rộng”.

Nông dân Hà Tĩnh xuống đồng phòng trừ sâu bệnh trên lúa hè thu

Trung tâm ứng dụng KHKT và bảo vệ cây trồng vật nuôi các địa phương chủ động cử cán bộ kiểm tra tình hình sâu bệnh trên đồng ruộng.

Theo Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cẩm Xuyên Lê Văn Danh, ngành đã phối hợp UBND các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, nắm bắt mức độ gây hại, xác định rõ mật độ của sâu, bệnh để hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng trừ kịp thời. Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo nông dân không chủ quan, tích cực theo dõi sự phát triển của cây lúa trong giai đoạn quan trọng này.

Theo Chi cục Trồng trọt & Bảo vệ thực vật tỉnh, thời điểm này, các trà lúa hè thu trên toàn tỉnh đã bước vào giai đoạn phân hóa đòng; khoảng hơn 3.000ha diện tích gieo cấy giống ngắn ngày (BT09, HN6, PC6,…) tại các xã Thạch Trị, Thạch Lạc, Lưu Vĩnh Sơn, Thạch Khê… (Thạch Hà), Kỳ Tiến, Kỳ Phong, Kỳ Bắc, Kỳ Văn… (huyện Kỳ Anh) bắt đầu trổ bông. Dự kiến lúa hè thu toàn tỉnh sẽ trổ tập trung từ 10 - 15/8.

Qua theo dõi trên đồng ruộng, nhiều đối tượng dịch bệnh gây hại đã xuất hiện như rầy nâu, rầy lưng trắng phát sinh gây hại mật độ phổ biến 300 - 500 con/m2, nơi cao 800 - 1.500 con/m2, chủ yếu rầy tuổi 3, tuổi 4.

Dự báo rầy nâu, rầy lưng trắng lứa tiếp theo sẽ xuất hiện và gây hại từ thời điểm 10/8/2022 trở đi trùng với giai đoạn lúa trổ bông - chín sữa và có thể gây cháy cục bộ ở một số diện tích nếu không phòng trừ kịp thời; bệnh khô vằn phát sinh gây hại ở hầu hết các địa phương, tỷ lệ bệnh trung bình 5 - 7%, nơi cao 20 - 25%, diện tích nhiễm 229ha; bệnh bạc lá phát sinh gây hại trên giống Nếp, KD18, phân bố tại Cẩm Xuyên, Đức Thọ,…; chuột gây hại rải rác trên toàn tỉnh, diện tích nhiễm 139ha.

Nông dân Hà Tĩnh xuống đồng phòng trừ sâu bệnh trên lúa hè thu

Người dân cần tập trung xử lý triệt để các diện tích đã xuất hiện sâu bệnh để hạn chế nguồn phát tán, lây lan.

Đây là giai đoạn có ý nghĩa quyết định đến năng suất cuối vụ, vì thế, để hạn chế thiệt hại do các đối tượng dịch bệnh gây ra, bảo vệ an toàn sản xuất, theo ông Nguyễn Trí Hà - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, các địa phương cần tập trung điều tiết, duy trì đủ nước tạo điều kiện thuận lợi cho lúa trổ bông, nhất là đối với số diện tích cuối kênh, cao cưỡng có thể xảy ra hạn cục bộ ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển. Trước mắt, người dân cần tập trung xử lý triệt để các diện tích đã xuất hiện sâu bệnh để hạn chế nguồn phát tán, lây lan trên diện rộng.

Ngành chuyên môn cũng đưa ra khuyến cáo, các địa phương chủ động cảnh báo, hướng dẫn các địa phương và bà con nông dân tiến hành phun trừ sớm khi rầy nâu, rầy lưng trắng tuổi 1, tuổi 2; tăng cường điều tra phát hiện, xác định diện tích cần phòng trừ, chú trọng ở các vùng thấp trũng, vùng hàng năm sâu, bệnh thường phát sinh, gây hại nhiều. Bên cạnh đó, nông dân cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của bệnh khô vằn, sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân, bệnh bạc lá...

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tuyệt đối không chủ quan trước ảnh hưởng của bão số 6

Tuyệt đối không chủ quan trước ảnh hưởng của bão số 6

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, bão số 6 (bão Tramy) sau khi đổ bộ vào bờ, thay vì suy yếu, sẽ quay trở lại ra biển nên các địa phương, đơn vị cần cảnh báo người dân, nhất là ngư dân, tuyệt đối không được chủ quan.
Nông dân Hà Tĩnh xuống giống hoa cúc vụ tết

Nông dân Hà Tĩnh xuống giống hoa cúc vụ tết

Để giúp hoa sinh trưởng tốt, đảm bảo khung thời vụ, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ dịp tết, nhiều hộ dân trồng hoa cúc trên địa bàn Hà Tĩnh đang tập trung xuống giống.
Dư nợ nông nghiệp, nông thôn tăng trên 20%

Dư nợ nông nghiệp, nông thôn tăng trên 20%

Nhu cầu vay vốn đầu tư sản xuất, chế biến sản phẩm nông nghiệp, nông thôn tăng giai đoạn cuối năm đã đẩy dư nợ lĩnh vực này của các tổ chức tín dụng ở Hà Tĩnh tăng trưởng mạnh.
Mướt mắt trên những vườn cam chín sớm

Mướt mắt trên những vườn cam chín sớm

Dù năng suất cam năm nay đạt thấp hơn mọi năm nhưng bù lại được giá nên các nhà vườn ở huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) vẫn phấn khởi, bà con đang nhanh tay thu hoạch những quả chín sớm.