Chị Trần Thị Xuân ra đồng dọn dẹp cỏ bờ để chuẩn bị cho đợt bón thúc đòng.
Đợt mưa tính từ ngày 9/7 đến nay trên địa bàn toàn tỉnh đã kéo nền nhiệt giảm nhanh, cung cấp thêm nước tưới tắm cho đồng ruộng, là nguồn đạm tự nhiên quý giá cho cây trồng tăng tốc phát triển để bước vào giai đoạn đoạn đứng cái, làm đòng.
Chị Trần Thị Xuân (xã Xuân Lộc, Can Lộc) cho biết: “Cha ông ta thường nói “mưa tháng 6, máu rồng”, mưa xuất hiện liên tục cấp nước, bà con đỡ lo chuyện hạn hán, cây nhờ thế cũng “bén” rất nhanh. Trước đó còn vàng vọt, chậm phát triển vì nắng nóng thì nay khắp các đồng ruộng của làng trên, xóm dưới đều phủ một màu xanh tươi tốt. Chúng tôi cũng tranh thủ ra đồng để dọn dẹp cỏ dại, kiểm tra, đắp bờ giữ nước trong chân ruộng. Nhẩm tính vài ngày nữa tôi sẽ bón tiếp một đợt phân để thúc cho lúa làm đòng thuận lợi”.
Khắp các cánh đồng phủ màu xanh tươi nhờ những cơn mưa “vàng” trong những ngày qua.
Theo chị Xuân, đợt này nhiều diện tích lúa đang trong giai đoạn cuối đẻ nhánh, bước vào đứng cái, làm đòng nên mực nước ở chân ruộng phải luôn được duy trì tốt. Những cơn mưa kéo dài đã giúp xoa dịu cái nắng gắt của thời tiết để bà con xuống đồng, cũng đỡ nhọc công bơm tưới nhiều và tiết kiệm chi phí xăng dầu vào lúc này.
Ngay từ sáng sớm, ông Trần Văn Hùng (xã Việt Tiến, Thạch Hà) đã ra đồng để đắp bờ giữ nước, kiểm tra tình hình phát triển của lúa. Ông Hùng cho biết: “Đây là giai đoạn rất quan trọng đối với cây lúa, các yếu tố không thuận đều có thể ảnh hưởng đến năng suất cuối vụ. Thời điểm hiện nay, ruộng khá ít sâu bệnh; các loại khô vằn, sâu cuốn lá, rầy nâu, rầy lưng trắng… chỉ xuất hiện rải rác trong diện hẹp. Vì thế, chúng tôi chỉ mới phun vào những giai đoạn cần thiết theo hướng dẫn, lúa phát triển tương đối thuận lợi”.
Ông Trần Văn Hùng (xã Việt Tiến, Thạch Hà) ra đồng đắp bờ giữ nước, kiểm tra tình hình phát triển của lúa.
Tại Đức Thọ, gần 4.000 ha lúa hè thu đều được cấp đủ nước thường xuyên. Ngay từ đầu vụ, huyện cũng đã chủ động cơ cấu các loại giống chất lượng cao tại các vùng thâm canh như: Nếp 98, BT09, VNR 20…, cùng với đó, điều tiết sản xuất hợp lý nên lúa phát triển tốt theo đúng các mốc sinh trưởng.
“Gia đình tôi vụ này sản xuất hơn 1,2 mẫu, các trà lúa khá đều màu, sâu bệnh ít nên tôi xem xét phun phòng là chủ yếu. Sắp tới đây tôi sẽ bón thúc đòng vài đợt để đảm bảo năng suất, chất lượng khi thu hoạch" - chị Trần Thị Hướng (xã Lâm Trung Thủy, Đức Thọ) cho biết.
Bà con cần thường xuyên thăm đồng để theo dõi sự sinh trưởng, phát triển của cây lúa.
Ông Nghiêm Sỹ Đông - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đức Thọ cho hay: "Hiện nay, các trà lúa đang phát triển rất tốt nhờ đủ nước, ít sâu bệnh; khoảng cuối tháng 7 thì hầu hết sẽ bước vào giai đoạn làm đòng. Rất may mắn là khoảng 1 tuần trở lại đây thời tiết có mưa đã cung cấp nguồn nước quý giá vào các chân ruộng, nhiệt độ phù hợp cho giai đoạn sinh trưởng của lúa.
Ngành chuyên môn cũng trực tiếp cử cán bộ thường xuyên thăm đồng, theo dõi sự phát triển và thông báo tình hình sâu bệnh, khuyến cáo bà con phun phòng đúng thời điểm, nhất là ở những chân ruộng xanh non, khu vực có ổ dịch cũ từ vụ trước để chủ động trong sản xuất".
Trong giai đoạn này, bà con chủ động phun phòng trừ khi thấy sâu bệnh ảnh hưởng đến quá trình đứng cái, làm đòng
Theo ghi nhận của Chi cục Trồng trọt & BVTV tỉnh, tại các địa bàn như: Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Nghi Xuân… thời điểm này, lúa hè thu cũng đang phát triển tốt, ít sâu bệnh.
Ông Nguyễn Tống Phong - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt & BVTV tỉnh thông tin, các trận mưa trong những ngày qua đã cung cấp nước và chất dinh dưỡng tự nhiên giúp cây lúa sinh trưởng nhanh và đồng đều trên tất cả các diện tích. Thời điểm này, các địa phương cần lưu ý duy trì đủ nước; hướng dẫn người dân bón thúc đòng phù hợp, cân đối chất dinh dưỡng; thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để phát hiện các đối tượng dịch hại như: khô vằn, rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu cuốn lá nhỏ và chủ động phun phòng trừ khi thấy sâu bệnh ảnh hưởng đến sự phát triển của cây lúa...