Nằm trong Tổ hợp tác hương bưởi Phúc Trạch 1 (Hương Khê, Hà Tĩnh), gia đình ông Nguyễn Trung Hiếu (SN 1971, thôn 5, xã Phúc Trạch) có vườn bưởi 6 năm tuổi với diện tích 2 ha.
Vườn bưởi 2 ha của gia đình ông Nguyễn Trung Hiếu vẫn xanh tốt trong thời điểm nắng nóng kéo dài trong thời gian qua.
Nhờ chăm sóc vườn theo đúng quy trình, thực hiện đầy đủ các biện pháp kỹ thuật theo quy trình VietGAP nên những mùa vụ qua, vườn bưởi Phúc Trạch nhà ông Hiếu luôn trĩu quả, đạt chất lượng và được thương lái tìm tới tận nhà thu mua. Trung bình mỗi vụ bưởi, gia đình ông Hiếu thu nhập 230 – 300 triệu đồng.
Ông Nguyễn Trung Hiếu cắt bỏ quả bưởi để cây phát triển tốt hơn.
Những ngày này, ở huyện miền núi Hương Khê, người dân đang tích cực tưới nước “giải nhiệt” cho các vườn bưởi trĩu quả. Tuy nhiên, lúc tới vườn bưởi nhà ông Nguyễn Trung Hiếu thì ai cũng bất ngờ khi chứng kiến cả vườn bưởi dù cây khá xanh tốt nhưng lại rất ít quả, thậm chí nhiều cây không có quả nào. Đặc biệt, khi chứng kiến ông Hiếu đang dùng kéo cắt bỏ quả trên cây bưởi thì mọi người lại càng ngạc nhiên hơn.
Ông Nguyễn Trung Hiếu chia sẻ: “Khi thấy tôi cắt bỏ quả, ai cũng đều ngạc nhiên. Đây là bí quyết “giữ sức khoẻ” cho cây bưởi”.
Cắt bỏ quả bưởi Phúc Trạch đồng nghĩa với việc từ bỏ lợi nhuận cả trăm triệu đồng.
Giải thích rõ hơn về việc này, ông Hiếu cho hay: “Với cây bưởi, nếu như “tận thu” quá, mùa nào cũng thu hoạch thì cây sẽ yếu đi, tuổi thọ không được dài. Vì vậy, qua mấy vụ thu hoạch, năm nay, tôi chăm sóc chứ không thu quả để cho cây phát triển khỏe”.
Vào dịp đầu năm âm lịch, khi mọi người tất bật thụ phấn nhân tạo cho cây bưởi Phúc Trạch thì ông Hiếu lại không “đoái hoài” tới vườn bưởi nhà mình. Với những quả non hình thành nhờ thụ phấn tự nhiên thì ông cắt bỏ gần như toàn bộ, chỉ để lại một ít quả trên cây. Khi quả bưởi lớn dần lên, ông tiếp tục cắt bỏ thêm một số quả, chỉ để lại một số quả to và khỏe.
Các quả bưởi lăn lóc dưới gốc cây.
Qua tìm hiểu, với các hộ trồng bưởi khác, họ thường lựa chọn cách cắt tỉa bớt quả trên chùm sai, tỉa các quả nhỏ, quả vẹo, quả “bánh xe” để tạo điều kiện cho cây và các quả chính phát triển tốt, còn “không thụ phấn và cắt bỏ hết quả” như cách làm của ông Nguyễn Trung Hiếu thì gần như không có.
Cách làm “có một không hai” này sẽ khiến gia đình ông Hiếu mất đi nguồn thu hàng trăm triệu đồng. Nhưng theo ông Hiếu, bỏ lợi nhuận năm nay để cây bưởi khỏe hơn, về lâu dài thì sẽ tốt cho cây bưởi, chất lượng quả luôn đảm bảo.
Theo lời ông Nguyễn Trung Hiếu, cách làm này là đúc rút từ kinh nghiệm cha ông để lại.
Sau nhiều mùa vụ thu hoạch quả thì năm nay, ông Nguyễn Trung Hiếu không cho cây đậu quả để cây bưởi được “hồi sức”.
Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh Nguyễn Trí Hà cho hay: Sau khoảng 3 năm, cây bưởi sẽ bắt đầu cho quả, trong đó, từ năm thứ 5 tới năm thứ 15, cây sẽ cho quả năng suất nhất. Lâu nay, người trồng bưởi vẫn đang kết hợp giữa việc chăm sóc và cắt tỉa bớt quả để cây sinh trưởng, nuôi quả tốt.
Theo ông Hà, không thụ phấn nhân tạo cho bưởi và cắt bỏ quả non như cách làm của ông Nguyễn Trung Hiếu sẽ giúp cây sinh trưởng khỏe hơn do chỉ tập trung dinh dưỡng nuôi cây chứ không phải “chia” ra cho quả.
Toàn huyện Hương Khê có gần 2.000 ha bưởi Phúc Trạch, trong đó có 1.200 ha đang trong chu kỳ cho thu hoạch, tập trung nhiều tại các xã Hương Trạch, Phúc Trạch, Lộc Yên, Hương Thủy, Hương Đô, Gia Phố... Năm 2019, nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp công nghệ cao giúp sản lượng bưởi Phúc Trạch đạt 16.267 tấn, giá trị ước đạt trên 569 tỷ đồng. Nhiều năm trở lại đây, loại quả đặc sản này là một trong những nguồn thu nhập chính cho bà con nông dân huyện miền núi Hà Tĩnh. |