Bài học từ vụ cháy rừng Lộc Yên

(Baohatinh.vn) - Vụ cháy gần 16 ha rừng trồng thông lâu năm có xen dắm keo ở tiểu khu 226, thuộc xã Lộc Yên (Hương Khê) có thể xem là vụ cháy lớn thứ nhì trên địa bàn trong những năm gần đây. Dù đám cháy đã được dập tắt, rừng đã bị thiệt hại, hậu quả đang được khắc phục nhưng chúng ta vẫn phải nghiêm túc rút kinh nghiệm bởi từ vụ hỏa hoạn này đã cho thấy nhiều hạn chế trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR)...

Cháy rừng mới ra mặt… chủ!

Khi tiến hành giao đất, giao rừng thì dù là tập thể hay cá nhân cũng đều muốn nhận phần nhiều về mình, thậm chí xẩy ra tranh chấp quyền lợi. Thế nhưng, khi xẩy ra cháy lớn, gây thiệt hại nhiều ha rừng thì không ai đứng ra nhận trách nhiệm. Khi vụ cháy đã qua nhiều ngày, các cơ quan chức năng vẫn đang loay hoay xác định chủ rừng là ai để hoàn thiện hồ sơ, làm rõ các vấn đề có liên quan.

Chúng tôi thực sự “sốc” khi chứng kiến cán bộ phụ trách lâm nghiệp xã Lộc Yên nhất mực khẳng định diện tích rừng bị cháy không thuộc sự quản lý của chính quyền địa phương mà của Công ty Thông trước đây, nay là Công ty TNHH MTV Cao su Hương Khê. Nhưng, về phía lãnh đạo công ty này lại trả lời “không liên quan”.

Các lực lượng chức năng kiểm tra hiện trường vụ cháy.
Các lực lượng chức năng kiểm tra hiện trường vụ cháy.

Khi bị cơ quan chức năng tiếp tục “truy tìm” chủ nhân rừng bị cháy, Trưởng BQL rừng phòng hộ Ngàn Sâu - Nguyễn Kim Hùng cũng “lắc đầu” vì một phần diện tích này trước đây do đơn vị quản lý nhưng năm 2007, UBND tỉnh đã có văn bản thu hồi, mọi hoạt động đơn vị tham gia chỉ với tư cách là cụm trưởng cụm bảo vệ rừng chứ không phải chủ...

Vụ cháy lớn vừa qua đã cho thấy công tác quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp nơi đây còn nhiều bất cập, lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm. Thật đáng buồn bởi ngay đến các cơ quan chức năng trên địa bàn và UBND huyện Hương Khê cũng trả lời một cách “lơ mơ” trước câu hỏi: rừng bị cháy của ai?! Tham gia họp rút kinh nghiệm sau một vụ cháy rừng lớn nhưng lãnh đạo huyện, trong đó có cả Phó Chủ tịch UBND huyện phụ trách lâm nghiệp lại phải đi tìm chủ rừng theo kiểu “nơm cá”: thấy đơn vị cử nhiều lực lượng ứng cứu khi cháy, tưởng đó là chủ rừng nên gọi đến hỏi; đơn vị có nhiều rừng ở khu vực này nên thấy “nghi ngờ”, cũng hỏi...!

Cực chẳng đã, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn phải “lệnh” cho các cơ quan hữu quan khẩn trương tìm chủ rừng. Và, sau gần 1 tuần xẩy ra cháy thì đích danh chủ rừng được chỉ ra là: của UBND xã Lộc Yên quản lý trên 7 ha, phần còn lại của hộ ông Nguyễn Văn Lâm nhận giao khoán từ UBND huyện Hương Khê theo tinh thần Nghị định 02 của Chính phủ...!

Nghiêm túc rút kinh nghiệm

Những năm gần đây, tiểu khu 226 không chỉ là một điểm nóng về tranh chấp rừng và đất lâm nghiệp mà còn là địa điểm thường xuyên xẩy ra cháy, thậm chí, có năm cháy nhiều lần. Là một địa điểm nhạy cảm nhưng các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và chủ rừng chưa chủ động xây dựng phương án ngăn chặn, phương án PCCCR hiệu quả dẫn tới ngay đầu mùa khô này đã xẩy ra cháy lớn. Điều này cho thấy vai trò mờ nhạt, sự quan tâm chưa đúng mức của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng. Phải chăng, đã đến lúc cần giải quyết dứt điểm tranh chấp, tăng cường công tác quản lý nhà nước, tiến hành giao khoán và phân định trách nhiệm cụ thể để bảo vệ rừng tốt hơn.

Qua quan sát thực tế hiện trường, chúng tôi thấy diện tích rừng bị cháy thực bì không dày, địa hình khá bằng phẳng, gần trục đường lớn, bắt đầu cháy vào ban ngày, không quá xa khu dân cư, nhân dân có kinh nghiệm trong công tác chữa cháy... Thế nhưng, do lực lượng chữa cháy mỏng (chỉ huy động được 32 người), trời nắng to và gió lớn nên hết sức khó khăn trong khống chế.

Nguy hại hơn, do “không có chủ” nên quá trình chữa cháy cũng đã thể hiện sự qua quýt, thiếu trách nhiệm, chủ quan, không triệt để của các lực lượng tham gia, dẫn tới cháy trở lại và gây thiệt hại thêm nhiều ha. Điều này được thể hiện, vào chiều 25/5, khi đám cháy lan ra khoảng 7 ha thì được người dân và các lực lượng chức năng khống chế. Tuy nhiên, đến khoảng 3h sáng hôm sau thì ngọn lửa bất ngờ bùng cháy trở lại, tàn phá thêm 9 ha nữa và đến 15h30’ mới được khống chế hoàn toàn. Ước tính, vụ cháy này gây thiệt hại khoảng 16 ha rừng keo và thông. Như vậy, vấn đề này theo chúng tôi không chỉ là nghiêm túc rút kinh nghiệm mà các cơ quan hữu quan phải làm rõ nguyên nhân việc rừng bùng cháy trở lại, phân định trách nhiệm để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật...

Sẽ còn bao nhiêu diện tích rừng trên địa bàn tỉnh ta có nguy cơ cháy cao trong mùa hanh khô mà các chủ rừng chưa quản lý? Có bao nhiêu chủ rừng chưa xây dựng, hoặc xây dựng một cách đối phó các phương án, kế hoạch PCCCR? Những câu hỏi này mong được các cơ quan chức năng sớm tìm ra câu trả lời.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast