Huyện nắng nóng nhất Hà Tĩnh lên kịch bản ứng phó với nắng hạn

(Baohatinh.vn) - Mỗi người dân Hương Khê (Hà Tĩnh) đang vận dụng kinh nghiệm, lên phương án, chủ động ứng phó với tình trạng hạn hán, thiếu nước có thể xảy ra trong mùa nắng nóng 2024.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
140d4100136t25045l0.jpg
Đợt nắng nóng kéo dài trong mùa hè năm 2023 đã khiến đồng ruộng ở xã Hương Giang - Hương Khê bị nứt nẻ. Ảnh tư liệu.

Hương Khê có điều kiện thời tiết tự nhiên khắc nghiệt, là 1 trong 3 huyện nắng nóng nhất Việt Nam (cùng với Quan Hóa - Thanh Hóa và Tương Dương - Nghệ An)). Tuy mới chớm hè nhưng “chảo lửa” Hương Khê đang trải qua những đợt nắng nóng như đổ lửa với nhiều thời điểm nhiệt độ lên đến 40°C. Hơn ai hết, bà con nông dân địa phương là những người thấu hiểu ảnh hưởng của hạn hán đến đời sống, sản xuất.

Chị Đậu Thị Nga (thôn Tân Trà, xã Hương Trà) chia sẻ: “Gia đình có 1 ha chè, đây cũng là nguồn thu nhập chính của chúng tôi. Rút kinh nghiệm từ nhiều năm trước, năm nay gia đình đã chủ động lắp đặt hệ thống máy bơm, sẵn sàng tưới nước trong những ngày nắng nóng. Lo lắng nhất của người trồng chè hiện nay là các hồ, đập có nguy cơ cạn nước khi hạn hán kéo dài. Vì vậy, chúng tôi đang bàn các giải pháp tưới tiết kiệm. Cùng với đó, để tránh nắng, chúng tôi sắp xếp lại giờ làm việc bằng cách hái chè khi sáng sớm hoặc chiều muộn. Ngoài ra, chúng tôi cũng đầu tư các trang phục chống nóng như áo khoác nắng, áo điều hòa… để hạn chế ảnh hưởng của nắng nóng đến sức khỏe”.

a4.jpg
Chị Đậu Thị Nga (thôn Tân Trà, xã Hương Trà) đã chuẩn bị các phương án bảo vệ 1 ha chè khi xảy ra hạn hán.

Anh Nguyễn Tiến Hoàng – Trưởng phòng Kế hoạch – Sản xuất, Xí nghiệp Chè 20/4 cho hay, chè là cây dễ bị tác động bởi nắng nóng, trong khoảng 3 năm gần đây, đã có gần 20 ha chè của đơn vị bị chết cháy do hạn hán. Hiện nay, 50 ha chè đã có hệ thống tưới tập trung, 40 ha được các hộ dân đầu tư hệ thống tưới cá nhân. Lo ngại nhất là còn khoảng 60 ha chưa có hệ thống tưới. Chúng tôi đang thực hiện các giải pháp tạm thời là trồng cây bóng mát, hạn chế phân bón vô cơ… Đặc biệt, khuyến khích người dân khoan giếng lấy nguồn nước tưới bằng cách hỗ trợ một phần kinh phí, hỗ trợ 50% tiền điện… Ngay từ đầu năm, doanh nghiệp cũng đã phối hợp với chính quyền các địa phương để chủ động tích nước tại các hồ, đập.

a3.jpg
90 ha chè ở Hương Khê đã được đầu tư hệ thống tưới hiện đại.

Đối với diện tích cây ăn quả, nhiều hộ dân cũng đã đầu tư hệ thống máy bơm để phục vụ tưới trong đợt nắng hạn. Đặc biệt, nhiều hộ dân đang áp dụng phương pháp canh tác… nuôi cỏ dại. Anh Trần Văn Loát (thôn Tân Phúc, xã Hương Trạch) chia sẻ, 1 ha bưởi của gia đình đang được phủ cỏ dại. Việc giữ lại cỏ sẽ giảm được tình trạng thoát hơi nước, tạo độ ẩm và chống xói mòn, rửa trôi. Vì vậy, nuôi cỏ dại hợp lý sẽ giúp cây ăn quả chống chọi tốt hơn với nắng nóng, giảm được tần suất tưới trong trường hợp hạn hán kéo dài, thiếu nước.

Để đảm bảo cho công tác gieo trồng lúa vụ hè thu cũng như sản xuất nông nghiệp nói chung, huyện Hương Khê đang gấp rút hoàn thành phương án chống hạn. Ông Trần Đình Tâm – Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hương Khê cho biết: Sẽ có 2 kịch bản chống hạn tùy theo lượng mưa thực tế trong các tháng 5, 6, 7, 8. Ở cả 2 phương án, huyện nỗ lực để cân đối nguồn nước, đảm bảo cơ bản cấp đủ nước tưới cho hơn 2.000 ha lúa thuộc khu tưới của các công trình thủy lợi đảm nhận. Trong điều kiện thời tiết bất lợi (nắng nóng, nhiệt độ cao, lượng mưa thấp) thì tập trung chống hạn cho khoảng 700 ha.

a5.jpg
Tiết kiệm nước là một trong những giải pháp quan trọng để ứng phó lâu dài với hạn hán ở Hương Khê.

Cùng đó, các địa phương sẽ triển khai giải pháp tiết kiệm nước trong sản xuất, có phương án giữ nước tại mặt ruộng ngay trong quá trình thu hoạch vụ xuân để tiết kiệm nước tối đa cho vụ hè thu. Tổ chức kiểm tra, cân đối nguồn nước tại các hồ đập để xây dựng phương án tưới và phương án phòng, chống hạn cho từng khu tưới, từng hệ thống công trình. Bố trí cây trồng hợp lý; xác định rõ diện tích chủ động nước để gieo cấy lúa, những diện tích không chủ động nước thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tuyệt đối không gieo cấy lúa vào diện tích cao cưỡng không chủ động nước.

Đồng thời, tập trung nạo vét, khơi thông các hệ thống kênh tưới, kênh dẫn trạm bơm, kiên cố hóa kênh mương, củng cố bờ vùng, bờ thửa để giữ nước mặt ruộng, tránh thất thoát nguồn nước. Khắc phục, sửa chữa hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho số diện tích cây trồng cạn đã được lắp đặt; vận động nhân dân lắp đặt thêm hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho số diện tích còn lại để đảm bảo chống hạn cho cây trồng cạn.

a2.jpg
Hệ thống điện mặt trời áp mái ở Hương Khê có tổng công suất tối đa lên đến 15 MW.

Cùng với ngành nông nghiệp, ngành điện lực cũng đã bắt đầu triển khai các giải pháp ứng phó với nắng hạn. Ông Phạm Lương Trung – Giám đốc Điện lực Hương Khê khẳng định, với các giải pháp, kế hoạch đã xây dựng, trên địa bàn Hương Khê sẽ không lo xảy ra tình trạng thiếu điện. Ngoài nguồn điện từ trạm hệ thống, chúng tôi đã làm việc với các đơn vị như Nhà máy Thủy điện Hố Hô (tỉnh Quảng Bình), Thủy điện Đá Hàn (xã Hòa Hải) và các đối tác có máy phát điện để phát bù hỗ trợ khi thiếu điện.

Ngoài ra, hệ thống điện mặt trời áp mái trên địa bàn có tổng công suất tối đa lên đến 15 MW nên hoàn toàn đảm bảo cung ứng điện cho hoạt động sản xuất, dân sinh. Bên cạnh đó, hiện nay, tỷ lệ công tơ điện tử đo xa trên địa bàn đã đạt trên 80%, khi phát hiện trường hợp có mức tiêu thụ điện cao, chúng tôi sẽ tuyên truyền, nhắc nhở trực tiếp đến tận người dân để tiết kiệm điện.

Đáng lo ngại nhất tại ”chảo lửa” Hương Khê hiện nay là một số vùng có nguy cơ cao thiếu nước sinh hoạt như Hương Lâm, Hương Liên, Hà Linh, Điền Mỹ… Trước mắt, các cấp, ngành đang tăng cường công tác truyền thông, cảnh báo về tình hình hạn hán. Khuyến cáo người dân chuẩn bị các dụng cụ tích nước và chỉ đạo các địa phương có kế hoạch vận chuyển nước từ nơi khác về cấp cho bà con sinh hoạt; tăng cường thăm dò các vùng có nước ngầm để khoan giếng phục vụ tại chỗ. Những vùng không có công trình cấp nước tập trung mà có thể khai thác được nước ngầm cần khoan thêm và đào sâu các giếng khơi đã có để cấp nước sinh hoạt; xây dựng các hệ thống lắng lọc, chuẩn bị các thiết bị, hóa chất để xử lý nước...

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast