Kết luận chính thức nguyên nhân ốc hương chết hàng loạt ở Cẩm Xuyên

(Baohatinh.vn) - Cơ quan chuyên môn Hà Tĩnh đã loại trừ nguyên nhân ốc chết do dịch bệnh như nhận định ban đầu của các hộ nuôi.

Tình trạng ốc hương chết hàng loạt tại bãi Cồn Vạn (xã Cẩm Lĩnh, Cẩm Xuyên) xuất hiện từ đầu tháng 3/2024 trở lại đây tại 8/13 hộ nuôi và tần suất ngày càng cao từ đầu tháng 4, ước thiệt hại đã lên tới hàng tỷ đồng.

Ảnh 1.jpg
Có 8/13 hộ nuôi tại vùng Cồn Vạn bị ảnh hưởng, tổng mức thiệt hại lên tới hàng tỷ đồng.

Sau khi nhận được thông tin, Phòng NN&PTNT huyện Cẩm Xuyên đã phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tiến hành xuống lấy mẫu, xác định nguyên nhân gây ra tình trạng ốc hương chết hàng loạt.

Theo báo cáo từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, ốc chết do dịch bệnh như nhận định ban đầu của các hộ nuôi đã được loại trừ. Nguyên nhân chính khiến ốc chết hàng loạt do tổng hòa của nhiều yếu tố như: nguồn nước không đảm bảo tiêu chuẩn, môi trường ao nuôi chưa được xử lý đúng quy định, mật độ thả giống cao hơn nhiều so với khuyến cáo... Cùng với đó, tình hình thời tiết từ đầu năm đến nay diễn biến phức tạp, thất thường khiến sức đề kháng của ốc hương bị giảm sút.

Qua khảo sát thực địa của cơ quan chuyên môn, mật độ thả nuôi ốc hương rất dày, đạt trung bình từ 800 - 1.500 con/m2. Đây là mật độ nuôi trung bình cao gấp hàng chục lần so với khuyến cáo kỹ thuật của các cơ quan chuyên môn (bình quân chỉ 50 - 100 con/m2 với kích cỡ hơn 0,4 cm/con). Dù đây là yêu cầu kỹ thuật quan trọng đã được hướng dẫn, thông tin nhưng nhiều hộ nuôi vẫn không tuân thủ hoặc ít quan tâm đến.

Anh Nguyễn Văn Dần (thôn 5, xã Cẩm Lĩnh) chia sẻ: “Ốc giống được bà con lấy từ Nha Trang (Khánh Hoà), không có những tiêu chuẩn nhất định về kích thước, chỉ mua theo kiểu “áng chừng” theo kinh nghiệm. Mỗi vụ nuôi, mỗi ao có diện tích 2.500 - 3.000m2 sẽ được thả khoảng 2 triệu con giống, có những vụ chúng tôi thả đến 5 triệu con/ao (mật độ trung bình từ 800 - 1.800 con/m2 - PV)”.

Ảnh 2.jpg
Hạ tầng vùng nuôi không đảm bảo, người dân thường lấy nước trực tiếp từ bên ngoài đê vào hồ, không xử lý qua ao lắng.

Ngoài yếu tố chất lượng, kích cỡ con giống, môi trường nuôi cũng quyết định lớn đến thành bại của việc nuôi ốc hương, đặc biệt là khâu xử lý ao hồ, nguồn nước. Tuy nhiên, theo thông tin từ các hộ dân tại xứ Cồn Vạn, tất cả các khâu này đều do người nuôi tự mày mò, tìm hiểu và ứng dụng.

Theo ông Trần Mạnh Quang (thôn 5, xã Cẩm Lĩnh), nguồn nước nuôi ốc được người dân lấy trực tiếp từ vùng biển ven bờ, không qua ao lắng cặn; được xử lý theo “kinh nghiệm” bằng 20 - 25 kg Clorine trước khi thả giống 1 tuần. Trong quá trình nuôi, người dân cũng ít quan tâm đến các yếu tố như: độ mặn, độ pH, không có biện pháp vệ sinh môi trường nuôi thường xuyên để làm sạch đáy ao,...

Bà Nguyễn Thị Hoài Thúy - Trưởng phòng Quản lý nuôi trồng thủy sản (Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh) cho biết: “Nguồn vốn đầu tư cho việc thả nuôi ốc hương là không hề nhỏ, có thể lên tới hàng tỷ đồng/vụ nhưng người dân vẫn chủ yếu theo lối sản xuất truyền thống, chưa chú trọng đảm bảo các khâu theo quy trình thả giống, chăm sóc. Và trên thực tế, trong nhiều năm qua, khi thời tiết ở những giai đoạn chuyển mùa có nhiều điểm bất lợi, vùng nuôi Cồn Vạn cũng đã xẩy ra hiện tượng ốc hương chết hàng loạt".

Ảnh 3.jpg
Người nuôi ốc vùng Cồn Vạn rải vôi, vệ sinh các hồ có tỷ lệ ốc chết cao.

Ông Nguyễn Như Hùng - Chủ tịch UBND xã Cẩm Lĩnh thông tin: Vùng nuôi ốc hương Cồn Vạn là vùng nuôi trồng tự phát, chưa được quy hoạch nên nhiều năm qua, cơ sở hạ tầng đã xuống cấp trầm trọng, không có hệ thống điện lưới theo quy chuẩn. Từ năm 2019, nhiều hộ dân liên tục thua lỗ nên đã chuyển nhượng, cho thuê lại ao. Đến nay, bãi Cồn Vạn chỉ còn 13 hộ dân tham gia nuôi trồng, sản xuất theo kiểu “mạnh ai nấy làm".

UBND xã Cẩm Lĩnh đã nhiều lần đề xuất đưa diện tích nuôi trồng bãi Cồn Vạn về cho địa phương quản lý nhằm có những định hướng đầu tư phù hợp hơn; ưu tiên kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp có năng lực để xây dựng khu nuôi trồng thủy sản bài bản, phát huy thế mạnh vốn có của địa phương.

Ảnh 4.jpg
Vùng nuôi ốc hương bãi Cồn Vạn là vùng nuôi trồng tự phát, chưa được quy hoạch.

Trao đổi với PV, bà Đặng Thị Thu Hoàn - Chi cục Phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh (Sở NN&PTNT Hà Tĩnh) cho biết, đơn vị đã có văn bản yêu cầu UBND huyện Cẩm Xuyên, các ngành chức năng hướng dẫn người nuôi thu gom, tiêu hủy ốc chết; vệ sinh, xử lý, làm sạch khu vực nuôi trước khi thả giống mới. Đồng thời, người dân nên thả giống nuôi rõ nguồn gốc, đã qua kiểm dịch theo quy định, không thả mật độ quá dày, thả giống đúng lịch thời vụ; quản lý tốt các yếu tố môi trường; không xả nước và thủy sản nuôi bị bệnh, chết ra môi trường chưa qua xử lý.

“Về lâu dài, các ngành, địa phương cần rà soát, đánh giá lại tình hình thực tiễn nuôi ốc hương tại bãi Cồn Vạn nói riêng và trên toàn tỉnh nói chung, từ đó xây dựng vùng nuôi bài bản, có kế hoạch phát triển phù hợp, góp phần tăng năng suất và hạn chế rủi ro. Người nuôi cũng cần chú trọng huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng đồng bộ; tuân thủ quy trình nuôi và quản lý dịch bệnh theo khuyến cáo của ngành chuyên môn; nâng cao kinh nghiệm trong việc xử lý nguồn nước, môi trường, lựa chọn con giống khi nuôi trồng,…” – bà Hoàn cho biết thêm.

Ốc hương là loài thủy sản dinh dưỡng, có giá trị kinh tế cao. Nguồn nước nuôi cần được xử lý định kỳ 2 lần/năm. Các chỉ số nước phải luôn được duy trì trong ngưỡng phù hợp, cụ thể: độ pH từ 7.5 - 8.5; độ mặn của nước biển ổn định từ 25 - 35%, nhiệt độ từ 26 - 30 độ C. Ngoài ra, nguồn nước không bị ảnh hưởng bởi nước sinh hoạt, nước ngọt vào mùa mưa. Đối với độ sâu ao, tiêu chuẩn từ 0.8 - 1.5 m, có nền lưới chắn xung quanh và được tẩy dọn, vệ sinh kỹ theo định kỳ.

Ngành chuyên môn đã có văn bản khuyến cáo đến UBND huyện Cẩm Xuyên và các hộ dân. Theo đó, đối với các ao nuôi có tỷ lệ chết cao (từ 50% trở lên, thời gian chết kéo dài) phải tiến hành vệ sinh lại tất cả môi trường, dụng cụ, chuẩn bị lại ao nuôi, ngừng ít nhất 1 tháng mới thả lại giống.

Đối với các ao đang nuôi, rải vôi lên bờ ao, không sử dụng chung dụng cụ với các ao đã có ốc chết; thực hiện san thưa ốc để giảm mật độ nuôi; quản lý tốt môi trường nuôi, như: kiểm soát thức ăn tránh dư thừa, thức ăn tươi rửa sạch trước khi cho ăn, kiểm tra đáy ao, thu gom chất thải, nếu cát có màu đen, mùi hôi cần chuyển ốc sang ao khác, theo dõi các yếu tố môi trường pH, độ mặn, nhiệt độ, oxy hòa tan, các khí độc... để điều chỉnh trong khoảng thích hợp.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Những ngày qua, nền nhiệt ở Hà Tĩnh duy trì rét đậm. Người chăn nuôi đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống rét nhằm đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của đàn gia súc, gia cầm.
Nông dân Hà Tĩnh lo chống rét cho gia súc, gia cầm

Nông dân Hà Tĩnh lo chống rét cho gia súc, gia cầm

Hà Tĩnh đang trải qua đợt rét đậm mạnh nhất kể từ đầu mùa đông đến nay. Bà con nông dân đã chủ động triển khai các biện pháp phòng chống đói, rét, bảo vệ an toàn đàn vật nuôi.
Góp sức phủ xanh những cánh rừng

Góp sức phủ xanh những cánh rừng

Sau nhiều năm xây dựng thương hiệu, đến nay, Công ty TNHH Bảo Lâm (Hương Sơn, Hà Tĩnh) trở thành đơn vị hàng đầu trên địa bàn tỉnh trong lĩnh vực lâm nghiệp, lâm sinh.
Soi đèn đi “săn” rươi ở Nghi Xuân

Soi đèn đi “săn” rươi ở Nghi Xuân

Những ngày qua, khi màn đêm buông xuống, hàng chục hộ dân ở xã Xuân Lam (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) lại ra đồng soi đèn “săn” rươi, thu nhập hàng triệu đồng mỗi ngày.
Sâu bệnh "xuất kích" gây hại ngô vụ đông

Sâu bệnh "xuất kích" gây hại ngô vụ đông

Nông dân Hà Tĩnh cần theo dõi đồng ruộng, kịp thời phát hiện các đối tượng sâu keo, bệnh khô vằn, đốm lá... gây hại trên một số diện tích ngô đông để tránh ảnh hưởng năng suất.
"Đặc sản" Hà Tĩnh vào vụ Tết

"Đặc sản" Hà Tĩnh vào vụ Tết

Thời điểm này, nhiều cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu Hà Tĩnh đã vào vụ cao điểm, chuẩn bị nguồn hàng cung ứng cho thị trường Tết năm 2025.
Rộn ràng mùa lúa mới

Rộn ràng mùa lúa mới

Cuối tháng 11, những cánh đồng ở Hà Tĩnh lại rền vang tiếng máy, tiếng người rộn ràng chuẩn bị sản xuất vụ đầu tiên của năm tới.
Nghi Xuân có thêm 2 sản phẩm OCOP hạng 3 sao

Nghi Xuân có thêm 2 sản phẩm OCOP hạng 3 sao

Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) công nhận sản phẩm “Chả cá sông Lam” và sản phẩm “Rau sạch An Tâm” đạt chuẩn OCOP hạng 3 sao đợt 5 năm 2024.