Ốc hương chết hàng loạt, nông dân Cẩm Xuyên thiệt hại lớn

(Baohatinh.vn) - Gần 3 tháng qua, nhiều hộ dân tại bãi Cồn Vạn (xã Cẩm Lĩnh, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã thất thoát hàng trăm triệu đồng do ốc hương trong hồ nuôi chết hàng loạt.

Gia đình ông Nguyễn Văn Hảo, bà Nguyễn Thị Lai (thôn 5, xã Cẩm Lĩnh, Cẩm Xuyên) làm nghề nuôi ốc hương từ năm 2015. Dù trải qua nhiều đợt ốc hương chết do mưa lũ, thời tiết thay đổi, thế nhưng, đây là năm đầu tiên gia đình ông bà gặp phải tình trạng ốc chết hàng loạt, thiệt hại nặng nề.

Bà Lai kể: “Năm nay, gia đình tôi thả 2 đợt giống (đợt 1 vào đầu tháng 1/2024 và đợt 2 vào cuối tháng 3/2024) với số lượng mỗi đợt 3 triệu con giống, chi phí khoảng 170 triệu đồng. Thế nhưng, ốc vừa thả xuống được khoảng vài tuần là chết trắng ao. Đến nay, gia đình tôi vẫn chưa rõ nguyên nhân".

Bên cạnh chi phí giống lên tới hàng trăm triệu đồng, sau mỗi đợt ốc chết, ông bà phải bỏ thêm tiền thuê lao động cải tạo ao hồ, trả tiền điện nước… lên tới hàng chục triệu đồng.

DSCF2013.JPG
Bà Lai thất thần khi 2 đợt thả giống ốc hương đều chết hàng loạt không rõ nguyên nhân.

Không riêng gì gia đình bà Lai, nhiều hộ dân tại bãi Cồn Vạn những ngày này như “ngồi trên đống lửa".

Dù thời tiết thuận lợi cho việc nuôi ốc hương, tuy nhiên, thay vì hoạt động nuôi trồng thông thường, họ phải tất bật thu gom ốc chết, xử lý nguồn nước nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường, tạo điều kiện để tái sản xuất. Tuy vậy, số ốc hương giống quá nhỏ khiến việc thu gom gặp nhiều khó khăn, công tác làm sạch ao hồ để thả đợt giống mới cũng bị gián đoạn.

DSCF1996.JPG
Các hộ dân tại bãi Cồn Vạn (thôn 5, Cẩm Lĩnh) tập trung xử lý nguồn nước vì ốc hương chết hàng loạt.

Ông Trần Mạnh Duyên (thôn 5, xã Cẩm Lĩnh, Cẩm Xuyên) cho biết, bãi Cồn Vạn hiện có khoảng 30 ao nuôi của 13 hộ dân với tổng diện tích lên tới 21ha. Tuy nhiên, từ đầu tháng 1 đến nay, vùng nuôi này xuất hiện hiện tượng ốc hương vừa thả giống đã chết hàng loạt, buộc phải thu dọn hồ. Thiệt hại nặng nề nên đến nay, nhiều ao vẫn đang bị bỏ trống do người dân chưa thể tái sản xuất.

“Gia đình tôi nuôi ốc nhiều vụ cho giá trị kinh tế cao, chỉ có năm nay là khó khăn đến thế. Dù chúng tôi đã làm rất cẩn thận từ khâu lựa chọn giống, xử lý nguồn nước nhưng cứ ốc giống vừa mới thả ra khoảng 20 ngày là chết. Có 8/13 hộ đợt này đã thả 3 lần giống, thiệt hại hàng trăm triệu đồng” - ông Duyên nói.

z5330159726681_568377201246bc7abeed229405974af9.jpg
Các hộ nuôi lấy mẫu nước gửi cơ quan chức năng xác định nguyên nhân ốc hương chết hàng loạt

Theo những hộ ở bãi Cồn Vạn, ốc nuôi ở các hồ đều xuất hiện hiện tượng giống nhau, ốc không di chuyển, không leo, đơ, sưng vòi và cuối cùng là chết chìm. Ốc chết rất nhanh và thường chỉ mới thả nuôi được 3 - 5 ngày, lâu nhất là 20 ngày. Hiện, người dân đã tiến hành xử lý nguồn nước cấp nhưng do chưa xác định được nguyên nhân cụ thể nên rất hoang mang, lo lắng.

DSCF2018.JPG
Nhiều hộ gia đình bỏ trống ao nuôi, không thể tiếp tục tái sản xuất do chưa xác định được nguyên nhân ốc hương chết.

Chia sẻ về giai đoạn khó khăn này, ông Thái Văn Thắng (thôn 5, xã Cẩm Lĩnh) ngậm ngùi: “Mỗi mùa vụ, gia đình tôi đầu tư hơn 1 tỷ bao gồm tiền giống, tiền công, tiền chi phí điện nước, thức ăn để nuôi ốc hương. Công sức, vốn liếng bỏ ra mỗi ngày một lớn. Từ đầu năm đến nay, gia đình mất khoảng 500 - 600 triệu đồng do ốc chết".

Ảnh 3.jpg
Một số hộ nuôi đã chuẩn bị lứa ốc giống mới nhưng ở thời điểm hiện tại chưa dám "đánh liều" thả xuống ao nuôi.

Ốc hương là loài nuôi có giá trị kinh tế cao, hằng năm, nguồn ốc hương ở vùng nuôi của xã Cẩm Lĩnh cung cấp chính cho các khu du lịch trên địa bàn. Bà con nông dân tại bãi Cồn Vạn mong muốn các cơ quan chuyên ngành sớm tìm ra nguyên nhân; hỗ trợ về kỹ thuật nuôi trồng phù hợp với điều kiện nguồn nước, thời tiết tại địa phương để sản xuất bền vững hơn với con nuôi này.

Bãi Cồn Vạn hiện là vùng nuôi ốc hương tự phát. Người dân học hỏi kinh nghiệm, lấy giống ở Nha Trang (Khánh Hoà) sau đó về áp dụng tại địa bàn và sản xuất theo hộ gia đình. Hiện tại, chính quyền địa phương đã ghi nhận tình trạng ốc hương chết hàng loạt từ đầu năm, cao điểm nhất là 2 tuần trở lại đây.

Chính quyền địa phương đã báo cáo lên UBND huyện để có phương án hỗ trợ người dân xử lý nguồn nước. Ngoài ra, các đơn vị chuyên ngành cũng đã tiến hành lấy mẫu nước để xét nghiệm, tìm ra nguyên nhân và hướng giải quyết kịp thời, giúp bà con yên tâm tái sản xuất.

Ông Nguyễn Như Hùng, Chủ tịch UBND xã Cẩm Lĩnh

Chủ đề Dịch bệnh cây trồng - vật nuôi

Đọc thêm

Đào phai vào mùa tuốt lá

Đào phai vào mùa tuốt lá

Thời điểm này, các chủ vườn đào ở xã Cổ Đạm (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đang tất bật tuốt lá để đào ra nụ và lộc mới, cung ứng ra thị trường vào dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
“Lá chắn” phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh

“Lá chắn” phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh

Hệ thống cơ sở hạ tầng, thông tin liên lạc phòng chống thiên tai ở Hà Tĩnh từng bước được đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại, góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.
Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Xem nông dân ủ ấm cho đàn vật nuôi

Những ngày qua, nền nhiệt ở Hà Tĩnh duy trì rét đậm. Người chăn nuôi đang tích cực triển khai các biện pháp phòng chống rét nhằm đảm bảo sức khỏe và sự phát triển của đàn gia súc, gia cầm.