Lên phương án ứng phó "bà hỏa” đe doạ rừng Hương Sơn

(Baohatinh.vn) - Bước vào mùa nắng nóng, các lực lượng chức năng ở huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) đang quyết liệt triển khai đồng bộ giải pháp nhằm ngăn chặn cháy rừng.

IMG_1869.JPG
Lực lượng Ban Quản lý rừng phòng hộ Ngàn Phố phát quang đường băng cản lửa tại tiểu khu 43, xã Kim Hoa.

Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ Ngàn Phố chịu trách nhiệm quản lý, bảo vệ hơn 25.000 ha rừng và đất rừng trên địa bàn 12 xã thuộc huyện Hương Sơn, trong đó có hơn 6.000 ha thông, thông xen keo. Đặc biệt, phần diện tích rừng trồng (3.000ha) nằm đan xen ở các khu dân cư nên việc kiểm soát lượng người vào rừng phức tạp khiến công tác bảo vệ rừng - phòng cháy chữa cháy rừng (BVR-PCCCR) trở nên khó khăn hơn.

Thực tế cho thấy, 3 vụ cháy rừng xảy ra trong năm 2023 ở các xã Kim Hoa, Sơn Ninh và Sơn Lâm khiến 3,68 ha rừng bị cháy đều xuất phát từ ý thức chủ quan của người dân như: đốt lửa xua ong lấy mật, vứt mẫu tàn thuốc lá cháy dở xuống lớp thực bì ở rừng...

Theo Trưởng BQL rừng phòng hộ Ngàn Phố Nguyễn Hữu An, năm nay, đơn vị phối hợp với Hạt Kiểm lâm và các địa phương ở huyện Hương Sơn tăng cường thời lượng tuyên truyền lên gấp 2 lần so với những năm trước nhằm nâng cao ý thức cho người dân khi vào rừng. Tại các buổi tuyên truyền, đội ngũ tuyên truyền viên nhấn mạnh đến việc xử lý “mạnh tay” các hành vi vi phạm để tăng tính răn đe đối với người dân.

z5317370839949_c3f459dbd108c8f441484f97c28dc573.jpg
Máy móc chuyên dụng tham gia làm đường băng cản lửa tại thôn 9, xã Sơn Lễ.

Đến thời điểm này, các đơn vị đã tổ chức tuyên truyền, phát tờ rơi, tổ chức ký cam kết không vi phạm Luật Bảo vệ rừng cho hơn 15.000 lượt người dân ở các địa phương. BQL rừng phòng hộ Ngàn Phố huy động nhân công tu sửa hơn 60 biển tường tuyên truyền; đầu tư hàng trăm triệu động mua sắm các trang thiết bị chữa cháy như: máy thổi lửa, bình chữa cháy, và các dụng cụ chữa cháy rừng.

“Đơn vị đầu tư hơn 500 triệu đồng thuê nhiều máy xúc ủi chuyên dụng để mở rộng đường băng cản lửa nhằm hạn chế và ngăn chặn nguy cơ xảy ra cháy rừng lan rộng. Đây là điểm mới trong công tác BVR- PCCCR năm nay” - ông Nguyễn Hữu An cho biết thêm.

Từ đầu năm đến nay, BQL rừng phòng hộ Ngàn Phố đã mở được 28 km đường băng cản lửa rộng từ 10 - 20m tại các tiểu khu 43 (xã Kim Hoa), tiểu khu 8,9 (Sơn Lễ). Theo kế hoạch, việc mở rộng đường băng cản lửa sẽ hoàn thành trước ngày 30/4 tới.

Lực lượng Kiểm lâm Hương Sơn hướng dẫn bà con thôn Tây Nam, xã Sơn Lễ khi phát quang đường băng cản lửa.

Lực lượng Kiểm lâm Hương Sơn hướng dẫn bà con thôn Tây Nam, xã Sơn Lễ khi phát quang đường băng cản lửa.

Đối với chế độ trực ca, vào những đợt có nóng gay gắt, cùng với việc chủ động thực hiện nghiêm các nhiệm vụ theo kế hoạch, nhất là đảm bảo các điều kiện sẵn sàng phương châm “4 tại chỗ”, BQL rừng phòng hộ sông Ngàn Phố phối hợp với Hạt Kiểm lâm Hương Sơn và các địa phương huy động 100% lực lượng, trực 24/24h, theo dõi sát sao việc vào rừng của người dân. Trong trường hợp dự báo cháy ở cấp IV, nghiêm cấm những người không phận sự vào rừng.

IMG_2022.JPG
Cán bộ kiểm lâm Hạt Kiểm lâm Hương Sơn tuyên truyền Luật bảo vệ rừng tại thôn Tây Nam, xã Sơn Lễ

Đồng hành cùng với BQL rừng phòng hộ Ngàn Phố, chính quyền 12 địa phương cũng nhanh chóng vào cuộc. Tại xã Sơn Lễ, địa phương đã bố trí, sắp xếp lực lượng trực phòng cháy 24/24h trong mùa nắng nóng; nghiêm cấm mọi hoạt động đưa lửa vào rừng, đốt lửa, sử dụng lửa trong rừng và ven rừng trong suốt thời gian nắng nóng, hanh khô; tổ chức ký cam kết với các hộ dân sống gần rừng.

Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Lễ Lê Đình Khôi cho biết: "Dù diện tích rừng không lớn (1.578 ha) nhưng diện tích phần lớn nằm xen ở khu dân cư thôn xóm, đi lại khó khăn nên ngay từ đầu năm chúng tôi đã thành lập 1 trung đội xung kích PCCCR với 73 thành viên, 7 tổ tự quản trên 170 người thường xuyên tuần tra kiểm soát để nắm bắt tình hình, kịp thời xử lý khi cháy rừng xảy ra".

Tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp & Dịch vụ Hương Sơn, các kịch bản đề phòng "bà hỏa" mùa nắng nóng năm 2024 cũng đã được "lên dây cót". Ông Lê Tiến Cát - Giám đốc công ty cho hay, đơn vị chịu trách nhiệm quản lý, bảo vệ hơn 19.600 ha rừng tại các xã biên giới như: Sơn Kim 1, Sơn Kim 2, Sơn Tây, Sơn Lĩnh, Sơn Hồng và thị trấn Tây Sơn. Với diện tích rừng rộng, địa hình vùng núi hiểm trở, nhiệt độ mùa hè lúc nào cũng ở mức cao khiến khu vực rừng đơn vị quản lý trở thành vùng trọng yếu về nguy cơ cháy.

"Đầu năm đến nay, đơn vị đã phối hợp với chính quyền các địa phương huy động hàng ngàn ngày công, sẻ phát cây bụi, mở rộng hơn 10km đường băng cản lửa ở 2 xã Sơn Lĩnh, Sơn Hồng. Cùng với đó, đầu tư hơn 350 triệu đồng mua sắm các trang thiết bị sẵn sàng ứng cứu khi cháy rừng xảy ra" - ông Lê Tiến Cát cho biết thêm.

Hạt trưởng Kiểm lâm Hương Sơn Lê Ngọc Danh cho biết: “Năm nay, thời tiết dự báo nắng nóng sẽ gay gắt hơn mọi năm nên công tác PCCCR càng phải được chuẩn bị kỹ, lưỡng, sẵn sàng các kịch bản. Đơn vị đã phối hợp với các đơn vị quản lý, chủ rừng chủ động các phương án PCCCR; trong mùa nắng nóng, bố trí 100% lực lượng trực chiến; tổ chức trực gác qua camera giám sát tại hạt, cắt cử lực lượng tại các địa phương để giám sát chặt chẽ số người ra vào rừng”.

Toàn huyện Hương Sơn có 84.000 ha rừng, trong đó có 65.000 ha rừng tự nhiên, còn lại là rừng trồng. Trong đó, BQL rừng phòng hộ Ngàn Phố chịu trách nhiệm quản lý, bảo vệ 25.000ha, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp & Dịch vụ Hương Sơn quản lý 19.600 ha, Vườn quốc gia Vũ Quang 7.000 ha; số còn lại thuộc các tổ chức và các hộ gia trình trên địa bàn huyện.

Đọc thêm

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Với đa dạng sản phẩm đặc sản của tỉnh được trưng bày, Lễ hội Cam và các sản phẩm Hà Tĩnh năm 2024 được đông đảo người dân đến tham quan, mua sắm, tạo không khí nhộn nhịp.
Bám biển mùa "gió chướng"

Bám biển mùa "gió chướng"

Dù thời tiết không thuận nhưng những ngư dân yêu lao động ở xã Thịnh Lộc (Lộc Hà, Hà Tĩnh) vẫn kiên trì bám biển, chăm chỉ mưu sinh.
Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao để phát triển ngành nghề mới, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025.
Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn đầu tư phát triển các mô hình nông – lâm – thủy sản với tổng dư nợ đạt gần 13.000 tỷ đồng.