Bám sát ruộng đồng, dồn sức phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa hè thu

(Baohatinh.vn) - Sáng 2/8, Sở NN&PTNT tổ chức cuộc họp bàn các giải pháp phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ lứa 3 hại lúa hè thu 2014. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn tới dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn khẳng định nguy cơ bùng phát sâu cuốn lá nhỏ lứa 3 là rất cao, do đó, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc mạnh mẽ để xử lý hiệu quả
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn khẳng định nguy cơ bùng phát sâu cuốn lá nhỏ lứa 3 là rất cao, do đó, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc mạnh mẽ để xử lý hiệu quả

Từ đầu vụ đến nay, lúa hè thu chịu ảnh hưởng 2 lứa sâu cuốn lá nhỏ, trong đó diện tích nhiễm lứa 1 là 4.504 ha và lứa 2 là gần 19.000 ha; một số địa phương bị nhiễm nặng, diện tích trắng lá lớn như: Thạch Hà, Can Lộc, Cẩm Xuyên.

Theo điều tra của Chi cục BVTV, hiện trên đồng ruộng chủ yếu lá sâu cuối tuổi 5 đã ngừng ăn (25- 30%) và nhộng (70-75%); dự kiến từ ngày 3 - 5/8, nhộng sẽ vũ hóa và nở rộ sâu non vào khoảng mùng 7 - 13/8 tới. Lứa sâu thứ 3 sẽ tập trung gây hại bộ lá đòng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh trưởng, phát triển và năng suất lúa hè thu, đặc biệt là trà lúa trổ sau 10/8.

Huyện Hương Khê đã có gần 270 ha lúa bị sâu cuốn lá gây hại
Huyện Hương Khê đã có gần 270 ha lúa bị sâu cuốn lá gây hại

Sau khi nghe ngành chuyên môn và các địa phương phân tích tình hình bùng phát dịch sâu cuốn lá nhỏ trên diện rộng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đình Sơn cho rằng: Nguyên nhân chủ yếu vẫn là thái độ chủ quan trước sự phát sinh của sâu bệnh từ ngành chuyên môn đến huyện, xã và người dân. Trong đó, các cấp chính quyền đã thiếu quyết liệt, thiếu chỉ đạo sâu sát và thường xuyên trên đồng ruộng; cán bộ chuyên môn không bám sát, thiếu cụ thể; sự phối hợp giữa chuyên môn, địa phương còn lỏng lẻo, gặp nhiều khó khăn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: nguy cơ bùng phát sâu cuốn lá nhỏ lứa 3 là rất cao. Do đó, đề nghị cả hệ thống chính trị phải vào cuộc mạnh mẽ, ngành chuyên môn và địa phương phải tổ chức rà soát, kiểm tra đồng ruộng để nắm chắc quá trình sinh trưởng của từng trà giống, từng vùng sản xuất để phân loại các biện pháp phòng trừ hiệu quả.

Với trà lúa trổ sau 15/8, các địa phương cần dồn sức chỉ đạo phun phòng trừ tập trung đúng thời điểm, đúng quy trình kỹ thuật để giảm thiểu thấp nhất ảnh hưởng đến năng suất cây trồng. Ở những vùng mật độ cao, chấp nhận phun kép nhằm diệt trừ hiệu quả quá trình gối lứa của sâu. Cần thông báo diễn biến phát sinh của sâu đến tận người dân, tổ chức cắm vè và phun phòng trừ đồng loạt. Chính quyền cấp huyện, xã phải chủ động ngân sách hỗ trợ bà con nông dân thuốc BVTV trong trường hợp cần thiết.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast