Bổ cứu vụ đông, khôi phục sản xuất sau lũ

(Baohatinh.vn) - Ba trận lũ xuất hiện đúng vào thời điểm gieo trồng các loại cây vụ đông khiến thời vụ bị kéo giãn, nhiều loại cây trồng không đạt kế hoạch đề ra.

Phóng viên Báo Hà Tĩnh đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trí Hà - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật về các giải pháp bổ cứu, khôi phục sản xuất vụ đông.

bo cuu vu dong khoi phuc san xuat sau lu

Người dân Hương Sơn đưa phương tiện cơ giới vào phục vụ, đẩy nhanh sản xuất vụ đông. Ảnh: Đậu Bình

- Xin ông cho biết, thời vụ của vụ đông còn lại như thế nào?

Theo khung thời vụ của tỉnh, vụ đông bắt đầu từ cuối tháng và kết thúc vào tháng 12. Cây trồng tập trung vẫn là ngô lấy hạt, ngô sinh khối, rau các loại, khoai lang, lạc… Trong đó, ngô là cây trồng chủ lực với diện tích gần 7.000 ha (cả ngô lấy hạt và ngô sinh khối), chiếm hơn 50% tổng diện tích gieo trỉa vụ đông; rau các loại trên 4.000 ha; khoai lang 2.055 ha. Theo kế hoạch, ngô chuyên canh chính vụ lấy hạt sử dụng nhóm dài ngày như NK66, P4199, NK6326, NK7328, NK4300, PAC999, PAC669, CP3Q…, thời vụ kết thúc trước 5/10; trong điều kiện bổ cứu sản xuất, ngô lấy hạt ngắn ngày sử dụng HN 68, MX2, MX4, MX6 và MX 10, ngô sinh khối, khoai lang phải kết thúc trước 30/10. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của nhiều đợt mưa lũ liên tiếp đã kéo chậm thời vụ sản xuất tất cả các loại cây trồng.

Hiện tại, khung lịch chỉ còn dành lại cho ngô đông muộn - xuân sớm và rau ngắn ngày. Đối với ngô, số diện tích này chủ yếu trồng ở Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn, thời vụ gieo trồng kết thúc 10/12/2016. Các loại rau ngắn ngày, tốt nhất là khai thác hết các diện tích chuyên canh, bên cạnh đó có thể tận dụng các loại đất để trồng xen dắm, nếu gieo trồng trên đất làm lạc xuân, phải thu hoạch trước 15/1/2017.

Do thời vụ còn quá ít nên bà con nông dân cũng không còn nhiều lựa chọn bộ giống. Để không ảnh hưởng đến vụ xuân 2017, đối với ngô, bà con nông dân gieo trồng ngô nếp ngắn ngày với các giống như HN 68, MX2, MX4, MX6 và MX 10 để vừa có thể lấy bắp tươi, hoặc dùng làm ngô sinh khối phục vụ chăn nuôi. Đối với cây khoai lang, tận dụng các loại đất để trồng sử dụng lá, ngọn khoai làm rau và sử dụng thân lá làm thức ăn chăn nuôi.

bo cuu vu dong khoi phuc san xuat sau lu

Nông dân Thạch Hà gieo trỉa ngô sinh khối

- Như vậy, vụ đông năm nay đang gặp quá nhiều khó khăn. Ngành NN&PTNT đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương như thế nào để bổ cứu kịp thời sản xuất, thưa ông?

Sản xuất vụ đông năm 2016 gặp điều kiện thời tiết hết sức khó khăn. Mưa lớn xuất hiện ngay từ đầu vụ, từ tháng 9 đến nay, Hà Tĩnh chịu 5 trận mưa lớn, đặc biệt là lũ chồng lũ (từ 12 - 15/10, từ 30/10 - 4/11) đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ sản xuất cũng như gây thiệt hại đối với những diện tích đã gieo trồng. Theo thống kê, toàn tỉnh có đến 2.184,1 ha bị hư hại hoàn toàn, chiếm 66% diện tích thực hiện; 20 ha rau, củ, quả trên cát hoang hóa ven biển bị ảnh hưởng, hư hại.

Trước tình hình đó, ngay sau cuộc họp bổ cứu sản xuất của UBND tỉnh ngày 21/10/2016, Sở NN&PTNT đã vào cuộc chỉ đạo sản xuất. Trước hết, ban hành phương án bổ cứu sản xuất sau mưa lũ số 796/PA-SNN ngày 26/10/2016, theo đó, thành lập các tổ công tác xuống các địa phương để hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương khắc phục thiệt hại. Trong đó, chú trọng các giải pháp như: tranh thủ thời tiết thuận lợi để chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho các cây trồng đang khôi phục được, tạo điều kiện thuận lợi nhất để cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt; khi điều kiện thời tiết và đất đai phù hợp, khẩn trương gieo trồng các loại rau, mở rộng diện tích rau ngắn ngày phục vụ nhu cầu thị trường; chuẩn bị đầy đủ các loại vật tư để gieo trà ngô đông muộn - xuân sớm và các loại ngô làm thực phẩm, phục vụ chăn nuôi.

Cùng với đó, ngành cũng đã tham mưu chính sách hỗ trợ giống cây trồng, khắc phục thiệt hại, đặc biệt là những diện tích gieo trồng bị hỏng. Đến thời điểm này, các địa phương đã phục hồi, gieo trỉa lại 1.063 ha ngô lấy hạt; 865 ha ngô sinh khối; 337 ha khoai lang; 114 ha rau, củ, quả trên cát và hơn 850 ha rau màu các loại.

- Theo ông, các địa phương cần làm gì để “cứu” vụ đông?

Theo tôi, việc cần thiết nhất là các địa phương cần tiếp tục hướng dẫn, chỉ đạo bà con nông dân tranh thủ thời tiết, đẩy nhanh tiến độ làm đất, gieo trỉa các loại cây trồng trong khung thời vụ cho phép. Nhất thiết phải linh hoạt trong việc bố trí cây trồng, thời vụ để thu được sản phẩm có hiệu quả kinh tế nhưng không ảnh hưởng đến thời vụ làm lạc xuân. Cùng với đó, tiếp tục chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên các cây trồng đang có khả năng phục hồi.

- Xin cảm ơn ông!

(Thực hiện)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast