Cẩm Sơn khơi dậy sức dân từ ý Đảng

(Baohatinh.vn) - Phát huy truyền thống của quê hương, 60 năm qua, Đảng bộ và chính quyền xã Cẩm Sơn (Cẩm Xuyên) đã khơi dậy sức dân, nêu cao tinh thần đoàn kết, sáng tạo trong lao động, sản xuất, xây dựng quê hương ngày càng ấm no, hạnh phúc.

“Đảng viên đi trước…”

Cẩm Sơn là xã miền núi nằm về phía Nam huyện Cẩm Xuyên, có diện tích hơn 4.828 ha với 1.300 hộ, 4.618 nhân khẩu. Toàn xã có 10 thôn xóm, 14 chi bộ, 1 đảng bộ với 330 đảng viên. Nhân dân Cẩm Sơn giàu truyền thống yêu nước, cần cù lao động. Sau khi đất nước hòa bình, thống nhất, Đảng bộ và chính quyền cùng nhân dân tích cực tiến công vào mặt trận xóa đói giảm nghèo, xóa các tàn dư lạc hậu.

“Chìa khóa thành công” quyết định mọi thắng lợi, đó là Đảng bộ và chính quyền phải biết dựa vào dân, biết khơi dậy sức dân trong mọi hoàn cảnh. Ông Lê Ngọc Cư - nguyên Bí thư Đảng ủy xã tâm sự: “Làm cán bộ cơ sở để dân tin, dân nghe và thực hiện tốt mọi chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước thật không dễ, nhất là làm cán bộ xã miền núi như Cẩm Sơn. Khi đời sống người dân còn chật vật, nếu cán bộ chỉ lo vun vén lợi ích cá nhân thì sẽ gây mất đoàn kết nội bộ, mất lòng tin đối với nhân dân. Muốn thành công, trước hết, mỗi đảng viên phải thực sự là công bộc của dân”.

Nhân dân xã Cẩm Sơn ra quân làm đường giao thông nông thôn.
Nhân dân xã Cẩm Sơn ra quân làm đường giao thông nông thôn.

Về Cẩm Sơn trong những ngày này, chúng tôi được nghe nhiều người dân nhận xét về cán bộ xã mình. Càng hiểu, càng thấy thêm “sức mạnh Đảng, sức mạnh chính quyền tạo nên sức mạnh lòng dân”. Hầu như các thôn trưởng ở Cẩm Sơn đều là những đảng viên được bà con khâm phục. Bác Dương - một cán bộ, đảng viên lão thành cho biết: “Cái gốc của mọi thành công phải bắt đầu từ chăm lo xây dựng Đảng. Tại Cẩm Sơn, Đảng không làm thay những công việc của chính quyền mà luôn tôn chỉ mục đích: Đảng lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện. Vì vậy, nếu cán bộ chính quyền xã làm sai, Đảng ủy phải biết; đảng viên có khuyết điểm thì không được thanh minh, bao biện mà phải nhận lỗi trước tập thể. Đảng ủy Cẩm Sơn biết xây đắp tình đoàn kết từ trong cấp ủy đến chi bộ thôn, luôn dân chủ, minh bạch, “đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân”.

Trong các buổi sinh hoạt chi bộ thường kỳ, xã Cẩm Sơn đều có kế hoạch hành động cụ thể, không hình thức chung chung. Sức mạnh Đảng được nhân lên từ mỗi đảng viên tự chỉnh đốn mình về phong cách, lề lối làm việc. Những việc thường ngày dân cần đều được cán bộ giải quyết nhanh gọn, khoa học, điều gì “khúc mắc” trong thực hiện chế độ, chính sách đều được giải thích và hướng dẫn chu đáo.

Đồng hành cùng những quyết sách lớn

Cũng như bao miền quê nghèo khác, người dân Cẩm Sơn ngày xưa sống dưới mái nhà tranh, phên nứa gió lùa, đèn dầu hiu hắt; những con đường ổ gà, ổ trâu, mùa đông - bùn lầy lội, mùa hè - bụi mù mịt. Đảng đã đem ánh sáng văn minh đến mỗi nhà bằng: “điện, đường, trường, trạm”, người dân Cẩm Sơn đã hiểu được giá trị đích thực và vĩnh hằng nên tích cực hưởng ứng. Ông Lê Hữu Tiến - Chủ tịch UBND xã cho biết: “Mặc dầu chúng tôi đang được hưởng lợi từ dự án 135, nhưng mọi việc lớn, nhỏ đều phải có sự chung lưng đấu cật của nhân dân”.

Để các phong trào trở thành sức gió lớn thổi bùng trong mỗi người dân thì đảng viên phải gương mẫu làm trước. Chẳng hạn, chuyện làm 14 km đường giao thông nông thôn. Khi quy hoạch, không ít vườn nhà của cán bộ, đảng viên phải thu hẹp, phá bỏ cây cối. Sau đêm chi bộ họp, hôm sau máy húc, máy ủi cùng lực lượng làm đường tiến quân vào những gia đình cán bộ, đảng viên trước. Không khí làm đường bỗng dưng sôi động hẳn lên. Từ ý thức đảng viên đã nhân lên ý thức cộng đồng. Theo đó, hàng trăm hộ hiến đất với diện tích lên tới 60.000m2 và 154.000 cây các loại. Khi tiếp xúc với ông Đặng Bá Sang (xóm 10), tôi hỏi: Nghe nhiều người nói, trong chuyện mở đường đi qua ngõ, bác là người chịu thiệt thòi nhất? Ông Sang cười bảo: “Chú định nhắc lại chuyện tôi dỡ cái cổng à? Quả thật, cổng tôi xây dựng khá hoành tráng với trị giá 30 triệu đồng. Tiết kiệm năm này sang năm khác mới được ngần ấy. Mới đầu, nghe tin, đêm nằm vợ chồng tôi cũng trằn trọc lắm, nhưng khi trưởng thôn đến vận động, cán bộ xã đến thuyết phục, họ nói rất có lý, có tình, tôi nhìn xung quanh xóm, ai cũng đang chờ mình. Thế nên, tôi không chần chừ nữa…”.

Còn đối với ông Trương Văn Lịch: “200m2 đất mất gần nửa sào rồi. Nhưng tôi xem truyền hình thấy có người hiến cả ngàn m2 đất để xây dựng trường thì việc tôi làm chỉ bé bằng hạt vừng”.

Tin thôn xóm nô nức làm đường mới, tin bà con tự nguyện hiến đất bay đi khắp mọi miền Tổ quốc. Những người con đi làm ăn xa quê, ai cũng mong quê mình đẹp, dân mình đỡ khổ. Từ Hà Nội, cựu Đại tá Nguyễn Ngọc Cừ mỗi lần về thăm quê đều có dịp đàm đạo với cán bộ Đảng ủy, chính quyền xã Cẩm Sơn về sự đồng tình lớn với những chiến lược mà xã đang xây dựng. Ông Cừ chia sẻ: “Gia đình tôi chưa giàu nhưng con cái đã thành đạt, nghĩ tới quê nhà, nhiều lúc ứa nước mắt vì bà con mình còn nghèo. Tôi gửi về 450 triệu đồng để thôn làm đường và nhà văn hóa là số tiền cả nhà tôi tiết kiệm trong nhiều năm”.

Chăn nuôi gia súc mang lại hiệu quả kinh tế ở Cẩm Sơn
Chăn nuôi gia súc mang lại hiệu quả kinh tế ở Cẩm Sơn

Những nghĩa cử vì người nghèo

Không chỉ phát huy sáng tạo trong lao động sản xuất, nâng cao năng suất lao động, quan tâm đến sự nghiệp giáo dục, y tế, Đảng bộ và chính quyền xã Cẩm Sơn luôn chăm lo và có những nghĩa cử cao đẹp đối với người nghèo. Nghị quyết đại hội các khóa của Đảng ủy Cẩm Sơn đề ra chiến lược phát triển KT-XH nêu rõ: “Giúp đỡ người nghèo là trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên”. Giúp người nghèo theo quan điểm mới của Cẩm Sơn vừa hỗ trợ khó khăn trước mắt, vừa có “cần câu” để làm ăn lâu dài. Một vùng quê yên tĩnh, dân chưa bắt nhịp với dịch vụ - thương mại, họ chỉ quen cấy gặt ngoài đồng, chăn nuôi nông hộ, nhưng khi Hội Phụ nữ xã phát động phong trào tiết kiệm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ, chị em 10 thôn đều nhiệt tình hưởng ứng. Mỗi ngày, họ tiết kiệm 2.000-5.000 đồng. Số tiền ít ỏi này là “nhân”, là “nghĩa”, là bước “chân đồng hành” với “bạn nghèo” để tạo nên sức sống mới.

Người nghèo khi được vay không lấy lãi đã cảm động rồi, cảm động hơn nữa là được cán bộ đến bày cách làm ăn. Chỉ 22 triệu đồng từ “ống tiền tiết kiệm” của chị em nhưng đã giúp được 32 gia đình hội viên có vốn chăn nuôi. Từ đồng lãi gà, lợn, họ nghĩ đến việc mua trâu, bò cày kéo.

Chuyện “ống tiền tiết kiệm” phụ nữ bền bỉ như cô Tấm nhặt thóc, chuyện những cựu chiến binh tuy tuổi cao, sức yếu vẫn bám ruộng, bám đồng, bám đồi, bám núi mở mang diện tích làm nên những hạt thóc rất đáng phục ở Cẩm Sơn. Nhờ đó, họ có 15 tấn thóc vàng làm “quỹ đồng đội” giúp người nghèo. Chưa hết, họ còn tiết kiệm khoản lương tháng của mình hơn 100 triệu đồng để góp phần giảm bớt vất vả, rủi ro cho đồng đội hôm nay.

Về Cẩm Sơn thăm ngôi nhà tình nghĩa mới xây, xem con lợn hộ nghèo mới thả và cả những đồng quê rười rượi lúa, ai cũng thấy ấm lòng. Cẩm Sơn đang sáng lên từ trái tim hồng của Đảng. Một trái tim giàu lòng nhân nghĩa thắp sáng cho cộng đồng từ quá khứ - hiện tại và tương lai.

Tháng 8/2014

Chủ đề Xây dựng nông thôn mới

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast