Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh nói gì về hiện tượng cá nuôi lồng bè chết hàng loạt?

(Baohatinh.vn) - Theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh Nguyễn Công Hoàng, hiện tượng cá chết hàng loạt có thể là do mưa lũ, nước bị ngọt hóa nhanh khiến cho môi trường thay đổi đột ngột, cá bị sốc nước.

Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh nói gì về hiện tượng cá nuôi lồng bè chết hàng loạt?
Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh nói gì về hiện tượng cá nuôi lồng bè chết hàng loạt?

Khoảng 100 tấn cá chẽm nuôi lồng bè của người dân xã Thạch Sơn bị chết sau đợt mưa vừa qua

Sau khi cá nuôi lồng bè ở 3 vùng nuôi tại Hà Tĩnh bất ngờ chết hàng loạt, ngành chức năng đã trực tiếp xuống kiểm tra, lấy mẫu nước, mẫu cá gửi Tổng cục Thủy sản và Trung tâm Quan trắc môi trường và bệnh thủy sản miền Bắc hỗ trợ phân tích để sớm tìm ra nguyên nhân.

Theo thông tin từ Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh, tính tới sáng nay (10/9), 3 vùng nuôi cá chẽm lồng bè trên địa bàn có hiện tượng cá chết hàng loạt, gồm xã Thạch Sơn, Thạch Đỉnh (huyện Thạch Hà); xã Thạch Hưng (TP Hà Tĩnh) và xã Cẩm Phúc (huyện Cẩm Xuyên).

Trong đó, 54 hộ bị thiệt hại ở xã Thạch Sơn (49 hộ nuôi phía dưới Bara Đò Điệm và 5 hộ nuôi phía trên Bara Đò Điệm), ước tính sơ bộ 259 ô lồng. Sản lượng thiệt hại khoảng 100 tấn, giá trị thiệt hại ước tính trên 12 tỷ đồng. Qua kiểm tra các vùng xung quanh lưu vực sông đoạn nuôi lồng cho thấy, có hiện tượng cá tự nhiên chết rải rác.

Tại xã Thạch Đỉnh, có 8 hộ thiệt hại với số cá chết là 2.630 con (kích cỡ cá từ 1-2 kg), ước tính sản lượng khoảng 4 - 4,5 tấn, giá trị thiệt hại khoảng 450 - 500 triệu đồng.

Ở xã Thạch Hưng (TP Hà Tĩnh) có 15 hộ có cá bị chết (kích cỡ cá khoảng 1kg) với số lượng 12 tấn, còn tại xã Cẩm Phúc (huyện Cẩm Xuyên) có 9 hộ, số cá chết là 10 tấn.

Bà Nguyễn Thị Hoài Thúy - Trưởng phòng Quản lý nuôi trồng thủy sản (Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh) cho biết: Sau khi nhận được thông tin cá chết, Sở NN&PTNT Hà Tĩnh đã giao các đơn vị chuyên môn phối hợp với UBND huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên, TP Hà Tĩnh cùng các xã liên quan trực tiếp xuống kiểm tra, lấy mẫu nước và mẫu cá tại các lồng nuôi có hiện tượng cá chết gửi Tổng cục Thủy sản và Trung tâm Quan trắc môi trường và bệnh thủy sản miền Bắc hỗ trợ phân tích để sớm tìm ra nguyên nhân.

Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh nói gì về hiện tượng cá nuôi lồng bè chết hàng loạt?

Khu vực nuôi cá lồng bè của người dân

Ngành chức năng cũng phối hợp với địa phương, cơ sở thu gom cá, thống kê, kiểm đếm số lượng cá chết, đánh giá sơ bộ mức độ thiệt hại và hướng dẫn các hộ nuôi thu gom xử lý .

Cũng theo bà Thúy, Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh khuyến cáo các hộ dân những biện pháp xử lý kịp thời, tại chỗ, như tuyệt đối không được vứt thuỷ sản chết ra môi trường, không được bán cá chết; không dùng cá chết làm thức ăn cho động vật khác.

Sau khi vớt hết cá chết trong lồng, cần tiến hành đưa lồng bè lên bờ vệ sinh, khử trùng, phơi lồng, tạm dừng các hoạt động thả nuôi cá vào thời điểm này.

Theo ông Nguyễn Công Hoàng – Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, trên địa bàn toàn tỉnh hiện có tổng diện tích nuôi cá lồng bè là 229 lồng, nằm rải rác ở vùng ven sông các địa phương. Mặc dù các ngành chức năng đang lấy mẫu nước, mẫu cá để phân tích và chưa có kết quả nhưng theo đánh giá chuyên môn, hiện tượng cá chết hàng loạt có thể là do mưa lũ, nước bị ngọt hóa nhanh khiến cho môi trường thay đổi đột ngột, cá bị sốc nước.

Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh nói gì về hiện tượng cá nuôi lồng bè chết hàng loạt?

Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Nguyễn Công Hoàng

Trước tình hình mưa lũ những tháng cuối năm 2019 tiếp tục diễn biến phức tạp, mưa to kết hợp với các hồ chứa và công trình thuỷ điện xả lũ dẫn đến ngập lụt ở các khu vực hạ lưu, ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất nuôi trồng thuỷ sản.

Để phòng chống, hạn chế thiệt hại và khắc phục hậu quả do mưa lũ cho thuỷ sản nuôi, Chi cục Thuỷ sản đã có công văn đề nghị các địa phương có diện tích nuôi cá lồng thực hiện các biện pháp phòng chống hiệu quả.

Trong đó, chú trọng việc thu hoạch thủy sản nuôi khi đạt kích cỡ thương phẩm; kiểm tra, gia cố lại hệ thống dây neo, phao lồng và di chuyển vào khu vực kín gió, có dòng chảy nhẹ để tránh gió bão gây hư hỏng lồng.

Với trường hợp không di chuyển được lồng, cần hạ lồng xuống thấp để giảm bớt sóng gió; che chắn mặt lồng bè bằng lưới có kích thước mắt lưới phù hợp sao cho không đề thuỷ sản nuôi lọt ra ngoài khi có thiên tai; thường xuyên vệ sinh lồng sạch sẽ, thông thoáng để thoát nước và treo túi vôi (3 - 5 kg) trước dòng chảy để phòng bệnh cho thuỷ sản.

Chủ đề Dịch bệnh cây trồng - vật nuôi

Chủ đề Hà Tĩnh 24h

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast