Chủ động phòng, chống hạn hán và xâm nhập mặn

(Baohatinh.vn) - Thống kê mới nhất cho thấy, lượng mưa 3 tháng đầu năm trên địa bàn Hà Tĩnh chỉ đạt xấp xỉ từ 50 - 80% so với lượng mưa cùng kỳ năm 2013, cá biệt có vùng như Hương Sơn chỉ đạt 31,9%, thành phố Hà Tĩnh chỉ đạt 37,8% so với lượng mưa cùng kỳ năm 2013...

Nguy cơ hạn hán trong vụ hè thu 2014 ngày càng cao khi lượng mưa các tháng đầu năm thấp hơn cùng kỳ
Nguy cơ hạn hán trong vụ hè thu 2014 ngày càng cao khi lượng mưa các tháng đầu năm thấp hơn cùng kỳ

Thời gian tới (từ tháng 6 đến tháng 9) sẽ là thời kỳ nắng nóng gay gắt. Để chủ động phòng, chống hạn hán và xâm nhập mặn, đảm bảo đủ nước phục vụ sản xuất và dân sinh năm 2014, UBND tỉnh vừa ban hành Chỉ thị số 11 về việc đẩy mạnh công tác phòng, chống hạn hán và xâm nhập mặn, đảm bảo nguồn nước cho sản xuất và dân sinh năm 2014.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã tiếp tục triển khai sâu rộng, có hiệu quả Chỉ thị số 20/CT-UBND ngày 11/11/2013 của UBND tỉnh về việc ra quân làm thủy lợi phục vụ dân sinh và sản xuất năm 2014. Tập trung nạo vét, khơi thông các hệ thống kênh tưới, kênh dẫn vào các trạm bơm, các cửa điều tiết để đảm bảo đưa được nước tới mặt ruộng; củng cố bờ vùng, bờ thửa để đảm bảo giữ nước mặt ruộng; kiểm tra, sửa chữa các hệ thống cánh cửa cống của các hồ chứa nước bị hư hỏng, đảm bảo không được rò rỉ, làm thất thoát nước. Tập trung nguồn lực và ưu tiên bố trí kinh phí để tu bổ, sửa chữa công trình thủy lợi và thực hiện các biện pháp phòng, chống hạn và xâm nhập mặn phục vụ sản xuất và dân sinh.

Xây dựng và tổ chức thực hiện nghiêm túc các phương án chống hạn đã được đề ra ngay từ đầu vụ Xuân 2014, tổ chức khảo sát, đánh giá những trục tiêu, kênh dẫn, khe lạch, có thể đắp tạm nhằm giữ lượng nước mưa đầu vụ Xuân và lượng nước hồi quy để bà con bơm tát, chống hạn. Có phương án bổ sung các trạm bơm dã chiến để tận dụng nguồn nước hồi quy và nguồn nước từ các kênh, lạch, ao, hồ để chống hạn.

Phối hợp với các Công ty TNHH MTV thủy lợi trên địa bàn để xây dựng lịch cấp nước cho từng vùng, từng công trình một cách cụ thể, chi tiết, quản lý phân phối nước chặt chẽ và linh hoạt; xây dựng và tổ chức tưới luân phiên, tiết kiệm nước, những vùng cao cưởng không có khả năng cấp nước phải chủ động xây dựng kế hoạch chuyển đổi cây trồng. Theo dõi chặt chẽ khả năng xâm nhập mặn để chủ động xử lý phục vụ tốt yêu cầu của sản xuất, sinh hoạt của nhân dân.

Tập trung, huy động các nguồn lực để triển khai thực hiện Kế hoạch kiên cố hóa kênh mương nội đồng đã được UBND tỉnh ban hành tại Quyết định số 479/QĐ-UBND ngày 18/02/2014 phục vụ cấp nước cho sản xuất tiết kiệm, hiệu quả.

Giám đốc các Công ty quản lý, khai thác công trình thủy lợi phối hợp chặt chẽ với các địa phương, rà soát, đánh giá, cân đối khả năng nguồn nước thực tế ở các hồ chứa, sông suối của từng vùng, từng khu vực để xây dựng kế hoạch tưới cụ thể, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất và dân sinh; kiểm tra và tập trung sửa chữa, bảo dưỡng máy móc thiết bị đảm bảo phục vụ cấp nước một cách tốt nhất.

Đối với những diện tích tưới kết hợp cả hồ chứa và trạm bơm, các địa phương, các Công ty TNHH MTV thủy lợi cần cân đối nguồn nước một cách hợp lý, ưu tiên sử dụng các trạm bơm để bơm nước khi mực nước trên sông, suối dâng cao, dành nguồn nước trong các hồ chứa phục vụ cho diện tích vùng cao và phục vụ cuối vụ xuân và cho cả vụ hè thu.

Kiểm tra, kịp thời sửa chữa các cửa cống ngăn mặn, giữ ngọt đề phòng xâm nhập mặn. Thường xuyên kiểm tra độ mặn tại cống Trung Lương, Đức Xá để chủ động tạo nguồn tốt nhất cho các trạm bơm hoạt động.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc Sở NN&PTNT theo dõi và tổng hợp diễn biến thời tiết, tình hình nguồn nước, hạn hán, xâm nhập mặn, đôn đốc, chỉ đạo các địa phương, các Công ty TNHH MTV thủy lợi thực hiện nghiêm túc các phương án chống hạn đã đề ra, vận hành hệ thống công trình thủy lợi phục vụ tốt nhất cho sản xuất và dân sinh; hướng dẫn các địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, biện pháp, giải pháp kỹ thuật đối với những vùng cao không có khả năng cung cấp đủ nguồn nước để gieo cấy lúa hè thu theo kế hoạch;

Tham mưu UBND tỉnh thành lập BCĐ phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn năm 2014 để tổ chức chỉ đạo, triển khai thực hiện, đồng thời hướng dẫn các địa phương, đơn vị thành lập các Ban chỉ đạo phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn ở địa phương, đơn vị;

Tập trung chỉ đạo thi công hoàn thành các công trình cấp nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho nhân dân, đặc biệt là các công trình kênh mương, hồ chứa nước, các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung;

Tập trung chỉ đạo hoàn thành kênh dẫn phía hạ lưu cống Đức Xá để tạo nguồn cho vùng sông Nghèn trong trường hợp cống Trung Lương bị nhiễm mặn cao và kéo dài nhiều ngày; hoàn thành hệ thống tuynen sông Trí để đưa nước từ sông Trí bổ sung cho hồ Đá Cát.

Thường xuyên báo cáo Bộ NN&PTNT (qua Tổng cục Thủy lợi) và UBND tỉnh để chỉ đạo và giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện.

Sở Công Thương chỉ đạo ngành điện có phương án ưu tiên cung cấp đủ nguồn điện và ổn định cho công tác bơm nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt.

Trung tâm Khí tượng thủy văn tỉnh cập nhật và dự báo thường xuyên về diễn biển của thời tiết gửi về UBND tỉnh, Sở NN&PTNT, UBND các huyện, thành phố, thị xã để kịp thời chỉ đạo nhân dân phòng, chống hạn có hiệu quả.

Sở TT&TT, Đài PTTH tỉnh, Báo Hà Tĩnh thường xuyên theo dõi, đưa tin kịp thời để nhân dân được biết chủ động phòng, chống hạn hán năm 2014.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng đề nghị UBMTTQ tỉnh, các sở, ban, ngành, các tổ chức đoàn thể cấp tỉnh, cấp uỷ, các đoàn thể của các địa phương tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc để thực hiện tốt các nhiệm vụ trên đây và tập trung cao cho phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân, góp phần xây dựng nông thôn mới; tham gia tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân thực hiện phòng chống hạn, biểu dương, khuyến khích những địa phương, cơ sở chủ động và có những sáng kiến chống hạn mang lại hiệu quả cao.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast