Chuyển mùa, các địa phương ở Hà Tĩnh tập trung tiêm phòng cho vật nuôi

(Baohatinh.vn) - Thời gian này, Hà Tĩnh đang tập trung cao cho công tác tiêm phòng đợt 1 năm 2022, phấn đấu đến 30/5 sẽ hoàn thành kế hoạch đề ra, góp phần phòng, chống dịch bệnh và hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người chăn nuôi.

Chuyển mùa, các địa phương ở Hà Tĩnh tập trung tiêm phòng cho vật nuôi

Huyện Lộc Hà đang tập trung cho tiêm phòng viêm da nổi cục trên trâu, bò.

Sau khi nghe thông báo từ chính quyền địa phương, hầu hết hộ chăn nuôi trên địa bàn xã Thạch Mỹ (Lộc Hà) đã đưa trâu, bò đến điểm tiêm phòng tập trung theo hướng dẫn của xã.

Chị Trần Thị Hoài (thôn Báo Ân, Thạch Mỹ, Lộc Hà) cho biết: “Ngành chuyên môn khuyến cáo dịch viêm da nổi cục trên trâu bò có thể tái nhiễm, bùng phát trên diện rộng vì vi-rút vẫn còn tồn tại trong môi trường tự nhiên nên 3 con bò của gia đình đợt này đều được đem đi tiêm phòng đầy đủ”.

Hiện nay, các địa phương khác trên địa bàn huyện Lộc Hà cũng đang tập trung cao hoàn thành kế hoạch tiêm phòng cho đàn vật nuôi đợt 1 năm 2022. Địa phương phấn đấu tiêm hơn 6.000 con trâu bò, hơn 10.000 con lợn, gần 3.400 con chó và hơn 150.000 con gia cầm.

Chuyển mùa, các địa phương ở Hà Tĩnh tập trung tiêm phòng cho vật nuôi

Các địa phương tích cực tuyên truyền, vận động để người dân tiêm phòng đầy đủ, hạn chế thiệt hại do dịch bệnh trên gia súc, gia cầm gây ra.

Để đảm bảo hiệu quả trong công tác tiêm phòng, huyện đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho các hộ dân; với những địa phương có tỉ lệ đàn trâu bò nuôi nhốt cao thì không tổ chức tiêm tập trung mà cử cán bộ thú y trực tiếp xuống tận hộ để tiêm. Riêng đối với bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò, địa phương đã trích ngân sách gần 100 triệu đồng để hỗ trợ 30% kinh phí mua vắc-xin nhằm đẩy nhanh tiến độ”.

Giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Lộc Hà Phan Văn Thanh

Do địa bàn rộng, tổng đàn chăn nuôi khá lớn nên huyện Can Lộc đã sớm chỉ đạo các địa phương thống kê số lượng đàn vật nuôi nằm trong diện tiêm phòng; thành lập tổ tiêm phòng theo cụm, xã, tiêm theo hình thức cuốn chiếu từng xã.

Nhờ tập trung cao, thống nhất trong quá trình thực hiện tại cơ sở, hiện nay, huyện Can Lộc đã hoàn thành tiêm phòng cho trên 10.700 con trâu bò (đạt tỉ lệ trên 91%), hơn 4.000 con chó (đạt tỉ lệ 40%), 1.500 con lợn (đạt tỉ lệ 15%)…

Chuyển mùa, các địa phương ở Hà Tĩnh tập trung tiêm phòng cho vật nuôi

Huyện Can Lộc đã sớm chỉ đạo các địa phương thống kê số lượng đàn vật nuôi nằm trong diện tiêm phòng.

Chị Trần Thị Hằng Nga - Cán bộ Thú y của Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Can Lộc cho biết: “Huyện dự kiến sẽ hoàn thành tiêm vắc-xin viêm da nổi cục cho trâu, bò trước 30/3, sau đó, tiếp tục tập trung nhân lực để hoàn thành tiêm các mũi như dịch tả lợn và tụ huyết trùng cho lợn, tiêm phòng dại cho chó... Ý thức của người dân được nâng cao nên công tác tiêm phòng đang được tiến hành bài bản, đạt tiến độ đề ra”.

Ngoài huyện Can Lộc, Lộc Hà, các địa phương còn lại trong tỉnh cũng đang tích cực tuyên truyền, vận động để người dân tiêm phòng đầy đủ, hạn chế thiệt hại do dịch bệnh trên gia súc, gia cầm gây nên. Trong đó, các địa phương đạt tỷ lệ khá cao là: huyện Vũ Quang, huyện Kỳ Anh, huyện Hương Khê…

Chuyển mùa, các địa phương ở Hà Tĩnh tập trung tiêm phòng cho vật nuôi

Các địa phương cần làm tốt công tác tuyên truyền, đôn đốc hộ dân chủ động phối hợp tiến hành tiêm phòng cho đàn vật nuôi.

Trưởng phòng Quản lý Thú y (Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh) Hoàng Thị Ngọc Diệp cho biết: “Trong năm 2021 vừa qua, một số loại dịch truyền nhiễm nguy hiểm trên gia súc như: dịch tả lợn châu Phi, dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò... đã xảy ra trên diện rộng, gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi. Cùng với đó, thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa là điều kiện thuận lợi để dịch bệnh trên đàn vật nuôi phát sinh và lây lan nhanh chóng. Vì thế, thực hiện tốt việc tiêm phòng sẽ giúp vật nuôi tăng sức đề kháng, hạn chế tối đa dịch bệnh xảy ra.

Các địa phương cần làm tốt công tác tuyên truyền, đôn đốc hộ dân chủ động phối hợp tiến hành tiêm phòng cho đàn vật nuôi; chuẩn bị đầy đủ các phương tiện, dụng cụ, vật tư, hóa chất phục vụ công tác tiêm phòng. Đặc biệt, các hộ chăn nuôi cũng cần phải nêu cao tinh thần tự giác, tiến hành tiêm phòng đầy đủ theo quy định để bảo vệ tài sản của gia đình”.

Thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, hiện, nguồn cung vắc-xin trong kho dự trữ cơ bản đáp ứng nhu cầu của các địa phương: gần 80.000 liều vắc-xin viêm da nổi cục; gần 12.000 liều vắc-xin dịch tả lợn; 12.000 liều vắc-xin tụ huyết trùng lợn; hơn 47.500 liều vắc-xin dại chó; 160.000 liều vắc-xin cúm gia cầm.

Với tiêm phòng vắc-xin viêm da nổi cục trên trâu bò, thời gian triển khai từ 01/3/2022 đến 30/3/2022; các loại vắc-xin khác thực hiện từ 1/4/2022 đến 30/5/2022.

Chủ đề Dịch bệnh GS-GC

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast