Doanh nghiệp xuất khẩu gạo tự đưa mình vào thế khó

Khi giá gạo nội địa tăng cao, doanh nghiệp xuất khẩu trong nước lập tức hủy hợp đồng đã ký giá thấp trước đó để cắt lỗ, tuy nhiên, giá xuất khẩu hiện dù được kéo xuống thấp nhưng doanh nghiệp vẫn khó ký được hợp đồng mới.

Giá lúa gạo nội địa giảm mạnh do gặp khó trong ký hợp đồng xuất khẩu. Trong ảnh là nông dân ĐBSCL thu hoạch lúa - Ảnh: Trung Chánh
Giá lúa gạo nội địa giảm mạnh do gặp khó trong ký hợp đồng xuất khẩu. Trong ảnh là nông dân ĐBSCL thu hoạch lúa - Ảnh: Trung Chánh

Tự tạo thế khó

Trong hai tháng 7 và 8-2013, giá gạo nguyên liệu thị trường nội địa bất ngờ “bật” mạnh từ mức 6.500 – 6.600 đồng/kí lô gam lên mức 7.100 – 7.200 đồng/kí lô gam đối với giống IR 50404. Thời điểm này, gạo thành phẩm (gạo trắng) cũng liên tục tăng, từ 7.500 – 7.600 đồng/kí lô gam lên 8.100 – 8.200 đồng/kí lô gam.

Giá gạo trong nước tăng mạnh, cộng với giá chào xuất khẩu của Việt Nam còn thấp hơn nhiều so với của Thái Lan và Ấn Độ, khoảng 50 – 70 đô la Mỹ/tấn, không ít doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nước quyết định hủy hợp đồng đã ký với đối tác, chấp nhận bồi thường thiệt hại, thay vì giao hàng như cam kết với lý do xuất sẽ lỗ.

Dù không công bố con số thống kê riêng lẻ số lượng hợp đồng do doanh nghiệp trong nước hoặc phía đối tác hủy nhưng Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), cho biết đến cuối tháng 7-2013, có đến 938.000 tấn gạo bị hủy, riêng trong tháng 7 có khoảng 180.000 tấn.

Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây, không lâu sau chuyện hợp đồng xuất khẩu gạo của Việt Nam bị hủy nhiều (gồm cả hợp đồng do doanh nghiệp trong nước chủ động hủy), diễn biến thị trường lúa gạo thế giới và trong nước ngày càng đi xuống.

Theo đó, giá bán gạo của Thái Lan và Ấn Độ được kéo xuống rất nhanh và chỉ còn cao hơn mức giá của Việt Nam khoảng 20 – 50 đô la Mỹ/tấn (gạo 5% tấm); giá gạo nội địa cũng lao dốc mạnh, xuống ngang bằng mức giá vào thời điểm cuối tháng 6-2013 (6.500 – 6.600 đồng/kí lô gam đối với gạo nguyên liệu giống IR 50404).

Một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nước cho biết hiện tại dù đã hạ giá chào xuất khẩu xuống rất thấp, chỉ 380 đô la Mỹ/tấn đối với gạo 5% tấm và 350 đô la Mỹ/tấn đối với gạo 25% tấm nhưng rất khó ký được hợp đồng mới, trong khi tháng 7 giá chào hơn 400 đô la/tấn.

“Tới giờ phút này, mình (doanh nghiệp Việt Nam) chào giá 350 đô la Mỹ/tấn (gạo 25% tấm) người ta (đối tác nhập khẩu) không mua, gạo 5% chào giá 380 đô la Mỹ/tấn cũng không bán được”, ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thịnh Phát (Bến Tre) nói.

Theo ông Tuấn, lý do tìm kiếm hợp đồng xuất khẩu gạo trong giai đoạn hiện nay gặp khó bởi nguồn cung gạo thế giới dư thừa (tồn kho của Ấn Độ và Thái Lan lớn); giá xuất khẩu gạo của Ấn Độ, Thái Lan giảm mạnh, trong khi nhu cầu của thế giới không cao.

“Từ những lý do trên, nếu anh là một nhà nhập khẩu, anh biết anh đang ở thế thuận lợi, tức là thế giới có nhiều người cần bán gạo nên anh cứ ép giá, doanh nghiệp bán không được vì giá thấp”, ông Tuấn cho biết.

Lúa, gạo nội địa giảm nhanh

Việc hủy nhiều hợp đồng xuất khẩu gạo cũ, trong khi hợp đồng ký mới gặp khó là nguyên nhân dẫn đến kết quả xuất khẩu gạo của Việt Nam trong tháng 8-2013 đi xuống; giá lúa gạo thị trường nội địa giảm mạnh do tiêu thụ khó.

Cụ thể, báo cáo của VFA, cho biết từ ngày 1 đến 22-8-2013, xuất khẩu gạo của Việt Nam chỉ đạt gần 288.000 tấn so với con số khoảng 576.000 của tháng 7 và giảm khoảng 70% so với cùng kỳ năm ngoái.

Về diễn biến giá lúa gạo nội địa, ông Dương Văn Mến, thương nhân kinh doanh lúa gạo tại huyện Lấp Vò, Đồng Tháp, cho biết hiện lúa IR 50404 tươi chỉ còn 4.200 – 4.300 đồng/kí lô gam, giảm bình quân 500 – 600 đồng/kí lô gam so với mức giá giữa tháng 7 rồi.

So với đầu tháng 7-2013, gạo nguyên liệu hiện đã giảm trở lại khoảng 600 – 700 đồng/kí lô gam và được các doanh nghiệp xuất khẩu tại ĐBSCL mua vào quanh mức 6.600 – 6.700 đồng/kí lô gam đối với giống IR 50404 và 6.700 – 6.800 đồng/kí lô gam đối với gạo nguyên liệu hạt dài.

Ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thịnh Phát (Bến Tre) - doanh nghiệp hội viên của Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), cho biết VFA đã đề nghị với Chính phủ được kéo dài thời hạn được hưởng lại suất ưu đãi trong chương trình tạm trữ 1 triệu tấn gạo vụ hè thu 2013 thêm 1 tháng, đến ngày 15-10-2013, thay vì đến hết ngày 15-9-2013.
Theo Thời báo Kinh tế Sài Gòn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast