Đưa bưởi Phúc Trạch vươn xa: Còn nhiều thách thức!

(Baohatinh.vn) - Mặc dù Hương Khê (Hà Tĩnh) đã có nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng bưởi Phúc Trạch nhưng để có một nguồn nguyên liệu lớn, đạt tiêu chuẩn, chất lượng tốt, đồng đều, giá cả ổn định hàng năm vẫn còn rất nhiều thách thức, từ cả tự nhiên lẫn con người.

>>Lên kệ Vinmart và hành trình tiếp cận chuỗi siêu thị của bưởi Phúc Trạch

Miền đất dữ...

Là giống bưởi ngon nhất cả nước và nằm trong danh mục cấm xuất khẩu giống của Bộ NN&PTNT, thế nhưng, bưởi Phúc Trạch cũng bị “uy hiếp” bởi thiên tai. Trận lũ quét và lũ ngâm tại 18/22 xã mới đây đã làm 720 ha cây ăn quả bị ngập, hư hỏng, trong đó có đến 400 ha bưởi Phúc Trạch.

dua buoi phuc trach vuon xa con nhieu thach thuc

Lũ đi qua khiến vườn bưởi của ông Nguyễn Sỹ Hoàn (SN 1959, trú thôn Phú Lễ, xã Hương Trạch) thành một bãi đất bùn với những cây bưởi bật gốc nằm ngổn ngang.

Nặng nề nhất là tâm lũ quét Hương Trạch với khoảng 60 ha bị hư hỏng hoàn toàn. Tiếp đến là Hương Đô, Lộc Yên, Hương Thủy mỗi xã cũng có hàng chục ha bị hư hỏng nặng, trong đó, rất nhiều diện tích phải trồng lại.

Có mặt tại Hương Khê sau hơn một tuần cơn lũ đi qua, khác hẳn với cảnh sầm uất của “vựa bưởi” trong những ngày đầu tháng 9, giờ đây, vẻ thất thần hiện hữu trên từng khuôn mặt người trồng bưởi. Cảnh tượng hàng trăm ha bưởi Phúc Trạch đang trong độ thu hoạch được trồng hơn chục năm nay, giờ trở thành những đống củi khiến người chứng kiến không khỏi xót lòng. Cuộc sống của những hộ dân chỉ biết dựa chính vào cây bưởi trở nên vô cùng khó khăn.

Do nằm ở khu vực thượng nguồn sông Ngàn Sâu nên khá nhiều vườn bưởi ở các xã vùng thượng như Hương Trạch, Phúc Trạch, Lộc Yên, Hương Đô bị lũ quét đào trơ gốc; vùng hạ như Hương Giang, Hương Thủy và nhiều xã khác, bưởi bị ngâm lũ nhiều ngày nên cũng ảnh hưởng lớn. Chị Hán Thị Hường (xã Hương Trạch) ngậm ngùi: “Vườn bưởi gia đình tôi mới chỉ cho thu hoạch 3 năm, đang ở độ tuổi sung sức nhất, đã bị cuốn trôi hết. Cuộc sống gia đình hiện gặp rất nhiều khó khăn do toàn bộ đất đai, vốn liếng đã dồn vào trồng bưởi. Nếu trồng lại, phải đến 5 năm sau mới có thu nhập, đó là chưa nói đến nguy cơ bị lũ phá”.

Trận lũ vừa qua, “xã bưởi” Hương Trạch có 60 ha bị hư hỏng hoàn toàn, tương đương 2,4 vạn cây. Ông Cao Viết Hòa - Chủ tịch UBND xã Hương Trạch, cho biết: Đây là trận lũ quét lịch sử, gây thiệt hại nặng nề nhất cho cây bưởi kể từ hàng chục năm nay. Hiện tại, xã đang tiếp tục kiểm đếm số diện tích bị thiệt hại và động viên bà con bám vườn chăm sóc, chống đỡ những cây còn sót lại.

Theo Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hương Khê Lê Quang Vinh, huyện đang tích cực giúp nhân dân khắc phục hậu quả, cụ thể là hỗ trợ, hướng dẫn, đốc thúc người dân đào rãnh thoát nước triệt để, phá váng bùn, rửa lá, quét vôi thân cây, bón phân, đắp đất bổ sung ở nơi bị xói lở. “Chúng tôi đã đề xuất với UBND tỉnh hỗ trợ giống và phân bón để người dân trồng lại diện tích bưởi bị thiệt hại. Đồng thời, có kế hoạch quy hoạch các vùng trồng bưởi mới ở những vùng cao ráo, khuyến cáo người dân không trồng vùng trũng, dễ ngập lụt".

Chủ tịch UBND huyện Hương Khê Lê Ngọc Huấn khẳng định, dù khá nhiều diện tích bưởi hư hại do lũ nhưng sẽ không ảnh hưởng đến sản lượng vụ bưởi năm sau do có số cây mới trồng bắt đầu đến độ tuổi cho quả bù lại. Tuy nhiên, không thể tăng được sản lượng cũng sẽ là một điều đáng buồn.

Vẫn “được mùa - rớt giá!”

Việc cấp giấy chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý đã tạo cho người sản xuất và người phân phối bưởi Phúc Trạch cơ hội nâng cao thế cạnh tranh, bình ổn giá, mở rộng thị trường sản phẩm. Từ đó, nâng cao hiệu quả kinh tế, mang lại lợi ích cho người trồng bưởi, góp phần phát triển kinh tế cho bà con nông dân.

dua buoi phuc trach vuon xa con nhieu thach thuc

Bưởi Phúc Trạch được tiêu thụ mạnh nhất tại Siêu thị Vinmart Hà Nội

Tuy nhiên, thực tế nhiều năm qua, số lượng bưởi trôi nổi, tình trạng bưởi bị trà trộn ở các địa phương khác trên thị trường đang còn khá nhiều. Việc tìm kiếm thị trường vẫn đang là bài toán khó của địa phương, giá cả bấp bênh, có khi chênh lệch rất lớn. Chỉ đến tháng 9 năm nay, khi bưởi Phúc Trạch được “lên kệ” siêu thị Vinmart thì mới có những hy vọng mở rộng thị trường và ổn định giá cả cho đặc sản này.

Năm nay, bưởi Phúc Trạch đạt sản lượng khá cao, nhưng rớt giá mạnh, chỉ bằng khoảng 50% so với năm 2015. Giá bưởi ở thời điểm chính vụ chỉ dao động từ 20–30 nghìn đồng/quả, trong khi năm ngoái đạt gần 50.000 đồng/quả. Điều này đã gây nhiều ảnh hưởng đến tâm lý người dân trong việc mở rộng sản xuất, đầu tư trồng bưởi.

dua buoi phuc trach vuon xa con nhieu thach thuc

Bưởi Phúc Trạch phần lớn được tiêu thụ qua các chợ tự phát, không có tem nhãn, dễ bị trà trộn với các loại bưởi khác

Giám đốc HTX Nông nghiệp Tân Thành (xã Hương Thủy) Trần Minh Trí băn khoăn: “HTX chúng tôi mới được thành lập, hoạt động chính trong lĩnh vực nông nghiệp, trong khi cây bưởi đã phát huy hiệu quả kinh tế nên HTX đang muốn mở rộng diện tích bưởi Phúc Trạch. Tuy nhiên, tình trạng rớt giá mạnh năm nay đã ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý xã viên. Hiện tại, chúng tôi đang rất hy vọng cơ quan chức năng tìm kiếm được thị trường ổn định, có thể liên kết dài hạn với các doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm, sản phẩm có mức giá tương xứng với giá trị để yên tâm sản xuất, làm giàu trên quê hương”.

Lũ lụt đe dọa, thị trường chưa ổn định và một số lý do khách quan khác sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý sản xuất của người trồng bưởi. Cùng với đó, với sản lượng lớn lên đến hàng chục nghìn tấn mỗi năm nhưng chỉ mới có một doanh nghiệp thực hiện tiêu thụ sản phẩm, sẽ không thể giải quyết đầu ra ổn định cho bưởi Phúc Trạch trên toàn huyện. Phần lớn bưởi vẫn đang được tiêu thụ nhờ tư thương buôn bán nhỏ lẻ.

Để sản phẩm chủ lực có đầu ra ổn định, Hương Khê cần thu hút thêm nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Bên cạnh đó, cần quản lý chặt chẽ chỉ dẫn địa lý, đảm bảo chất lượng và thương hiệu bưởi Phúc Trạch, tạo niềm tin tuyệt đối cho cả người sản xuất và người tiêu dùng, góp phần đưa bưởi Phúc Trạch trở thành cây kinh tế chủ lực của Hương Khê.

Bưởi Phúc Trạch là trái cây quý hiếm mang đậm nét văn hóa riêng của đất Hương Khê; được tặng giấy khen vào năm 1938 tại cuộc thi đấu các giống trái tốt và ngon do chính quyền thuộc Pháp tổ chức tại Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh; năm 1965-1967, Công ty Ngoại thương Hà Tĩnh đã thu mua bưởi xuất khẩu sang Đài Loan, Hồng Kông, Singapore; năm 1976, cụ Thái Văn Lược tại xóm 6, Phúc Trạch được Hội VAC T.Ư tặng bằng khen người giỏi chăm sóc “Loại bưởi có quả ngon, thơm nhất nước”. Năm 2006, sản phẩm bưởi Phúc Trạch được lựa chọn tiếp khách các nước tại hội nghị OPEC tại Hà Nội; ngày 23/5/2001, Bộ NN&PTNT ban hành Quyết định số 58/QĐ-BNN-KNKL cấm xuất khẩu giống…

Chủ đề TẬP TRUNG ỨNG PHÓ, KHẮC PHỤC HẬU QUẢ MƯA LŨ

Chủ đề Hạn hán - Thiên tai

Đọc thêm

Phủ xanh những vùng đất hoang hóa, bạc màu

Phủ xanh những vùng đất hoang hóa, bạc màu

Người dân một số địa phương ở Hà Tĩnh đã tập trung cải tạo những vùng đất ven biển bị hoang mạc hóa do biến đổi khí hậu, lựa chọn cây trồng phù hợp đưa vào sản xuất. Từ đó không chỉ giúp người dân nâng cao thu nhập mà còn góp phần phủ xanh đất đai hoang hóa, cải tạo môi trường.
Hà Tĩnh quyết tâm sớm hoàn thành mục tiêu tỉnh nông thôn mới

Hà Tĩnh quyết tâm sớm hoàn thành mục tiêu tỉnh nông thôn mới

Hà Tĩnh đang bước vào giai đoạn cao điểm cho mục tiêu tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (NTM). Những tuyến đường mở rộng, những khu dân cư kiểu mẫu hình thành, đời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng nâng cao…
Duy trì nhịp điệu xây dựng nông thôn mới

Duy trì nhịp điệu xây dựng nông thôn mới

Sự đồng lòng của người dân Hà Tĩnh trong triển khai các hoạt động xây dựng nông thôn mới không chỉ góp phần hoàn thiện, nâng cao chất lượng các tiêu chí mà còn thắt chặt thêm tình làng nghĩa xóm.
Nhiều loại sâu bệnh gây hại lúa xuân cuối vụ

Nhiều loại sâu bệnh gây hại lúa xuân cuối vụ

Thời tiết Hà Tĩnh duy trì hình thái nhiều mây, có mưa rào, độ ẩm cao là điều kiện thuận lợi để sâu bệnh phát sinh, đặc biệt là bệnh đạo ôn cổ bông trên lúa thời kỳ trổ tập trung.
Đổi đời nhờ nghề nuôi ong ở Đức Lạng

Đổi đời nhờ nghề nuôi ong ở Đức Lạng

Năm 2024, Chi hội nghề nghiệp Nuôi ong lấy mật xã Đức Lạng (Đức Thọ, Hà Tĩnh) thành lập với gần 50 hội viên tham gia, trở thành nền tảng để đưa thương hiệu mật ong vươn xa.
Người cựu binh kiên trì xây làng, dựng nghiệp

Người cựu binh kiên trì xây làng, dựng nghiệp

Trở về từ quân ngũ, ông Nguyễn Kiến Quốc - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Phú (Hương Sơn, Hà Tĩnh) đã hăng hái cùng người dân xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế từ nghề nuôi ong.
Mùa mật ong kém vui ở Vũ Quang

Mùa mật ong kém vui ở Vũ Quang

Thay vì rộn ràng thu hoạch những giọt mật đầu vụ như các năm trước, năm nay, người dân huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh) đang trải qua một mùa mật ong chính vụ kém vui.
Hà Tĩnh với chặng nước rút góp phần gỡ thẻ vàng IUU

Gỡ thẻ vàng IUU: Hà Tĩnh quyết liệt "chặng nước rút"

Đợt thanh tra lần thứ 5 của Ủy ban Châu Âu được xem là thời điểm quyết định để Việt Nam gỡ cảnh báo thẻ vàng IUU. Xác định rõ nhiệm vụ này, Hà Tĩnh đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong "chặng nước rút", đặc biệt tạo nên những thay đổi tích cực, nhất là trong nhận thức, trách nhiệm của ngư dân.