Với mục tiêu hỗ trợ nguồn vốn cho đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần cùng tỉnh nhà xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, ngày 11/8/2022, Agribank Chi nhánh Hà Tĩnh II và Tỉnh đoàn Hà Tĩnh ký kết triển khai “Chương trình tín dụng xanh hỗ trợ thanh niên Hà Tĩnh khởi nghiệp, lập nghiệp giai đoạn 2022 – 2025”.
Lãnh đạo Agribank Chi nhánh Hà Tĩnh II và Tỉnh đoàn ký kết phối hợp thực hiện chương trình “Tín dụng xanh”.
Theo đó, giai đoạn 2022 – 2025, chương trình “tín dụng xanh” dự kiến hỗ trợ cho 100 – 200 ĐVTN vay vốn với lãi suất ưu đãi để đầu tư sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh, mở rộng quy mô, áp dụng khoa học kỹ thuật, xây dựng thương hiệu sản phẩm tại 6 địa phương: TP Hà Tĩnh, TX Kỳ Anh và các huyện Thạch Hà, Hương Khê, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh.
Tổng nguồn vốn thực hiện là 20 tỷ đồng, thời gian triển khai chương trình có hiệu lực từ ngày 11/8/2022 đến hết ngày 31/12/2025.
Chương trình “tín dụng xanh” có 2 hình thức cho vay không có đảm bảo bằng tài sản và cho vay có đảm bảo bằng tài sản. Mức vay cụ thể do ban thường vụ huyện, thị, thành đoàn, Agribank nơi cho vay xem xét, căn cứ vào các yếu tố liên quan. Lãi suất cho vay trung hạn (từ 12 – 60 tháng) là 8%/năm (hoặc mức tối thiểu do Agribank Việt Nam quy định theo từng thời kỳ); lãi suất cho vay ngắn hạn (dưới 12 tháng) là 6%/năm (hoặc hoặc mức tối thiểu do Agribank Việt Nam quy định theo từng thời kỳ). |
Anh Nguyễn Thanh Quang – Bí thư Đoàn cơ sở Agribank Chi nhánh Hà Tĩnh II cho biết: "Nguồn vốn vay ưu đãi này sẽ tạo thêm nguồn lực để ĐVTN các địa phương mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ… dựa trên tiềm năng, thế mạnh vùng miền. Qua đó, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021 – 2025".
Cũng theo anh Nguyễn Thanh Quang, sau 1 năm triển khai chương trình, đến thời điểm này toàn chi nhánh đã giải ngân trên 4 tỷ đồng từ chương trình “tín dụng xanh” cho 10 chủ mô hình, trong đó 9 mô hình cá thể và 1 mô hình HTX. Theo rà soát, huyện Thạch Hà và TP Hà Tĩnh là những địa phương có dư nợ lớn.
Để có thể giải ngân nhanh nguồn vốn trong thời gian tới và phát huy hiệu quả của mô hình kinh tế được hỗ trợ về vốn vay, cần sự vào cuộc tích cực hơn nữa của đoàn thanh niên các cấp cũng như chính quyền địa phương sở tại trong việc định hướng, tư vấn xây dựng, triển khai phương án sản xuất, kinh doanh mang tính khả thi, khoa học. Cùng đó, tăng cường hỗ trợ khoa học kỹ thuật; đẩy mạnh liên doanh, liên kết; chuyển đổi số, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm… để các mô hình kinh tế do ĐVTN làm chủ thực sự phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế.