Hà Tĩnh - điểm sáng xây dựng nông thôn mới

(Baohatinh.vn) - Kế thừa những kết quả đạt được, năm 2014, Hà Tĩnh tiếp tục dốc toàn lực cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Bằng chủ trương đúng đắn, phương pháp triển khai khoa học, quyết liệt và hợp lòng dân, Hà Tĩnh trở thành điểm sáng của cả nước trong quá trình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM)...

Tầm nhìn chiến lược

Trước thềm Đại hội tỉnh Đảng bộ khóa XVII (nhiệm kỳ 2010-2015), lĩnh vực công nghiệp của tỉnh đã có những bước tiến vượt bậc với đầu tàu Vũng Áng. Thời điểm đó, Hà Tĩnh đã khẳng định phải đi lên bằng “đôi chân” công nghiệp và nông nghiệp, từ đó sẽ tạo điều kiện thúc đẩy thương mại, dịch vụ phát triển. Để cụ thể hóa tầm nhìn và quan điểm đúng đắn đó, “tỉnh nghèo” đã mạnh dạn xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách đồng bộ, kịp thời, nhằm phát huy tối đa nguồn lực trong dân, tạo bước đột phá thực hiện thành công nhiệm vụ xây dựng NTM.

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự kiểm tra tình hình sản xuất rau, củ, quả công nghệ cao trên cát ven biển tại HTX Hằng Bảy (Thạch Văn). Ảnh: Nguyễn Oanh

Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự kiểm tra tình hình sản xuất rau, củ, quả công nghệ cao trên cát ven biển tại HTX Hằng Bảy (Thạch Văn). Ảnh: Nguyễn Oanh

Phó chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Trần Huy Oánh cho biết, mặc dù trong 3 năm (2011-2013), Hà Tĩnh luôn là địa phương dẫn đầu cả nước, được trung ương đánh giá cao trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, tuy nhiên, 2014 mới chính là năm “bội thu” của tỉnh nhà, nhiều chỉ tiêu, kết quả đạt được bằng 3 năm trước cộng lại. Số xã về đích tăng gấp 2,7 lần (năm 2014 có 19 xã đạt chuẩn, nâng tổng số xã đạt chuẩn lên 26, bằng 11% tổng số xã). Toàn tỉnh chỉ còn 38 xã đạt dưới 7 tiêu chí, không còn xã dưới 5 tiêu chí.

Trong điều kiện ngân sách còn hạn chế, tỉnh đã ban hành các cơ chế, chính sách, trao quyền chủ động cho người dân nhằm huy động tối đa các nguồn lực theo khả năng của từng địa phương; tổng nguồn vốn huy động đạt hơn 6.096 tỷ đồng. Qua đó, các địa phương đã hỗ trợ, thành lập mới 2.566 mô hình sản xuất có hiệu quả, nâng tổng số mô hình sản xuất hiệu quả lên 5.556; 449 tổ hợp tác, 114 HTX và 206 doanh nghiệp, lũy kế từ năm 2011 đến nay, tỉnh ta có 678 tổ hợp tác, 402 HTX, 885 doanh nghiệp. Đồng thời, xây dựng thêm 1.180 km đường giao thông nông thôn, 224 kênh mương nội đồng; xây mới, nâng cấp 11 nhà văn hóa xã, 41 trường học, 12 trạm y tế, 250 nhà văn hóa thôn, xóa 984 nhà tạm…

Không dừng lại ở những con số ấn tượng, chương trình xây dựng NTM ở Hà Tĩnh đã đi vào chiều sâu. Tại các làng quê, chuyện hiến đất, mở đường đã trở thành phong trào rộng khắp, thu hút sự tham gia của đông đảo người dân. Bằng ý chí vượt khó, những vùng đồi núi bạc màu ở Vũ Quang, Hương Khê… và vùng đất cát hoang hóa trải dài từ Nghi Xuân đến Kỳ Anh đã được khai phá, xây dựng nên những cánh đồng trù phú, những mô hình sản xuất hiệu quả theo công nghệ cao với 13 sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực.

Tận tụy với “tam nông”

“Không ai được phép đứng ngoài cuộc chương trình xây dựng NTM”, thông điệp được Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Bình gửi đi càng thúc giục mỗi trái tim, khối óc cùng hướng về NTM. Chủ trương hướng mạnh về cơ sở, chung tay xây dựng NTM luôn được thể hiện đậm nét. Chỉ tính riêng năm 2014, các đoàn công tác của tỉnh đã có gần 1.000 cuộc làm việc với các xã của 12 huyện, thị, thành phố. Thông qua các buổi làm việc, các địa phương đã tiếp thu trực tiếp định hướng chỉ đạo, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Hà Tĩnh - điểm sáng xây dựng nông thôn mới ảnh 2

Thông qua cơ chế hỗ trợ xi măng của tỉnh, hàng trăm km đường GTNT trên địa bàn đã được xây dựng.

Còn nhớ, vào tháng 8/2014, trong chuyến kiểm tra tiến độ xây dựng NTM tại Thạch Long (Thạch Hà), Chủ tịch UBND tỉnh Võ Kim Cự - Trưởng BCĐ chương trình xây dựng NTM tỉnh đã thẳng thắn phê bình đội ngũ cán bộ xã Thạch Long và huyện Thạch Hà vì đã thiếu quyết liệt trong công tác chỉ đạo, điều hành. Bên cạnh việc yêu cầu lãnh đạo địa phương nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, Chủ tịch UBND tỉnh đã gợi mở một số giải pháp để Thạch Long theo kịp “guồng quay” chung của tỉnh như: ưu tiên phát triển sản xuất; thực hiện bài học “3 hóa” (liên kết hóa, xã hội hóa, doanh nghiệp hóa) gắn với đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng gia tăng giá trị sản xuất; đổi mới mô hình tăng trưởng…

“Sau khi “được” Chủ tịch UBND tỉnh phê bình, chúng tôi thấm thía hơn về vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong xây dựng NTM. Được sự hướng dẫn của các phòng, ban cấp huyện, chúng tôi đã xây dựng khung kế hoạch, lộ trình thực hiện một cách căn cơ, phân công đầu việc rõ ràng cho từng tập thể, cá nhân. Hiểu được vai trò chủ thể của mình, bà con nhân dân đã phát huy tối đa sức mạnh. Nhờ đó, Thạch Long đã chạm đích NTM đúng hẹn trong năm 2014”, Chủ tịch UBND xã Thạch Long - Nguyễn Phi Trưng bộc bạch.

Thực tiễn quá trình xây dựng NTM trên địa bàn cho thấy, nơi nào phong trào xây dựng NTM thấm sâu vào máu thịt của dân thì kết quả thực hiện nhiệm vụ ở địa phương đó sẽ như mong muốn. Sau “sự cố” năm 2012, rất nhiều người nghĩ rằng, xã Xuân Viên (Nghi Xuân) còn lâu mới hoàn thành 19 tiêu chí NTM. Sự nghi ngại trên hoàn toàn có cơ sở bởi niềm tin của người dân đối với đội ngũ cán bộ địa phương phần nào bị giảm sút.

Nhận thấy gốc rễ của vấn đề, huyện Nghi Xuân đã kiện toàn bộ máy lãnh đạo, xử lý những vấn đề nảy sinh một cách công khai, dân chủ, thẳng thắn. Theo Bí thư Đảng ủy xã Phan Văn Thư, khi bà con trên dưới một lòng, không kể ngày đêm thi nhau làm NTM, cả xã được ví như một công trường. Nhờ đó, chỉ trong vòng 9 tháng cuối năm 2014, Xuân Viên đã hoàn thành thêm 9 tiêu chí để về đích trước sự phấn khởi của người dân.

Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, thành công bước đầu của Hà Tĩnh khẳng định sự quyết liệt, sâu sát của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong việc huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc, tham gia tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng NTM. Tỉnh đã vận dụng cách làm sáng tạo, được đúc rút từ lý luận kết hợp với thực tiễn của từng địa phương nên trong bất cứ hoàn cảnh nào, chúng ta cũng khơi dậy được sức dân. Tùy tình hình, yêu cầu nhiệm vụ, có khi chúng ta tiến hành vừa “điểm”, vừa “diện”, khi “nâng đầu, đỡ cuối, giúp nhau cùng tiến bộ và phát triển”.

Không chạy đua với thành tích, Hà Tĩnh mạnh dạn thực hiện thêm tiêu chí thứ 20 (khu dân cư kiểu mẫu) nhằm hiện thực hóa các giá trị cốt lõi của NTM tại mỗi gia đình, ngõ xóm. Xem bài học lấy phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân là sợi dây xuyên suốt trong cả quá trình thực hiện. Và ngay cả trong phát triển sản xuất, từ việc ưu tiên xây dựng các mô hình lớn để làm mẫu, Hà Tĩnh đã tạo sự lan tỏa bằng việc hỗ trợ, xây dựng các mô hình vừa và nhỏ, đặc biệt khuyến khích phát triển kinh tế hộ có liên kết.

Chủ đề Xây dựng nông thôn mới

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast