Hà Tĩnh tập trung cao tiêm phòng gia súc, gia cầm đợt 2 năm 2023

(Baohatinh.vn) - Các địa phương trên toàn tỉnh Hà Tĩnh đang “ráo riết” triển khai công tác tiêm vắc-xin đợt 2 năm 2023 cho đàn gia súc, gia cầm; phấn đấu hoàn thành trước 30/10 để đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh.

Là một trong những địa phương đầu tiên trên toàn tỉnh triển khai tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm đợt 2, những ngày qua, xã Cẩm Quan (Cẩm Xuyên) đã huy động nhân viên thú y trực tiếp đến từng hộ chăn nuôi để triển khai công tác tiêm phòng. Sau 3 ngày ra quân, toàn xã đã tiêm hơn 800 liều vắc-xin cho đàn trâu, bò, lợn (đạt tỷ lệ hơn 80% trên tổng đàn).

Hà Tĩnh tập trung cao tiêm phòng gia súc, gia cầm đợt 2 năm 2023

Cán bộ thú y xã Cẩm Quan (Cẩm Xuyên) đến tận từng hộ chăn nuôi để triển khai công tác tiêm phòng cho gia súc.

Chị Phan Thị Chinh – cán bộ thú y xã Cẩm Quan cho biết: “Việc tiêm vắc-xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm trong thời điểm này hết sức quan trọng bởi vật nuôi đã hết thời gian miễn dịch. Thời tiết giao mùa nắng mưa thất thường nên rất dễ phát sinh các loại dịch bệnh nguy hiểm như viêm da nổi cục trên trâu, bò, lở mồm long móng, cúm gia cầm... Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền và huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc nên tiêm phòng đợt này đạt tiến độ đề ra với tỷ lệ cao”.

Ngoài xã Cẩm Quan, các địa phương khác trên toàn huyện Cẩm Xuyên cũng đang tập trung cao cho công tác tiêm phòng gia súc, gia cầm. Đến thời điểm này, huyện Cẩm Xuyên đã được phân bổ 3.500 liều vắc-xin tụ huyết trùng trâu bò; 4.000 liều vắc-xin lở mồm long móng; 20.000 liều vắc-xin cúm gia cầm; 2.500 liều vắc-xin tụ huyết trùng lợn và 2.500 liều vắc-xin dịch tả lợn châu Phi. Cẩm Xuyên phấn đấu đến hết ngày 6/10/2023 sẽ hoàn thành công tác tiêm phòng cho gia súc, gia cầm đợt 2.

Hà Tĩnh tập trung cao tiêm phòng gia súc, gia cầm đợt 2 năm 2023

Xã Lâm Trung Thủy (Đức Thọ) phấn đấu đến ngày 24/9 này sẽ hoàn thành tiêm phòng gia súc, gia cầm đợt 2.

Huyện Đức Thọ cũng đã được cấp phát thuốc phòng bệnh cho gia súc, gia cầm trong đợt 2 này. Dựa trên số lượng rà soát tổng đàn từ cơ sở, Đức Thọ được ngành chuyên môn phân bổ 3.075 liều vắc-xin tụ huyết trùng trâu bò, 2.725 liều vắc-xin lở mồm long móng, 10.000 liều vắc-xin cúm gia cầm, 1.325 liều vắc xin tụ huyết trùng lợn và 1.325 liều vắc-xin dịch tả lợn châu Phi.

Ông Phan Đăng Đức - Phó Chủ tịch UBND xã Lâm Trung Thủy (Đức Thọ) cho biết: “Thời gian qua, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền tới các hộ chăn nuôi thực hiện nghiêm túc công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Hiện nay, xã đang huy động nhân lực, thực hiện tiêm phòng tập trung và tiêm phòng tại từng hộ chăn nuôi theo quy định. Đợt này, toàn xã sẽ tiêm vắc-xin tụ huyết trùng và lở mồm long móng cho 582 con trâu, bò; vắc-xin tụ huyết trùng và dịch tả lợn cho 300 con lợn và vắc-xin cúm gia cầm cho trên 500 con gà trên 15 thôn. Địa phương phấn đấu ngày 24/9 sẽ hoàn thành chỉ tiêu được giao”.

Hà Tĩnh tập trung cao tiêm phòng gia súc, gia cầm đợt 2 năm 2023

Đây là thời điểm giao mùa nên phải đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng cho đàn vật nuôi.

Theo thông tin từ Cục Thú y, từ đầu năm 2023 đến nay, trên cả nước đã xảy ra các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như: cúm gia cầm, dịch tả lợn Châu Phi, lở mồm long móng, nhiệt thán... nguy cơ dịch bệnh động vật nguy hiểm tiếp tục xảy ra ở phạm vi rộng là rất cao. Hơn nữa, hiện nay đang là giai đoạn giao mùa, thời tiết thay đổi đột ngột làm sức đề kháng của gia súc, gia cầm giảm và tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh phát triển, lây lan. Bởi vậy, việc đẩy mạnh tiến độ tiêm phòng các loại vắc - xin là giải pháp để tăng sức đề kháng cho đàn vật nuôi.

Ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Quản lý thú y (Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh) cho biết: “Thời gian tiêm phòng đợt 2 từ ngày 1/9 - 30/10. Hiện nay, các huyện Cẩm Xuyên và Đức Thọ đã nhận đủ vắc-xin đang tập trung tiêm phòng các loại vắc xin gia súc, gia cầm theo hướng dẫn của ngành chuyên môn. Các địa phương còn lại đang hoàn thành việc rà soát, thống kê tổng đàn đối với chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ và chăn nuôi trang trại; rà soát tiêm phòng cho các đối tượng chưa được tiêm phòng trong đợt 1 và số lượng vắc-xin mới phát sinh trong đợt 2. Trên cơ sở đó, ngành chuyên môn sẽ phân bổ các loại vắc-xin về các địa phương để đảm bảo tiêm phòng gia súc, gia cầm theo kế hoạch và đạt hiệu quả cao nhất”.

Hà Tĩnh tập trung cao tiêm phòng gia súc, gia cầm đợt 2 năm 2023

Hà Tĩnh phấn đấu hoàn thành công tác tiêm phòng gia súc, gia cầm đợt 2 trước ngày 30/10.

Để công tác tiêm phòng vắc-xin cho đàn gia súc, gia cầm đợt 2/2023 triển khai kịp thời, đạt chỉ tiêu kế hoạch, góp phần chủ động phòng chống dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh chỉ đạo phòng chuyên môn bám sát tiến độ tiêm phòng, đốc thúc các địa phương tranh thủ thời gian, đẩy nhanh tiến độ; bố trí cán bộ chuyên môn trực tiếp chỉ đạo, giám sát công tác tổ chức, triển khai tại cấp xã và các thôn, xóm.

Từ đó, kịp thời hướng dẫn, bổ cứu các nội dung liên quan về chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ thuật tiêm phòng; giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh tại các địa phương để có những điều chỉnh, thực hiện công tác tiêm phòng đảm bảo quy định.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Với đa dạng sản phẩm đặc sản của tỉnh được trưng bày, Lễ hội Cam và các sản phẩm Hà Tĩnh năm 2024 được đông đảo người dân đến tham quan, mua sắm, tạo không khí nhộn nhịp.
Bám biển mùa "gió chướng"

Bám biển mùa "gió chướng"

Dù thời tiết không thuận nhưng những ngư dân yêu lao động ở xã Thịnh Lộc (Lộc Hà, Hà Tĩnh) vẫn kiên trì bám biển, chăm chỉ mưu sinh.
Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao để phát triển ngành nghề mới, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025.
Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn đầu tư phát triển các mô hình nông – lâm – thủy sản với tổng dư nợ đạt gần 13.000 tỷ đồng.