Hà Tĩnh thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải khí nhà kính

(Baohatinh.vn) - Hà Tĩnh là 1 trong 6 tỉnh thực hiện Nghị định số 107/2022/NĐ-CP ngày 28/12/2022 về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ.

Hà Tĩnh thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải khí nhà kính

Hà Tĩnh hiện có khoảng 337.231 ha rừng, trong đó có hơn 23.000 ha đã được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC)

Kết quả giảm phát thải là lượng khí cacbon dioxide (CO2) được giảm, hấp thụ hoặc lưu giữ do các hoạt động quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên trong khu vực giảm phát thải khí nhà kính chênh lệc so với mức tham chiếu được xác định trong Thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ (ERPA), được tính theo tấn CO2.

Chuyển nhượng kết quả giảm phát thải là việc Bộ NN&PTNT chuyển quyền sở hữu lượng giảm phát thải khí nhà kính từ rừng tự nhiên cho Quỹ Đối tác cacbon lâm nghiệp ủy thác qua Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế theo ERPA (gồm lượng giảm phát thải ký kết 10,3 triệu tấn CO2 và lượng giảm phát thải bổ sung tối đa 5 triệu tấn CO2 (nếu có)).

Theo nguyên tắc, việc chuyển nhượng kết quả giảm phát thải được xác định theo thỏa thuận trong ERPA. Kết quả giảm phát thải đã được chuyển nhượng theo ERPA thì không được chuyển nhượng cho đối tác khác.

Nguồn thu từ ERPA là nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng đối với loại hình dịch vụ hấp thụ và lưu giữ cacbon của rừng, giảm phát thải khí nhà kính từ hạn chế mất ròng và suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững, tăng trưởng xanh theo quy định của Luật Lâm nghiệp được chi trả theo quy định tại Nghị định này.

Bộ NN&PTNT thực hiện chuyển nhượng kết quả giảm phát thải khí nhà kính cho Quỹ Đối tác cacbon lâm nghiệp ủy thác qua Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế theo ERPA.

Hà Tĩnh thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải khí nhà kính

Ngoài lượng giảm phát thải đã ký kết theo ERPA, trường hợp Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế có nhu cầu mua thêm lượng giảm phát thải, Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, UBND 6 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và các cơ quan có liên quan xây dựng phương án chuyển nhượng, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.

Hà Tĩnh hiện có 337.231 ha rừng, trong đó có hơn 23.000 ha đã được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC); phấn đấu tới năm 2030 có khoảng 37.000 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC, gồm rừng trồng sản xuất: 32.000 ha, rừng cao su: 5.000 ha..

Đối tượng hưởng lợi từ ERPA gồm:

1- Chủ rừng theo quy định tại Điều 8 Luật Lâm nghiệp được giao quản lý rừng tự nhiên.

2- Ủy ban nhân dân cấp xã và tổ chức khác được Nhà nước giao trách nhiệm quản lý rừng tự nhiên theo quy định của pháp luật.

3- Cộng đồng dân cư, ủy ban nhân dân cấp xã có thỏa thuận tham gia hoạt động quản lý rừng với chủ rừng là tổ chức.

4- Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam và Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng 6 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ.

5- Các đối tượng khác có hoạt động liên quan đến giảm phát thải và hấp thụ khí nhà kính từ rừng tại địa bàn 06 tỉnh vùng Bắc Trung Bộ.

Chủ đề Kinh tế Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast