Hết thời hạn, tỷ lệ gia súc, gia cầm toàn tỉnh được tiêm phòng đợt 1 năm 2023 vẫn đạt thấp

(Baohatinh.vn) - Thời hạn tiêm vắc-xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm định kỳ đợt 1 năm 2023 đã kết thúc, song tỷ lệ tiêm phòng tại nhiều địa phương ở Hà Tĩnh còn thấp.

Hết thời hạn, tỷ lệ gia súc, gia cầm toàn tỉnh được tiêm phòng đợt 1 năm 2023 vẫn đạt thấp

Huyện Lộc Hà tổ chức tiêm phòng cúm gia cầm đợt 1 năm 2023 cho các xã, thị trấn.

Theo thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, đợt tiêm phòng cho gia súc, gia cầm đợt 1 năm 2023 đã chính thức khép lại từ ngày 1/5 vừa qua. Tuy nhiên, đến nay, công tác tiêm phòng vắc-xin định kỳ tại các địa phương chưa đạt yêu cầu đề ra. Toàn tỉnh mới tiêm vắc-xin viêm da nổi cục cho trâu bò đạt hơn 53,3%; dịch tả lợn trên 80%; tụ huyết trùng lợn hơn 80%; tiêm phòng dại chó đạt gần 60%; cúm gia cầm chỉ đạt gần 20%.

Một số địa phương có tỷ lệ tiêm phòng đạt thấp như: huyện Kỳ Anh, Nghi Xuân, Cẩm Xuyên, Hương Sơn…

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ tiêm phòng đạt thấp là do vắc-xin lở mồm long móng trên trâu bò phải qua giai đoạn đấu thầu khiến cho nguồn cung về các địa phương bị chậm; vắc-xin phòng dại trên chó thiếu nguồn cung thương mại trên toàn quốc nên làm chậm tiến độ theo kế hoạch đề ra. Nhiều địa phương có tâm lý chờ vắc-xin lở mồm long móng rồi mới tổ chức tiêm cho tất cả các loại bệnh một lần.

Hết thời hạn, tỷ lệ gia súc, gia cầm toàn tỉnh được tiêm phòng đợt 1 năm 2023 vẫn đạt thấp

Các địa phương cần chấn chỉnh công tác tiêm phòng vắc-xin đảm bảo tỷ lệ, chất lượng theo kế hoạch đã đề ra.

Về nguyên nhân chủ quan vẫn là do ý thức của người chăn nuôi đối với công tác phòng, chống dịch bệnh còn thấp; chính quyền một số địa phương chưa thực sự vào cuộc quyết liệt...

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang xuất hiện nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm như bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò tại huyện Thạch Hà, TX Hồng Lĩnh, TP Hà Tĩnh; dịch tả lợn châu Phi tại huyện Cẩm Xuyên, Đức Thọ và lở mồm long móng tại huyện Kỳ Anh, TX Kỳ Anh. Thời tiết chuyển mùa, hiệu lực của đợt tiêm phòng trước đã hết khiến vật nuôi suy giảm sức đề kháng, dễ phát sinh lây lan các loại dịch bệnh, gây thiệt hại trong chăn nuôi.

Trước tình hình này, UBND tỉnh đã có văn bản đề nghị các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý chăn nuôi và phòng, chống dịch bệnh động vật. UBND tỉnh yêu cầu khẩn trương chấn chỉnh công tác tiêm phòng vắc-xin đảm bảo tỷ lệ, chất lượng theo kế hoạch đã đề ra; báo cáo tình hình tiêm phòng qua Sở NN&PTNT trước ngày 15/5. Đối với vắc-xin phòng bệnh lở mồm long móng và tụ huyết trùng trên trâu bò sẽ tiến hành tiêm sau khi các địa phương đã hoàn thành tiêm phòng bệnh viêm da nổi cục.

Đối với đàn trâu, bò, toàn tỉnh cần tiêm vắc-xin lở mồm long móng, tụ huyết trùng, viêm da nổi cục cho trên 80% tổng đàn thuộc diện tiêm phòng. Đối với đàn lợn, tiêm vắc-xin phòng dịch tả lợn, tụ huyết trùng, lở mồm long móng (đối với lợn nái, lợn đực giống) đạt tỷ lệ trên 80% tổng đàn thuộc diện tiêm phòng; ngoài ra, khuyến khích người chăn nuôi tiêm phòng vắc-xin tai xanh cho đàn lợn.

Đối với đàn gia cầm, tiêm vắc-xin cúm gia cầm đạt tỷ lệ trên 80% tổng đàn thuộc diện tiêm phòng. Đối với đàn chó, mèo, tiêm vắc-xin dại đạt trên 70% tổng đàn, bảo đảm tối thiểu tiêm 1 lần/năm.

Chủ đề Dịch bệnh GS-GC

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast