Hương Sơn - mùa lộc mới

(Baohatinh.vn) - Với tinh thần đoàn kết, quyết tâm cao của Đảng bộ và Nhân dân huyện nhà, Hương Sơn (Hà Tĩnh) đã khai thác được những giá trị riêng biệt của vùng “núi thơm”, giành nhiều kết quả quan trọng để vững bước trên hành trình đạt chuẩn huyện NTM…

Hương Sơn - mùa lộc mới

Một góc thị trấn Phố Châu Hương Sơn

Hương Sơn đang ngày càng “thay da đổi thịt” bởi những đồi cam vàng mọng khắp các xã Kim Hoa, Sơn Trường…; những đồi chè mướt xanh chạy dọc từ xã Sơn Tây đến Sơn Kim 1, Sơn Kim 2; những đàn hươu sao khoác lên mình bộ nhung ửng hồng đón mùa lộc mới.

Ông Phan Xuân Đức - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hương Sơn cho hay: Sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là các sản phẩm chủ lực của huyện trong năm 2021 này vẫn duy trì “gam màu sáng”. Sản lượng cam ước đạt 19.860 tấn, tăng 24,6%; sản lượng chè búp đạt 8.075 tấn, tăng 5,28%; đàn hươu 38.045 con, tăng 3,81%, sản lượng nhung hươu đạt 15,63 tấn, tăng 7,35%; đàn dê 13.998 con, tăng 10,63%...

Hương Sơn - mùa lộc mới

Trồng chè mang lại thu nhập cao cho người dân xã Sơn Lâm

Có được kết quả này là nhờ thời gian qua, huyện đã đẩy mạnh các chính sách về ứng dụng khoa học công nghệ, liên kết sản xuất, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm trên các kênh thương mại điện tử..., góp phần tăng năng suất, chất lượng và giá trị sản xuất nông nghiệp của địa phương.

Đến cuối năm 2021, tổng giá trị sản xuất nông nghiệp Hương Sơn đạt 3.589 tỷ đồng, tăng 3,82% so với cùng kỳ. Toàn huyện có thêm 31 tổ hợp tác trồng cam (diện tích trên 155 ha) đã thực hiện quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap; xây dựng mô hình giám sát thông minh trên cây cam, quy mô 19,5 ha ở xã Kim Hoa…

Hương Sơn - mùa lộc mới

Mô hình giám sát thông minh trên cây cam của hộ ông Thái Quang Vinh ở xã Kim Hoa

Ông Thái Vinh Quang - chủ vườn cam ở thôn Tân Hoa (xã Kim Hoa) cho biết: “Với diện tích 3 ha, tôi đầu tư lắp đặt hệ thống giám sát thông minh sản xuất cam bù, cam chanh. Qua hệ thống, tôi theo dõi được độ ẩm, lượng dinh dưỡng và độ pH trong đất… nên chủ động trong việc điều chỉnh chế độ chăm sóc phù hợp, nâng cao năng suất và sản lượng cuối vụ. Năm nay, với 3 ha canh tác, năng suất đạt hơn 70 tấn cam các loại, tăng hơn 15 tấn so với năm ngoái, đáp ứng nhu cầu của khách hàng trong dịp tết Nguyên đán sắp tới”.

Trên hành trình xây dựng huyện đạt chuẩn NTM, đến nay, toàn huyện có 23/23 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 2 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; hoàn thành 9/9 chỉ tiêu huyện đạt chuẩn NTM, đang chờ Trung ương xét duyệt.

Theo ông Nguyễn Kiều Hưng - Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn, phong trào xây dựng NTM được khơi dậy khắp các địa phương với khí thế thi đua sôi nổi, đi sâu vào đời sống của Nhân dân, tạo sự chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực.

Trong năm, huyện có thêm 33 thôn đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu, 203 vườn hộ đạt chuẩn vườn mẫu và 877 vườn được công nhận vườn mẫu. Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) trở thành “bà đỡ” cho sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện.

Hương Sơn - mùa lộc mới

Thịt lợn rừng Nam Giang xã Sơn Trường, sản phẩm OCOP hạng 3 sao năm 2021

Trong năm, có 15 sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 sao, nâng tổng số sản phẩm đạt chuẩn OCOP lên 48. Các sản phẩm đã đạt chuẩn OCOP đều chú trọng nâng cao chất lượng, tăng cường xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường…

Ông Nguyễn Quang Thọ - Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn cho rằng, trong muôn vàn khó khăn do dịch bệnh COVID-19, sự đoàn kết chính là sức mạnh để Đảng bộ và Nhân dân huyện nhà tiếp tục ổn định sản xuất, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống khu vực nông thôn. Đến cuối năm 2021, thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đạt 42,5 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,4%, hộ cận nghèo 4,54%...

Hương Sơn - mùa lộc mới

Hương Sơn khai thác tối đa tiềm năng lợi thế để phát triển thương mại dịch vụ tại Cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo

Bước sang năm mới, Hương Sơn tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp phục hồi kinh tế trong điều kiện thích ứng linh hoạt, an toàn với dịch bệnh COVID-19; đẩy mạnh thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển thương mại - dịch vụ và công nghiệp.

Đặc biệt, huyện tiếp tục chú trọng cải tiến quy trình kỹ thuật canh tác, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất và truy xuất nguồn gốc các sản phẩm để tăng chất lượng, gia tăng giá trị, đẩy mạnh kết nối tiêu thụ trên các sàn thương mại điện tử.

Đồng thời, huyện tiếp tục khai thác tối đa lợi thế Khu du lịch Nước Sốt - Sơn Kim, Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, các khu đô thị mở rộng... phấn đấu năm 2022, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất đạt 9,28%; thu nhập bình quân đầu người đạt 44 triệu đồng; giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích đạt 96 triệu đồng/ha…

Chủ đề Kinh tế Hà Tĩnh

Chủ đề LỄ HỘI XUÂN QUÝ MÃO 2023

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast