Khó khăn trong tái sinh 43 ha rừng ngập mặn bị chết ở Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Sau hơn một năm, vụ việc hơn 43 ha rừng ngập mặn tại xã Kỳ Hà (TX Kỳ Anh, Hà Tĩnh) bị chết vẫn chưa tìm ra nguyên nhân cụ thể. Điều này gây khó khăn trong việc tái sinh hệ sinh thái rừng ngập mặn tại đây.

Video: Lãnh đạo xã chia sẻ việc sớm tái đầu tư rừng ngập mặn bị chết

Thông tin từ UBND xã Kỳ Hà, kể từ thời điểm phát hiện rừng ngập mặn tại địa phương bị chết đến nay là khoảng 18 tháng, nhưng hiện tại địa phương chưa nhận được câu trả lời, kết luận chính thức về nguyên nhân từ phía các ngành chức năng.

Điều này gây khó khăn cho thị xã cũng như địa phương trong việc thanh lý, xin chủ trương đầu tư, trồng mới hệ thống rừng ngập mặn tại đây.

Ông Nguyễn Tiến Thắng - Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Hà cho biết: “Hệ thống rừng ngập mặn có vai trò hết sức quan trọng không chỉ bảo vệ tuyến đê biển, hệ sinh thái động vật mà còn có tác dụng điều hoà lượng nước, bảo vệ các điểm nuôi thuỷ hải sản tại địa phương. Tuy nhiên khi chưa có kết luận về nguyên nhân cây bị chết, thì chưa có căn cứ tái đầu tư rừng ngập mặn hiệu quả, bền vững được...”.

Khó khăn trong tái sinh 43 ha rừng ngập mặn bị chết ở Hà Tĩnh

Hiện trạng rừng ngập mặn xã Kỳ Hà vào 2 thời điểm tháng 5/2022 và tháng 12/2023.

Từ khoảng tháng 5/2022, tại lô 1, khoảnh 1, tiểu khu 358B rừng ngập mặn xã Kỳ Hà, do 2 thôn Tây Hà và Bắc Hà quản lý và bảo vệ, bắt đầu xuất hiện hiện tượng cây mắm biển bị chết. Ước tính tổng số rừng bị thiệt hại hơn 43 ha, trong đó có hơn 25ha (chiếm tỉ lệ 60%) diện tích có cây rừng chết không có khả năng phục hồi; hơn 17ha rừng còn lại (chiếm tỉ lệ 40%) có cây đang sống. Cây rừng chết làm cho nguồn lợi thủy sản sống dưới tán cây không còn nơi trú ngụ.

Sau khi nhận được thông tin, UBND thị xã Kỳ Anh đã chỉ đạo các phòng, đơn vị liên quan khẩn trương vào cuộc tìm nguyên nhân, tham mưu các giải pháp xử lý và báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cùng vào cuộc.

Đầu tháng 6/2022, Sở NN&PTNT tiến hành kiểm tra thực địa, làm việc với UBND thị xã Kỳ Anh và đã có văn bản báo cáo, tham mưu UBND tỉnh về thực trạng và định hướng xử lý.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, thời điểm đó ngành chuyên môn chưa xác định được nguyên nhân dẫn đến cây rừng trồng ngập mặn bị chết nhưng đã loại trừ nguyên nhân do các đối tượng sinh vật gây hại.

Khó khăn trong tái sinh 43 ha rừng ngập mặn bị chết ở Hà Tĩnh

Xác cây rừng ngập mặn trôi dạt kín tuyến đê biển xã Kỳ Hà.

Trước kiến nghị của địa phương và qua kiểm tra hiện trạng, Sở NN&PTNT đề nghị UBND tỉnh mời các cơ quan đầu ngành về rừng ở Trung ương và các đơn vị liên quan vào cuộc để xác định nguyên nhân.

Tuy nhiên, sau chừng ấy thời gian vẫn chưa có kết luận nguyên nhân rừng bị chết. Điều này không chỉ gây khó khăn cho các cấp ban ngành, địa phương trong quản lý mà còn ảnh hưởng đến nguồn lợi thuỷ hải sản tại địa phương.

Theo tìm hiểu của phóng viên, sau khi xem xét đề xuất của Sở NN&PTNT, UBND tỉnh đã có Văn bản số 3119/UBND-NL4 ngày 13/6/2022 yêu cầu Sở NN&PTNT chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan và UBND thị xã Kỳ Anh kiểm tra cụ thể, khẩn trương tiến hành các biện pháp cần thiết để xử lý rừng ngập mặn ở xã Kỳ Hà theo đúng chức năng, nhiệm vụ và quy định liên quan. Đồng thời, yêu cầu Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính hướng dẫn UBND thị xã Kỳ Anh và các cá nhân, tổ chức liên quan thực hiện việc thanh lý, trồng mới rừng ngập mặn tại xã Kỳ Hà theo như đề xuất của Sở NN&PTNT tại Văn bản 1144/SNN - TTBVTV ngày 9/6/2022.

Ông Đào Đức Giang - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thị xã Kỳ Anh cho biết: “Sau khi có văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, ngày 28/7/2022, Chi cục Kiểm lâm tỉnh, UBND thị xã Kỳ Anh, Hạt Kiểm lâm thị xã Kỳ Anh và các đơn vị liên quan đã có cuộc làm việc để tìm phương án thanh lý rừng ngập mặn tại xã Kỳ Hà.

Tại cuộc họp lúc đó đã thống nhất việc thanh lý rừng hiện nay chưa có hướng dẫn của cấp có thẩm quyền nhưng nội dung này đã được đưa vào Nghị định số 83/2020/NĐ-CP của Chính phủ: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp. Do vậy trong khi chờ văn bản hướng dẫn về quy định thanh lý rừng bị thiệt hại, đề nghị UBND thị xã Kỳ Anh giao cho UBND xã Kỳ Hà phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn tiếp tục công tác bảo vệ, quản lý hiện trạng rừng ngập mặn bị chết; đề nghị UBND thị xã tập hợp các hồ sơ, tài liệu liên quan để làm căn cứ thanh lý rừng ngập mặn tại xã Kỳ Hà sau này...”.

Khó khăn trong tái sinh 43 ha rừng ngập mặn bị chết ở Hà Tĩnh

Sau hơn một năm, 43 ha rừng ngập mặn tại xã Kỳ Hà bị chết vẫn chưa tìm ra nguyên do.

Trao đổi vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND thị xã Kỳ Anh Nguyễn Văn Chung cho biết: “Việc sớm tìm ra nguyên nhân hơn 43ha rừng ngập mặn ở Kỳ Hà bị chết vào năm 2022 hết sức quan trọng đối với địa phương.

Bởi, chỉ khi có kết luận nguyên nhân rõ ràng thì mới có cơ sở thanh lý, tái đầu tư rừng ngập mặn hiệu quả, bền vững nhất. Qua đó, đảm bảo được hệ sinh thái rừng ngập mặn, đảm bảo nguồn lợi thuỷ hải sản của địa phương...”.

Khó khăn trong tái sinh 43 ha rừng ngập mặn bị chết ở Hà Tĩnh

Chủ đề BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast